Niềm xúc động của ngàn vạn người xem diễu binh

Thời sựChủ Nhật, 10/10/2010 03:49:00 +07:00

(VTC News) – Niềm xúc động vụt dâng từ trong tim, từ đôi mắt ngấn lệ và những nụ cười hò reo giòn giã của hàng ngàn người đón xem lễ diễu binh...

(VTC News) – Niềm xúc động vụt dâng từ trong tim, từ đôi mắt ngấn lệ và nụ cười hò reo giòn giã của hàng vạn người đón xem lễ diễu binh khi đoàn diễu hành đi qua. Một niềm tự hào về Hà Nội thân yêu tròn 1000 năm tuổi, về đất nước Việt Nam anh dũng đấu tranh chiến thắng bao kẻ thù xâm lược và đang ngày càng lớn mạnh trong thời bình. Đó là cảm xúc chung của ngàn vạn người dân có mặt ở Hà Nội trong buổi sáng lịch sử hôm nay (10/10/2010).

Hà Nội sáng hôm nay như được trời phú cho cái tiết trời mát dịu. Trên khắp các dãy phố từng dòng người đổ về trung tâm nội đô để đón xem lễ diễu binh lớn nhất lịch sử. Nhiều tuyến phố đoàn diễu binh đi qua đã không còn một chỗ trống. Nhiều người đến muộn nên không thể chen vào bên trong, đành đứng ngước nhìn từ phía bên ngoài. Số còn lại ngồi dạt lại đằng sau đường đợi khi nào đoàn đi qua thì mới chạy ra ngó xem. Tất cả đều đang rất háo hức chờ đón sự kiện trọng đại này.

Hàng ngàn người đã đứng chật kín các tuyến phố để đón xem lễ diễu binh.

 Xem ảnh lễ diễu binh lớn nhất trong lịch sử


Cùng chung tâm trạng như nhiều người dân đón xem lễ diễu binh khác, vợ chồng anh chị Tuấn Hà ở Cổ Nhuế, Từ Liêm đưa con đi xem cũng không khỏi bồi hồi vì lần đầu tiên được chứng kiến một sự kiện hùng tráng như thế này.

Chị Hà háo hức chia sẻ: “Gia đình mình đã chuẩn bị từ hôm qua để sáng nay lên đây từ sớm, nhưng khi đến nơi thì đã không còn chỗ để ngồi nữa rồi. Anh Tuấn bế đứa bé lên cổ rồi ngước lên hỏi: “Sau này con có muốn làm chiến sĩ bộ đội không?”. Thằng bé ngây ngô đáp lại: “Con muốn được lái máy bay trực thăng như ở Quảng trường cơ”.

Và họ hò reo khi mỗi đoàn diễu binh đi qua.

Đúng lúc đó, tiếng kèn hiệu ngân vang từ phía xa, hàng ngàn người đứng dọc hai bên đường Kim Mã như nổ tung. Họ hò reo, vỗ tay ngợi ca. Khi những bước chân rầm rập và đều đặn của những chiến sĩ đến từ nhiều lực lượng khác nhau tiến gần thì hàng ngàn máy ảnh, máy điện thoại được giơ lên để ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này. Cứ mỗi khi một đoàn diễu binh thực hiện hiệu lệnh hô vang và hát bài ca “Hát mãi khúc quân hành” thì dòng người lại vỗ tay nô nức đón mừng. Cảm xúc thiêng liêng và hùng tráng đó thật khó tả.

Những khoảnh khắc lịch sử hùng tráng và thiêng liêng...

Trong giây phút lịch sử đó, đã có nhiều giọt nước mắt lăn dài trên má. Họ khóc bởi niềm tự hào của dân tộc đã được thăng hoa.

Cựu chiến binh Đinh Văn Hùng, quê ở Việt Trì, Phú Thọ không khỏi xúc động mà thét lên: “Ôi tuyệt vời quá! Tôi tự hào lắm thay Tổ quốc của ta ơi!”. Rồi ông Hùng sụt sùi: “Bao nhiêu năm nay rồi lịch sử mới lại được xem một cuộc diễu binh hùng tráng đến như vậy. Dáng vóc và bước chân của các thanh niên thời đại mới thật hùng dũng. Chiến tranh đã qua đi nhưng khí thế hào hùng và ý chí đấu tranh mãnh liệt của cả một dân tộc vẫn còn mãi”.


...đã là niềm tự hào cho cả thế hệ trẻ noi theo.

 Xem ảnh lễ diễu binh lớn nhất trong lịch sử


Trong đám đông phía đối diện, một mẹ già tóc đã bạc trắng, làn da đã nhuốm màu thời gian, đôi mắt mẹ hiện sâu dòng hồi tưởng. Mẹ người Hà Nội, có hai người con tham gia kháng chiến chống Mỹ, nhưng tất cả đã lặng lẽ nằm xuống đất sâu, hiến thân mình cho sự nghiệp dân tộc.

Ngày nhân dân Hà Nội đón những đoàn quân chiến thắng từ miền Nam trở về, mẹ cũng cầm cờ ra vẫy và ngóng mãi… Hôm nay, mẹ lại cầm cờ vẫy cao chào đón những đoàn chiến sĩ hiên ngang đi qua, mẹ lại khóc nấc lên rồi ôm chặt đứa cháu nhỏ trong lòng…


Hà Nội hôm nay rợp cờ hoa, rợp người và rợp niềm tin vào một tương lai tươi sáng.


Có mặt tại khu vực đường Nguyễn Thái Học từ 4h sáng, gia đình ông Lương Văn Hà (65 tuổi), đành dừng bước, tìm chỗ ngồi trên vỉa hè đường Nguyễn Thái Học. Cả gia đình vợ chồng con cháu, anh em nhà bác Hà tới cả chục người đang ngồi trên những tờ báo ăn tạm bữa sáng với những nắm xôi đợi đoàn diễu binh diễu hành đi qua. 

Tại ngã tư Cửa Nam, lúc chào cờ, hàng vạn bà con nhân dân đứng hai bên đường, theo dõi lễ diễu binh diễu hành qua màn hình tivi lớn, cùng nghiêm trang chào cờ. Đặc biệt, có một đoàn phụ nữ cầm cờ đứng hai bên đường đợi đoàn diễu binh. Tất cả người dân im lặng lắng nghe diễn văn của Chủ tịch nước. Khi Chủ tịch nước kết thúc diễn văn, hàng vạn người dân nơi đây cùng hô vang theo lời vị Chủ tịch nước: Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam muôn năm! muôn năm! muôn năm!

 

Hân hoan đón ngày Hà Nội tròn nghìn tuổi (Ảnh: Nam Phong)

Ông Hà chia sẻ “Nhà tôi ở quê nghèo, đất thì chỉ toàn đá ong. Gia đình có chú em tôi thoát ly, giờ sinh sống ở Phố Huế, chú thím mời nhà tôi ra đây liên hoan mừng Thủ đô ngàn năm tuổi từ hôm qua. Sáng nay cả nhà dậy từ 3h sáng, chuẩn bị nấu nướng rồi gói lại đem ra đây cho sớm không thì cũng không có chỗ ngồi thế này.” Từng là lính Bộ đội cụ Hồ, tham gia chiến đấu chống giặc Mỹ, anh lính Trường Sơn ngày nào nay đã lên chức ông nội háo hức đón đợi đoàn diễu binh diễu hành với cảm xúc trào dâng. “Tôi như sống lại những tháng năm khí thế hào hùng hành quân nam tiến giải phóng đất nước.”

Từ Qỳnh Phụ, Thái Bình, bác Nguyễn Công Kiên, nguyên là Trung tá trường Sỹ quan lục quân, nghỉ hưu năm 2008 cũng lên Hà Nội ở nhà người quen từ 3 ngày trước, đi thăm thú Thủ đô những ngày Đại lễ. “Hôm nay về thăm lại trạm 66 trên phố Phan Đình Phùng, thấy phấn khởi, hồ hởi vô cùng”, bác Kiên cho biết.

Hết diễu binh, diễu hành, bác Kiên tiếp tục đi thăm Hoàng thành (Ảnh: Nam Phong)

Cũng như cả triệu người dân, bà Nguyễn Thanh Hải, nhà ở Thành Công, Ba Đình nghẹn ngào trong bộ áo dài truyền thống của dân tộc, tay không ngừng giơ lá cờ tổ quốc vẫy chào đón đoàn diễu binh. “Đoàn diễu binh, diễu hành khiến tôi nhớ ngày còn là nhi đồng, đi đón các chiến sỹ trở về ngày giải phóng thủ đô cách nay 56 năm. Hà Nội khi ấy cũng rợp bóng cờ hoa. Nhưng giờ đường phố thay đổi khác nhiều rồi. Xúc động quá chú à".

Anh Đàm Quang Hà đưa ông ngoại từ Lý Nhân (Hà Nam) đi dự ngày Đại lễ - cụ An Văn Hội, 87 tuổi. Cụ Hội chia sẻ cùng PV “ông từ vùng quê nghèo lên đây với các con, các cháu chào đón Hà Nội tròn nghìn tuổi, chứng kiến đoàn diễu binh, diễu hành thấy quân đội ta ngày càng hùng mạnh quá, chuyên nghiệp quá.”

 Ông cháu cụ An đi chơi Đại lễ (Ảnh: Nam Phong)

Đi dự ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, bạn Bùi Văn Phước, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH KHXH&NV cùng các bạn trong bộ áo “Tôi ♥ Hà Nội” thì cảm nhận về lịch sử dân tộc, Hà Nội thấy tự hào biết bao. Phước xúc động “Chúng em chỉ được biết đến lịch sử qua những trang sách, bài giảng của thầy cô. Nhưng những ngày này ở Hà Nội, nhất là hôm nay, chúng em càng thấu hiểu hơn, tự hào hơn về lịch sử dân tộc Việt Nam.”

 Bùi Văn Phước cùng nhóm bạn học (Ảnh: Nam Phong)

Từ miền núi xa xôi, nghèo khó, anh Triệu Thanh Chương, dân tộc Tày, quê Na Rì (Bắc Kạn) cũng bắt ô tô về Hà Nội cùng bạn đang học ở dưới này đi chơi ngày Đại lễ. Lần đầu đến Thủ đô, anh thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp của đường phố Hà Nội. “Quê mình thì chỉ núi với rừng thôi à, còn chưa có cái điện về nữa, đường khó đi lắm. Đi xem vô tuyến ngoài xã, thấy Hà Nội đẹp quá, nên đi ô tô xuống đây chơi thấy Hà Nội đẹp thật đấy, hơn cả trong vô tuyến cơ".

Hà Nội hôm nay rợp cờ hoa, rợp người và rợp niềm tin vào một tương lai tươi sáng. 1000 năm dựng xây, lưu giữ, bảo vệ và phát triển những truyền thống của cha ông để lại, rồi ngày mai thế hệ trẻ tương lai lại rộn ràng tiếp bước làm nên một Hà Nội lớn giàu mạnh hơn và đậm đà bản sắc dân tộc.

Xem ảnh lễ diễu binh lớn nhất trong lịch sử









Nam Phong - Dương Lãng Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn