Những tình huống máy bay gặp hiểm thót tim ở VN

Kinh tếThứ Ba, 17/04/2012 04:31:00 +07:00

(VTC News) - Thời gian gần đây, những sai sót của kiểm soát viên không lưu liên tục xảy ra, đang đặt ra vấn đề an toàn hàng không rất đáng lo ngại.

(VTC News) - Thời gian gần đây, những sai sót của kiểm soát viên không lưu liên tục xảy ra, dù chưa xảy ra hậu quả nào đáng tiếc, nhưng nó cũng đang đặt ra vấn đề an toàn hàng không rất đáng lo ngại.
>> Đánh nhau khi điều hành bay: Kiểm soát viên bị rút bằng
>> Nhân viên không lưu đánh nhau khi đang chỉ dẫn máy bay

Chúng tôi xin điểm lại một số vụ sai sót của kiểm soát viên không lưu thời gian gần đây.

Vào khoảng 12h ngày 17/1/2012, tại Trung tâm Kiểm soát không lưu Đường dài - Tiếp cận Hồ Chí Minh (ACC-HCM, Công ty quản lý bay miền Nam, thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam), kiểm soát viên không lưu Trần Xuân Vinh, đã có xích mích và lao vào hành hung kíp trưởng Trương Hòa Hiệp, đập vỡ chuột điều khiển màn hình tại vị trí điều hành chính thuộc phân khu 2. Làm việc điều hành hướng dẫn máy bay bị gián đoạn trong thời gian ngắn.

Thời điểm xảy ra sự cố trên có 7 chuyến bay liên quan, trong đó có một chuyên cơ.

Thời gian gần đây kiểm soát viên không lưu liên tiếp để xảy ra sai sót. Ảnh Internet.

Ngay sau đó, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã phải thành lập đoàn kiểm tra để điều tra vụ việc, và đưa ra hình thức xử phạt, với kiểm soát viên Trần Xuân Vinh bị tước giấy phép hành nghề hàng không ba tháng, điều khỏi dây chuyền làm việc, đồng thời phạt hành chính 7 triệu đồng; Với kíp trưởng Trương Hòa Hiệp bị thu hồi chức danh kíp trưởng.

Đồng thời, Công ty Quản lý bay miền Nam (Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam) bị phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì giấu sự việc nhân viên không lưu đánh nhau, không báo cáo cấp trên theo đúng quy định của ngành Hàng không.

>> Kiểm soát viên không lưu đánh nhau khi đang chỉ dẫn bay

Trước đó, vào ngày 19/12/2011, một chiếc máy bay Airbus A320 (của Vietnam Airlines - VNA) thiếu chút nữa đã đâm phải một chiếc máy bay Boeing B737-400 (của Jetstar Pacific), khi chiếc máy bay của VNA vừa cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đi Cát Bi (Hải Phòng), trong khi chiếc máy bay của Jetstar Pacific đang về sân bay Tân Sơn Nhất.

Nguyên nhân được Cục Hàng không Việt Nam nhận định là số lượng chuyến bay cao, hầu hết các máy bay đều đang trong giai đoạn lấy/giảm độ cao trong khi phương án điều hành bay chưa hợp lý, khả năng bao quát nền không lưu và kỹ năng điều hành của kiểm soát viên không lưu chưa cao. Do đó, chưa phát hiện được xu hướng hội tụ của 2 máy bay ngược chiều trên khu vực Buôn Ma Thuột.

Vào ngày 1/10/2011, khi một máy bay từ Đài Loan về chuẩn bị tiếp cận hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (cách mặt đất chừng 10 km), kiểm soát viên không lưu đáng lý phải hô báo 25 phải thì lại hô 25 trái.

Lúc này trên đường băng phía kiểm soát viên không lưu hô nhầm (25 trái) đang có công nhân và ô tô chuyên dụng cạo vệt cao su (lốp máy bay) trên đường băng. Ngay lập tức, một kiểm soát viên không lưu khác nhận ra sự nhầm lẫn này và cảnh báo ngay cho đồng nghiệp vừa báo sai.

 >> Rada cảnh báo máy bay sẽ đâm nhau, Cục HK nói gì?

Cuối tháng 3/2010, khi chiếc máy bay của hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hoá Fedex chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, khi chỉ cách đường băng khoảng 18 km và liên lạc với Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài về khả năng hạ cánh. Nhân viên Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài trả lời: “An toàn để hạ cánh”.

Tuy nhiên, khi phi công bật đèn pha chiếu sáng hạ cánh lại phát hiện trên đường băng một xe ô tô đang tẩy rửa vệt cao su bám trên đường băng. Ngay lập tức, máy bay phải bay vọt lên và chiếc xe được lệnh ra khỏi vị trí máy bay hạ cánh.

Theo một số chuyên gia hàng không, đó là tình huống cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tai nạn cấp một, gây chết người, hỏng máy bay...

PV(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn