Những vụ kiện về môi trường chấn động dư luận thế giới

Tư liệuThứ Năm, 29/07/2010 02:08:00 +07:00

(VTC News) - Hàng ngàn nông dân VN kiện Vedan đang trở thành tâm điểm của dư luận. Hãy cùng VTC News tìm hiểu những vụ việc tương tự trên thế giới.

(VTC News) - Những ngày gần đây, dư luận trong nước đang nóng lên trước việc hàng trăm người dân đã nộp đơn kiện công ty Vedan vì các hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Trên thế giới cũng từng có rất nhiều doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí phải ngừng hoạt động vì đã không tôn trọng các quy ước về bảo vệ môi trường.



Ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay 

Texaco, vụ án môi trường lớn nhất trong lịch sử thế giới

30.000 người Da đỏ ở Ecuador đã kiện công ty dầu mỏ Mỹ Texaco, trong vụ án môi trường được cho là lớn nhất lịch sử thế giới. sau 16 năm tiến hành, vụ xử này sắp kết thúc, sau khi luật sư thu thập đủ bằng chứng và chờ phán quyết của tòa án.

Năm 1964, Công ty Texaco (Mỹ) là công ty nước ngoài đầu tiên khai thác vùng rừng nhiệt đới Amazon. Sau 30 năm với 64 tỷ lít dầu hút lên từ lòng đất, khu vực này bị tàn phá nặng nề về môi trường, bệnh tật, bạo lực và nghèo đói.

Năm 1994, Mặt trận bảo vệ vùng Amazon được thành lập để quy tụ mọi tổ chức và người dân kiện Công ty Texaco. Vụ kiện do luật sư Steve Donziger ở New York (Mỹ) và luật sư Pablo Fajardo ở Ecuador khởi xướng đòi Tập đoàn dầu mỏ Texaco thuộc Tập đoàn Chevron bồi thường tới 27 tỷ USD.

30.000 người Ecuador kiện Texaco vì công ty đã lén lút đổ 18 tỷ gallon chất độc hại xuống các khu rừng nhiệt đới Amazon thuộc địa phận của Ecuador. Hàng chục người chết và hàng trăm người khác cũng sẽ chết vì ung thư và các bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra tại khu vực này.

30.000 người Da đỏ ở Ecuador đã kiện công ty dầu mỏ Mỹ Texaco, trong vụ án môi trường được cho là lớn nhất lịch sử thế giới.  

Theo các luật sư, Công ty Texaco biết họ đã làm gì nhưng để tiết kiệm chút chi phí, họ đã "giết chết "nhiều người. Giờ họ sẽ bị buộc phải trả tiền cho hành động đó và chịu trách nhiệm về việc làm sai trái của mình. Các luật sư hy vọng điều này cũng khiến các tập đoàn khác phải nhận trách nhiệm về những hành động phá hủy môi trường mà họ đã gây ra.

Năm 2002, sau nhiều cuộc điều tra, Tòa án New York giao Tòa án Ecuador xét xử. Đây là lần đầu tiên một công ty đa quốc gia phải hầu tòa ở một quốc gia Nam Mỹ do bị người dân bản xứ kiện. Đầu năm 2008, một báo cáo của các chuyên viên đánh giá thiệt hại môi trường do Texaco gây ra trong 26 năm là từ 7-16 tỉ USD.

Vụ án về môi trường gây chấn động Trung Quốc


Một năm trước đây, lần đầu tiên Trung Quốc đã chấp nhận xét xử một vụ kiện về ô nhiễm môi trường mà nguyên đơn là một tổ chức xã hội bảo vệ môi trường và bị đơn là một cơ quan nhà nước.

Ngày 28/7/2009, Tòa án quận Thanh Trấn, thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu đã thụ lý vụ án Liên đoàn Môi trường toàn Trung Quốc kiện Sở Quản lý tài nguyên và đất đai Thanh Trấn, do cơ quan này tắc trách trong việc quản lý dự án xây dựng nhà máy bia.

Liên đoàn Môi trường toàn Trung Quốc kiện Sở Quản lý tài nguyên và đất đai Thanh Trấn, do cơ quan này tắc trách trong việc quản lý dự án xây dựng nhà máy bia, dự án gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân trong vùng.  

Dự án khởi động từ năm 1994 đến nay vẫn chưa xong và có khả năng gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân trong vùng. Theo Nhật Báo Trung Quốc, vụ xét xử này sẽ kéo dài trong một tháng.

Báo Tài Kinh đánh giá việc Tòa án Thanh Trấn nhận xét xử vụ kiện trên khẳng định vai trò đại diện người dân của các tổ chức xã hội trong bảo vệ môi trường đang ngày càng lớn mạnh ở Trung Quốc. Hồi đầu tháng 7/2009, liên đoàn trên cũng đã đưa hồ sơ kiện một công ty gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn ở thành phố ở tỉnh Giang Tô lên cơ quan tư pháp.

“Hàng rào xanh” và những vụ kiện điển hình trong thương mại quốc tế

“Hàng rào xanh” là biện pháp sử dụng các tiêu chuẩn môi trường, vệ sinh an toàn, dán nhãn sinh thái như rào cản bảo hộ sản phẩm sản xuất trong nước, chống lại các sản phẩm và công nghệ nhập khẩu với lý do các sản phẩm và công nghệ này không đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước sở tại.

Trong lịch sử hoạt động của mình, WTO và trước đó là GATT đã phải xem xét nhiều vụ việc tranh chấp của các nước thành viên liên quan đến việc áp dụng “hàng rào xanh”. Có một số vụ việc điển hình được nhắc đến nhiều trong thương mại quốc tế:

Vụ kiện “cá ngừ-cá heo” do Mexico và một số nước khác kiện Hoa Kỳ trong khuôn khổ GATT vào năm 1991 

Vụ kiện “cá ngừ-cá heo” do Mexico và một số nước khác kiện Hoa Kỳ trong khuôn khổ GATT vào năm 1991: Tại vùng biển nhiệt đới phía Tây Thái Bình Dương, cá ngừ vàng thường bơi thành đàn phía dưới đàn cá heo. Khi đánh bắt cá ngừ bằng lưới, thường cá heo cũng bị mắc lưới, sau đó dù có được gỡ ra khỏi lưới và thả lại vào biển, cá heo vẫn bị chết.

Chính vì vậy Hoa Kỳ đã ban hành tiêu chuẩn bảo vệ cá heo đối với các tàu đánh bắt cá ngừ trong vùng biển này. Nếu 1 nước xuất khẩu cá ngừ vào Hoa Kỳ không chứng tỏ được với các cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ về việc tuân thủ tiêu chuẩn này thì Hoa Kỳ sẽ cấm nhập khẩu cá từ nước đó. Đây chính là lý do Hoa Kỳ cấm nhập khẩu cá ngừ từ Mexico.

Tuy nhiên, GATT đã không chấp thuận vụ kiện này vì cho rằng Hoa Kỳ không vi phạm các quy định của GATT. Sau đó vào năm 2002, Hoa Kỳ và Mexico đã hoà giải vụ việc “ngoài khuôn khổ pháp luật”.

Vụ kiện của Canada chống Cộng đồng Châu Âu thực hiện cấm nhập khẩu amiang và các sản phẩm chứa amiang: Ngày 28/ 5/1998, Canada đã yêu cầu Cộng đồng châu Âu tổ chức hội đàm về các biện pháp do Pháp áp đặt nhằm cấm nhập khẩu amiang và các sản phẩm chứa amiang, dựa trên các quy định của Nghị định của Chính phủ Pháp ngày 24/11/1996. Sau đó ngày 8/10/1998, Canada yêu cầu thành lập Bồi thẩm đoàn của WTO để giải quyết.

Vụ kiện của Canada chống Cộng đồng Châu Âu thực hiện cấm nhập khẩu amiang và các sản phẩm chứa amiang do chất này có khả năng gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người 
Đầu năm 1997 Ấn Độ, Malaysia, Pakistan và Thái Lan đưa ra vụ kiện chống Hoa Kỳ ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm với lý do bảo vệ rùa biển.  

Ngày 18/10/2000 và sau đó ngày 12/3/2001 Bồi thẩm đoàn và Ban kháng cáo của WTO đã lần lượt từ chối không can thiệp vào lệnh của Pháp cấm nhập khẩu amiang và các sản phẩm chứa amiang vì cho rằng các hiệp định của WTO ủng hộ các nước thành viên bảo vệ sức khỏe và an toàn của con người theo mức độ mà các nước này thấy phù hợp.

Việc giải quyết các vụ kiện thương mại liên quan đến môi trường trong khuôn khổ WTO có một ví dụ rất thú vị về việc phá “hàng rào xanh” nhờ áp dụng quy tắc minh bạch và không phân biệt đối xử của WTO. Đó là vụ kiện được biết đến như “vụ kiện tôm-rùa biển” do Ấn Độ, Malaysia, Pakistan và Thái Lan chống lại lệnh cấm nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Bảo vệ môi trường vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà nhiều doanh nghiệp cần phải ưu tiên 

Đầu năm 1997 Ấn Độ, Malaysia, Pakistan và Thái Lan đưa ra vụ kiện chống Hoa Kỳ ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm và các sản phẩm từ tôm với lý do bảo vệ rùa biển. Theo Luật các giống loài quý hiếm Hoa Kỳ ban hành năm 1973, ngư dân Hoa Kỳ đánh bắt tôm cần phải sử dụng dụng cụ ngăn chặn rùa biển mắc lưới để bảo vệ loài sinh vật biển đang có nguy cơ diệt chủng này. Năm 1989, tại điều 609 Luật Dân sự Hoa Kỳ, quy định này đã được áp dụng cả đối với các tàu đánh bắt tôm của các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Ban kháng cáo của WTO cho rằng các biện pháp của Hoa Kỳ bảo vệ rùa biển là phù hợp với Điều XX của GATT,  tuy nhiên lại không phù hợp với nguyên tắc tối huệ quốc. Lý do là đã có sự phân biệt đối xử của Hoa Kỳ đối với các thành viên khác nhau của WTO.

Trước đó, tuân theo quy định của Điều 11 và Điều 12 Hiệp định TBT, Hoa Kỳ đã dành ưu đãi cho các nước vùng biển Caribbe bằng sự trợ giúp kỹ thuật và tài chính và cho phép có giai đoạn chuyển đổi dài để ngư dân các nước này có thể sử dụng các dụng cụ ngăn chặn rùa biển mắc vào lưới khi đánh bắt tôm và xuất khẩu vào Hoa Kỳ.



Hoài Thư(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn