Những vụ án oan gây chấn động dư luận

Pháp luậtThứ Ba, 05/11/2013 03:00:00 +07:00

(VTC News) – Mặc dù nạn nhân của những vụ án oan sai đã được xin lỗi, bồi thường thiệt hại nhưng nỗi đau của họ và gia đình không có gì bù đắp nổi.

(VTC News) – Mặc dù nạn nhân của những vụ án oan sai đã được xin lỗi, bồi thường thiệt hại nhưng nỗi đau của họ và gia đình không có gì bù đắp nổi.

Án oan tù chung thân tội giết người

Ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp … dẫn đến tử vong.

Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự để tiến hành điều tra. Từ một số thông tin ban đầu, ngày 30/8/2003, Cơ quan điều tra đã mời ông Nguyễn Thanh Chấn, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đến trụ sở làm việc để lấy lời khai.

Căn cứ tài liệu điều tra ban đầu ngày 28/9/2003, Cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giữ với ông Nguyễn Thanh Chấn; tiếp đó, ngày 29/9/2003, đã ra Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam với Ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh giết người.

 Ông Chấn trong ngày tuyên bố được trả tự do.

Ngày 10/2/2004, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ra bản Cáo trạng – quyết định truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người theo quy định tại điểm n, khoản 1, điều 93 Bộ Luật Hình sự.

Đến ngày 26/3/2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân; bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo.

Ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm. Trong quá trình điều tra bị cáo có khai nhận hành vi giết người, nhưng tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo không nhận tội. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật; phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã và đang chấp hành án hình phạt chung thân.

Trong quá trình ở trại giam phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan, Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án tối cao xem xét.

Bà Nguyễn Thị Chiến là vợ của phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn cũng có đơn kêu oan cho chồng . Nội dung đơn cho rằng, thủ phạm gây ra vụ án giết người vào đêm 15/8/2003 là Lý Nguyễn Chung (cùng trú tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) chứ không phải là ông Nguyễn Thanh Chấn.

Từ đó Cơ quan điều tra VKSNDTC đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh kết hợp với kiên trì vận động đối tượng ra tự thú.

Ngày 25/10/2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15/8/2003 để cướp tài sản.

Trên cơ sở kết quả điều tra, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chánh án Toà án nhân dân tối cao, đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và trao đổi thống nhất với Lãnh đạo Bộ Công an cần xem xét giải quyết lại vụ án theo trình tự tái thẩm và báo cáo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Chủ tịch nước đã đồng ý với đề xuất của Lãnh đạo liên ngành cần xem xét giải quyết lại vụ án đúng pháp luật, nếu thực tế có oan thì phải khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xem xét xử lí nghiêm trách nhiệm cá nhân trong quá trình giải quyết vụ án nếu có vi phạm quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, sau khi có quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSNDTC, Tòa án nhân dân tối cao sẽ xem xét lại bản án có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm do có tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án và đó sẽ là căn cứ để mở ra trình tự thủ tục tố tụng tiếp theo đối với vụ án.

Được biết, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã quyết định đưa vụ án ra Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xét xử tái thẩm, tại phiên tòa xét xử ngày 6/11 tới đây.

Người đàn ông ở tù oan 16 năm 3 tháng

Ngày 19/5/1979, trưởng Công an xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) bị giết. Lúc này ông Trần Văn Chiến (sinh năm 1960, ngụ tại địa chỉ trên) đang ở cùng với những người thân của mình, nghe tiếng kêu thất thanh, ông chạy ra ngoài thì thấy Trần Văn U chạy qua nói “Tao vừa giết thằng Sên!” rồi chạy đi mất. Gia đình bị hại báo công an huyện, hai ngày sau ông Chiến cùng vài người khác trong xóm bị bắt.

 Ông Trần Văn Chiến.

Là một nông dân thật thà ít chữ, không hiểu gì về pháp luật, ông Chiến nhận tội với suy nghĩ “nhận tội cũng chết, không nhận tội cũng chết, thôi thì phó mặc cho ông trời” trước những chứng cứ mập mờ cơ quan công an kết tội giết người.

Ông Trần Văn Chiến bị bắt tạm giam ngày 21/5/1979 với tội danh giết người xảy ra tại xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Ngày 20/3/1980, TAND tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa này, ông Trần Văn Chiến không nhận tội và khẳng định hung thủ thật sự là Trần Văn U. Tòa vẫn tuyên ông Chiến án chung thân. Do thời gian chấp hành hình phạt tù ông Chiến cải tạo tốt nên được thả tự do ngày 21/8/1995. Năm 1997, Trần Văn U bị bắt.

Ngày 5/7/2001, TAND tỉnh Tiền Giang tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án giết người với bị cáo Trần Văn U.
Tại tòa, Trần Văn U khai chỉ một mình thực hiện vụ án mà không liên quan gì đến ông Trần Văn Chiến nên tòa tuyên ông Chiến không phạm tội giết người. Tại bản án phúc thẩm số 424 ngày 12/4/2002, TAND tối cao tại TP.HCM giữ nguyên bản án sơ thẩm: ông Chiến vô tội.

Ngày 23/12/2004 ông Chiến được TAND tỉnh Tiền Giang đền bù oan sai 252 triệu đồng, đồng thời xin lỗi trên ba tờ báo trung ương và địa phương.

Được minh oan sau hai lần bị tuyên tử hình

Tháng 6/2003, anh Nguyễn Minh Hùng (sinh năm 1978 tại ấp Tân Tiến, Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh) bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh khởi tố bắt tạm giam về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Ngày 18/6/2004, án sơ thẩm lần thứ nhất của TAND tỉnh Tây Ninh tuyên Hùng tử hình.

Tháng 7/2004, tòa phúc thẩm TAND tối cao đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại do Hùng kháng cáo kêu oan đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Anh Nguyễn Minh Hùng.

Đến năm 2006, án sơ thẩm lần hai của TAND tỉnh Tây Ninh vẫn giữ nguyên án tử hình. Nhưng tòa phúc thẩm TAND tối cao lại tiếp tục hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Do sau hơn 14 tháng điều tra lại vẫn không bổ sung được chứng cứ, ngày 11/6/2008 cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã đình chỉ điều tra. Và ngày 13/6/2008 Viện KSND tỉnh đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Nguyễn Minh Hùng.

Nguyễn Minh Hùng được Công an Tây Ninh xin lỗi công khai vào ngày 19/11/2008 và bồi thường số tiền 130 triệu đồng.

Bắt giam oan 240 ngày, Viện Kiểm sát xin lỗi dân

Sáng 31/1/2013, Viện KSND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức xin lỗi công khai ông Đinh Quang Điền (Giám đốc Công ty TNHH Quang Điền, TP Buôn Ma Thuột) về việc cơ quan này đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam oan sai.

Trước đó, ngày 21/6/2011, từ một lá đơn nặc danh, Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột đã quyết định khởi tố vụ án. Ngày 22/6/2011, Viện KSND TP Buôn Ma Thuột đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Đinh Quang Điền về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ông Điền trở thành bị can 473 ngày, trong đó bị tạm giam 240 ngày.

Xác định vụ án thuộc thẩm quyền của công an tỉnh nên ngày 17/11/2011, vụ án được chuyển lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk.

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk xác định ông Đinh Quang Điền có hành vi gian dối lập khống báo cáo tài chính thể hiện công ty làm ăn có lãi để được vay vốn nhưng không có ý định chiếm đoạt tài sản.

Trước khi Công an TP Buôn Ma Thuột khởi tố vụ án, Công ty Quang Điền vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường và không có hành vi tẩu tán tài sản hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tiền đã vay.

án oan sai
 Ông Đinh Quang Điền.

Ông Điền vẫn thực hiện việc đòi nợ, trả nợ ngân hàng và ngân hàng chưa có đơn tố cáo ông Điền lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, hành vi của ông Điền không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vụ án sau đó được đình chỉ điều tra.

Theo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, để xảy ra những sai phạm như trên, trách nhiệm thuộc về Kiểm sát viên Lê Nam Thắng, người được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án; ông Phạm Thế Hà, Phó Viện trưởng trực tiếp phụ trách và ông Nguyễn Hồng Nam, Viện trưởng Viện KSND TP Buôn Ma Thuột.

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đang tiến hành kỷ luật những người liên quan.

Ở tù oan vì tội hiếp dâm, giết người

Cuối năm 1997, một vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Nạn nhân Nguyễn Thị Kim Hồng (13 tuổi) đi ra ruộng đã bị hiếp, giết và cướp đôi bông tai.

Cùng ngày, có người cho biết khoảng 6h thấy Bùi Minh Hải (43 tuổi, ở xã Long Tân, nhân viên bảo vệ) đến tìm chiếc đồng hồ bị mất tại khu vực hiện trường. Một số thông tin cho thấy Bùi Minh Hải còn có những "triệu chứng bất ổn" như chưa đến tết đã đưa tiền lì xì...Hải bị cơ quan điều tra bắt ngay sau đó.

Bùi Minh Hải kêu oan, nhưng cơ quan điều tra cho rằng, có cơ sở xác định anh ta là hung thủ gây án.

Tháng 7/1998, Viện KSND tỉnh Đồng Nai có cáo trạng truy tố Bùi Minh Hải tội danh Giết người, Hiếp dâm và Cướp tài sản của công dân. Bốn tháng sau, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên xét xử sơ thẩm. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình, nhưng HĐXX chỉ phạt Hải tù chung thân.

Tháng 2/1999, khi TAND Tối cao tại TP HCM chưa kịp đưa vụ án của Hải ra xét phúc thẩm thì xảy ra vụ án giết, hiếp một học sinh khác. Và từ dấu vết của vụ án này, tòa án đã tìm ra được hung thủ thật sự.

Một thời gian sau, cơ quan tố tụng của tỉnh Đồng Nai xác định Bùi Minh Hải vô tội, đồng thời tổ chức xin lỗi công khai người bị hàm oan.

Trên đây là một trong số những vụ án oan sai gây bức xúc trong dư luận, mặc dù nạn nhân của những vụ án oan sai đã được xin lỗi, bồi thường thiệt hại nhưng nỗi đau của họ và gia đình không có gì bù đắp nổi.





Bạch Dương
Bình luận
vtcnews.vn