Nợ công lại nóng!

Kinh tếChủ Nhật, 18/10/2015 07:31:00 +07:00

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ Tài chính được yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý chặt chẽ nợ công.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ Tài chính được yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý chặt chẽ nợ công.

Thực nợ là bao nhiêu?
Luôn luôn là một chủ đề được nhắc đến trong các phiên thảo luận tại Quốc hội, tình hình nợ công đang tiếp tục có những diễn biến mới trước thềm kỳ họp thứ 10 của cơ quan lập pháp. Có lẽ đó là một lý do quan trọng khiến Chính phủ ban hành Nghị quyết về vấn đề này.
Mới đây, tại cuộc hợp báo thường kỳ của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, nợ công so với GDP ước của năm 2014 là 59,6%. Con số này Bộ Tài chính đang đối chiếu với các nhà tài trợ và qua quyết toán của các đơn vị, thực tế có thể còn thấp hơn một chút, do số lượng rút vốn bảo lãnh thực tế.

Trong đó, nợ Chính phủ là 47,4%, nợ Chính phủ bảo lãnh là 11,4%; 0,8% là nợ chính quyền địa phương. Thứ trưởng Mai nhấn mạnh: “Con số mà truyền thông trích dẫn nguồn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nợ công của Việt Nam khoảng 66,4% GDP là không chính xác, do cách tính sai lầm”.'

 Tổng số nợ công của Việt Nam đã vượt 110 tỷ USD 
Theo bà Mai, con số 66,4% là đã tính thêm chi phí dự phòng nợ bất khả kháng 5%. Trong khi, theo Luật Quản lý nợ công hiện hành, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) lại cho rằng, định nghĩa nợ công nói trên tuy đúng với tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhưng đã “bỏ qua” nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thành phần vốn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Ngay cả khi không được Chính phủ bảo lãnh chính thức, một khi DNNN vỡ nợ thì Chính phủ cũng phải can thiệp bằng cách này hoặc cách khác. Chính vì vậy, nếu thận trọng tính cả nợ của DNNN thì tỉ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam đã trên dưới 100% GDP, chưa kể nợ đọng xây dựng cơ bản hiện chiếm khoảng 1,5% GDP!
Trong một diễn biến khác, tuy sử dụng tỷ lệ nợ công 59,6% GDP của Bộ Tài chính để đánh giá tình hình, nhưng Báo cáo vừa công bố ngày 5/10 của Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình kinh tế Việt Nam nhận định, thâm hụt ngân sách tiếp tục tạo áp lực cho chính sách tài khóa, với mức dự kiến 5,6% GDP trong nửa đầu năm 2015 (tính cả trả nợ gốc).
“Điều đó thể hiện hiệu quả ngân sách kém trong khi chi thường xuyên và chi cho đầu tư cơ bản tăng. Tổng nợ công và nợ do Chính phủ bảo lãnh tiếp tục tăng và đạt mức 59,6% trong năm 2014 (54,5% năm 2013). Tuy nợ công vẫn nằm trong giới hạn bền vững nhưng chi phí trả nợ đã bắt đầu “ăn” vào các khoản chi hỗ trợ sản xuất khác trong ngân sách”, vẫn theo tài liệu nói trên.
Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, WB cũng đã cảnh báo rằng tổng số nợ công của Việt Nam đã vượt 110 tỷ USD và tình trạng mất cân đối tài khóa đã kéo dài nhiều năm.
Cũng cần nói thêm rằng, chỉ số công khai ngân sách mở của Việt Nam năm 2015 chỉ là 18 điểm trên thang điểm 100 (mức trung bình toàn cầu là 45 điểm), theo khảo sát của tổ chức Đối tác Ngân sách quốc tế công bố ngày 9/9/2015. Năm 2014, Việt Nam được 19 điểm. Ngay cả với các nhà lập pháp thì ngân sách vẫn là một điều bí ẩn và khó giải thích.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, người từng là Bộ trưởng Bộ Tài chính, cũng đã nhiều lần thẳng thắn cho rằng, việc phê chuẩn quyết toán ngân sách năm của Quốc hội hiện nay hầu như là là hợp thức việc đã rồi, nói gì đến việc kiểm soát từng khoản chi cụ thể!
Gánh nặng lúc tuổi già
Việt Nam phải tiết kiệm được 1% GDP thặng dư ngân sách mỗi năm để hiện thực hóa kịch bản kéo giảm nợ công
Trên thực tế, mỗi nền kinh tế có “ranh giới đỏ” khác nhau về nợ công. TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là khả năng trả nợ.
Theo kịch bản nợ công đã được Quốc hội phê chuẩn, đến năm 2017, nợ công của Việt Nam sẽ đụng trần 65% GDP – ngưỡng Quốc hội cho phép, và sau đó sẽ được kéo xuống còn 60,2% vào năm 2020. Nhưng theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, qua “chạy” thử nhiều kịch bản thì ngay cả với kịch bản tốt nhất là kinh tế tăng trưởng và ổn định vĩ mô, mỗi năm Việt Nam cũng phải tiết kiệm được 1% GDP thặng dư ngân sách – điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, xét từ góc độ sức lan tỏa của các dự án đầu tư công, Việt Nam chưa sử dụng hiệu quả nợ công. Trong 10 năm qua, nợ công của Việt Nam đạt mức tăng bình quân gần 18%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ là cách Hy Lạp đang làm và Việt Nam cũng đã thực hiện vào cuối năm 2014, với tổng trị giá 1 tỷ USD ở mức lãi suất 4,8%/năm.

Đảo nợ để được hưởng lãi suất tốt hơn là giải pháp đúng đắn, nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Đảo nợ chỉ hữu hiệu khi đi kèm các biện pháp tăng cường kỷ luật tài khóa và áp đặt ràng buộc ngân sách “cứng” nhằm giảm gánh nợ cho ngân sách.
Trong khi đó Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn dân số già hóa với tốc độ nhanh. Ước tính nước ta sẽ có khoảng 25-30 năm để chuyển từ dân số vàng (bắt đầu từ năm 2007) sang già hóa dân số (khoảng thời gian tương ứng ở Pháp và Thụy Điển lần lượt là 115 và 70 năm).

Nhìn sang các nước trong ASEAN, có thể thấy Brunei và Malaysia có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi lần lượt chỉ 4% và 5% nhưng lại có thu nhập cao hơn hẳn Việt Nam, lần lượt gấp 15 và 5 lần. Trong khi tỷ lệ nợ công cũng tương đương Việt Nam (trường hợp Malaysia), thậm chí thấp hơn rất xa (trường hợp Brunei, dưới 2,5% GDP).

Thái Lan, Singapore có tỷ lệ dân số già lớn hơn Việt Nam nhưng có thu nhập cao gấp nhiều lần. Thêm vào đó, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á – Thái Bình Dương, mà tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam lại có chiều hướng giảm. Nếu trong giai đoạn 2002 – 007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2%/năm thì từ năm 2008 – 2014 tốc độ tăng năng suất lao động trung bình chỉ còn 3,3%/năm. Nỗi lo tuổi cao, nợ nặng là hoàn toàn có cơ sở!

Nguồn: Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn