Nỗi đau tận cùng của người mẹ đi tù thay con

Pháp luậtThứ Hai, 08/03/2010 06:01:00 +07:00

Bà gần như ngất lịm khi nhận được thư của chồng báo tin con Hiếu sau một thời gian nghiện ngập, đang chờ chết vì nhiễm căn bệnh thế kỷ...

Khuôn mặt nhăn nheo vì tuổi tác nhưng không hề buồn, dường như bà đã chấp nhận cuộc sống cô quả từ khi nhận tội thay con.

Rất tự nhiên, không hề rụt rè như thường có ở những kẻ tù tội, bà mời tôi ngồi như thể đây là ngôi nhà của bà, còn tôi là khách vậy. Người phụ nữ có thái độ khá bình thản ấy là Hoàng Thị Canh, 60 tuổi, phạm nhân đang cải tạo tại phân trại 1, trại giam Thanh Phong, Bộ Công an. Bà khẽ khàng: “Cuộc đời tôi nhiều xui xẻo. Chắc ông trời bắt tôi phải sống cô quả mà tôi cứ cố nên giờ mới thế này”. Bằng giọng nhỏ nhẻ đầy chất Nghệ, bà kể về cuộc đời của mình như thể kể về ai đó.

Dường như "bão lòng" đã qua đi nên khi kể về cuộc đời mình, bà Canh luôn tươi cười. 

Quê ở Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, sau lần lỡ dở tình duyên, bà Canh về làm dâu xứ Nghệ rồi sống tại phường Hưng Thủy, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Gia cảnh nghèo khó nên vợ chồng bà thường kiếm sống bằng nghề phu hồ. Ba đứa con lần lượt chào đời nhưng vì cuộc sống nên chúng cứ “trứng gà, trứng vịt” chăm nhau để bố mẹ đi làm. Khi cô con gái lớn Lê Thị Hoài đã biết đi chợ thay mẹ, vợ chồng bà yên tâm để ba chị em ở nhà, đi làm ăn xa, hàng tuần mới trở về. “Tại tui nghèo quá, cứ mê mệt kiếm tiền nên buông con, làm khổ nó chứ con bé xinh xắn, lanh lợi nhất nhà. Nó bắt đầu chệch choạc từ năm lớp 6”, bà Canh thành thật.

Bố mẹ không ở nhà, chị gái lớn lại chưa đủ uy để đe nẹt nên Lê Thị Hiếu, cô con gái của vợ chồng bà bắt đầu hư hỏng. Hiếu thường lấy trộm tiền của gia đình đi chơi điện tử rồi yêu đương từ đó. Lần nào về, nghe con gái cả kể lại, vợ chồng bà cũng tìm mọi lý lẽ khuyên nhủ nhưng Hiếu cứ dạ vâng được vài hôm, rồi “đâu lại vào đấy”.

Một vài mối tình trôi qua, cuối cùng Hiếu yêu phải một con nghiện hơn cô vài tuổi. Thấy con bỏ học, sợ Hiếu dính vào ma túy, vợ chồng bà đưa con lên Quỳ Hợp để tách con ra khỏi kẻ nghiện ngập nhưng không ăn thua. Trước sự săn tìm của hai bên gia đình, hai kẻ “thiêu thân” này “quắp” nhau hết nhà trọ này tới nhà nghỉ khác để trốn tránh, buộc các phụ huynh phải tổ chức đám cưới cho chúng về ở với nhau.

Cứ tưởng lấy nhau rồi, chúng sẽ tu tỉnh, không ngờ lại đổ đốn thêm. Trong một lần bí tiền chơi ma túy, Hiếu cướp chiếc nhẫn vàng trên  tay người hàng xóm, trốn đi cùng anh chồng nghiện. Nghĩ tới tương lai của con, bà lén mang tiền sang đền với lời cầu xin được nhận tội thay con và bị kết án 12 năm tù. Những ngày ở trại tạm giam công an tỉnh Nghệ An, tháng nào chồng bà cũng đèo hai con vào thăm vợ. Mỗi khi thấy thiếu Hiếu, bà lại hỏi thăm rồi se sắt lòng khi biết con ngày càng lún sâu vào ma túy.

Dù ở trong trại giam nhưng họ rất cần có sự san sẻ vui, buồn. 

Ngày chuyển lên trại 5 cải tạo, bà gần như ngất lịm khi nhận được thư của chồng báo tin con Hiếu sau một thời gian nghiện ngập, cả hai vợ chồng giờ đang chờ chết vì nhiễm căn bệnh thế kỷ. Bao toan tính của vợ chồng bà bỗng chốc trở thành uổng phí. Thương con bé Hiếu ngày nào xinh xắn, bụ bẫm giờ khẳng khiu, lở loét chẳng biết “đi” ngày nào, phải rất lâu sau bà mới cầm nổi bút, viết thư động viên chồng, con, đón Hiếu về chăm, còn việc thăm nuôi bà, lâu lâu vào cũng được. Ai ngờ, đó cũng là lần cuối cùng bà viết thư cho người thân bởi giờ đây bà hoàn toàn mất họ. Trong một lần đèo hai con vào trại 5 thăm vợ, chồng bà bị một chiếc xe khách đâm phải, làm cả ba bố con tử nạn. Hai tháng sau, cô con gái mà bà đã hy sinh sự tự do của mình, đã bỏ bà ra đi mãi mãi.

Nhận được tin dữ từ chị phó chủ tịch phường gửi vào, bà không tin đó là sự thật. Tuyệt vọng, hoài nghi,… phải mất một thời gian sống trong sự đan xen nhiều tâm trạng, được sự động viên, an ủi của quản giáo của các bạn tù, người phụ nữ khốn khổ này đã vượt qua được “ngưỡng” gian nan nhất. “May mà tôi ở trong tù, chứ nếu ở ngoài đời chắc tôi chết mất. Họ hàng nội ngoại chả còn ai, hai anh tôi đi đào vàng cũng bỏ mạng rồi, chỉ còn mấy bố con nó để bấu víu giờ cũng bỏ tôi nốt. Đúng là số tôi cô quả”, khẽ đưa tay lau giọt lệ toát ra khóe mắt, bà Canh ngậm ngùi. Niềm mong ước lớn nhất của bà lúc này là được ở lại trại Thanh Phong, sống nốt cuộc đời còn lại. Bà bảo cứ nghĩ cảnh phải trở lại căn nhà yêu dấu ngày nào, người thân chỉ còn hiện hữu trên khung ảnh là bà không chịu được.

“Còn hai năm nữa là tôi được ra trại nhưng tôi chẳng muốn về đâu, ở đây dù toàn người lạ vẫn vui hơn khi phải về nhà”, bà Canh thoáng buồn rồi bỗng cười ngay, nụ cười của người dường như đã bão hòa đau khổ.

Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn