Nợ công tăng sát trần: Chưa thể ‘kê cao gối ngủ ngon’

Kinh tếThứ Tư, 19/11/2014 05:59:00 +07:00

(VTC News) – Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hiện nợ công vẫn đang vấn đề lớn, đe dọa an ninh tài chính Quốc gia.

(VTC News) – Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hiện nợ công vẫn đang vấn đề lớn, đe dọa an ninh tài chính Quốc gia.

Chiều 19/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội về một số vấn đề kinh tế, xã hội mà đại biểu và cử tri cả nước đang quan tâm.

Một trong những vấn đề được nêu trong báo cáo giải trình của Thủ tướng là nợ công hiện đang là vấn đề khá ‘nóng’, đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ rất lớn trong ngắn hạn.

“Đây là thách thức đối với nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng”, báo cáo của Thủ tướng nêu rõ.

>>>Xem toàn văn giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Đánh giá về vấn đề này, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mặc dù hiện nay theo báo cáo của Chính phủ thì nợ công vẫn đang ở ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, nếu Chính phủ chỉ đưa ra những giải pháp chung chung, không có kế hoạch vay nợ và trả nợ cụ thể trong thời gian tới thì nợ công sẽ tăng cao, đe dọa nền kinh tế.


- Báo cáo của Thủ tướng vừa qua đã nói khá rõ về vấn đề nợ công, đồng thời cũng đã đưa ra những giải pháp cho vấn đề này. Ông bình luận như thế nào về những con số đã được nếu trong báo cáo?

Về nợ công, thì Thủ tướng đưa ra các số liệu giống như số liệu mà Chính phủ đã báo cáo cũng như cơ quan thẩm tra đã thẩm định.

Cụ thể, theo như số liệu thì đến cuối năm 2014, dư nợ công của Chính phủ chiếm 63% GDP và đến cuối năm 2015 thì dự nợ công của Chính phủ chiếm 64% GDP.

Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách của Quốc hội trả lời báo chí chiều 19/11 (Ảnh HL)

Nhìn vào thực tế, tôi cho rằng nếu tính cả nghĩa vụ trả nợ của nhà nước, trả nợ của ngân sách nhà nước, ví dụ như nợ đối với vay của quỹ bảo hiểm xã hội, nợ đối với quỹ hoàn thuế GTGT, ví dụ như đối với cái nợ của ngân sách nhà nước đối với cái bù chênh lệch lãi suất đối với Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội… thì chắc chắn là cái mức dư nợ công của Chính phủ cao hơn con số báo cáo.

Tuy nhiên, trong năm 2014, cuối năm 2014 này, tôi vẫn khẳng định mặc dù nó cao hơn nhưng tỷ trọng dư nợ Chính phủ vẫn dưới 65% GDP, như vậy vẫn dưới ngưỡng an toàn cho phép.

- Như vậy liệu chúng ta có thể “kê cao gối” ngủ ngon trước thực tế nợ công hay phải cái động thái như thế nào để có thể giữ được ở ngưỡng an toàn?

Như tôi đã nói, nợ công nó là vấn đề lớn, đe dọa cái an ninh tài chính Quốc gia nên không thể nói là có thể 'kê cao gối ngủ ngon" được. Hiện nay, theo xu hướng thì cái mất cân đối ngân sách nhà nước của chúng ta vẫn là nhãn tiền, chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều được.
 

Theo báo cáo của Thủ tướng ngày hôm nay thì trong những năm tới bội chi ngân sách vẫn phải giữ ở mức 4% GDP, điều đó đồng nghĩa với một điều rằng chúng ta thu vẫn chưa đủ chi, vẫn phải vay thêm 4% GDP để bù đắp cái bội chi ngân sách và điều đó cũng có nghĩa rằng, nợ  công của chúng ta sẽ tăng lên nếu chúng ta không chú trọng đến việc cơ cấu lại cái nguồn vay và không chú ý đến việc chi trả nợ gốc và lãi ở mức thích hợp.

- Vậy với những giải pháp mà Thủ tướng đặt ra trong báo cáo, theo ông có thể giải quyết được căn bản vấn đề này?

Tôi đồng ý với ý kiến của Thủ tướng về những giải pháp chung được nêu trong báo cáo. Nhưng tôi cho rằng trên quan điểm chung giải quyết vấn đề nợ công đó thì Chính phủ phải thể chế hóa thành những giải pháp cụ thể.

 

Nợ công vẫn đang là vấn đề lớn, đe dọa cái an ninh tài chính Quốc gia nên. Hiện nay, sự mất cân đối ngân sách nhà nước của chúng ta vẫn là nhãn tiền, chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều được.

ĐBQH Bùi Đức Thụ
 
Ví dụ như để giảm áp lực trả nợ ngân sách hàng năm thì chúng tôi cũng đã phát biểu, Thủ tướng cũng đã tiếp thu và khẳng định lại là cần phải cơ cấu lại các khoản vay theo hướng vay những khoản dài hạn hơn, có lãi suất thấp hơn để đảo nợ thay cho những khoản mà chúng ta đang vay ngắn hạn và với lãi suất cao. Nếu mà thực  hiện được điều này thì sẽ dẫn đến áp lực trả nợ trước mắt từng năm của chúng ta sẽ giảm được.


Thực tế rất đáng mừng là vừa qua mình đã phát hành trái phiếu Việt Nam trên thị trường quốc tế, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng lên, rồi an ninh kinh tế, ổn định chính trị cũng là một trong những điểm sáng của chúng ta, cải cách hành chính được đẩy mạnh, vì vậy thứ bậc cạnh tranh, tín nhiệm của nền kinh tế Việt Nam dưới con mắt của các tổ chức Quốc tế cũng được nâng lên.

Chính điều này đã tạo một cơ hội cho Việt Nam phát hành cái trái phiếu Quốc tế với lãi suất giảm hơn so với thực tiễn.

Với cái mức độ hiện nay thì vừa qua chúng ta phát hành trái phiếu ở Mỹ bán được 1 tỷ USD, với lãi suất chỉ 4%, thấp hơn nhiều so với việc phát hành của những lần trước, bình quân khoảng 6,8%. Hơn nữa, thời hạn vay cũng dài hơn, ở mức 10 năm, thay vì có những khoản trước đây chỉ 5 năm.

Lan Uyên
Bình luận
vtcnews.vn