Những thách thức với đội ngũ ngoại giao mới của ông Donald Trump

Thế giớiThứ Sáu, 25/11/2016 08:15:00 +07:00

Là thành viên nữ đầu tiên của nội các ông Trump, thách thức với bà Nikki Haley trong cương vị đại sứ ở Liên Hợp Quốc rất lớn khi bà chưa có bất cứ kinh nghiệm ngoại giao nào.

Việc ông Trump đề cử Thống đốc bang South Carolina, Nikki Haley, làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc được chú ý khi bà là thành viên nội các nữ đầu tiên của ông Donald Trump. 

Nữ chính trị gia 46 tuổi này cũng là ngôi sao đang lên của đảng Cộng hoà và là con một gia đình nhập cư từ Ấn Độ - những thông điệp giúp ông Trump giải toả những chỉ trích nội các ông nhiều thành viên da trắng và lớn tuổi. 

Việc ông Trump vượt qua chuyện bà Haley từng chỉ trích ông gay gắt trong quá trình tranh cử cũng là điểm đáng chú ý. Khi đề cử bà, ông ca ngợi Haley là "nhà thương lượng" sẽ mang về cho Mỹ "rất nhiều thỏa thuận".

Thách thức xử lý các vấn đề 'sống còn'

Politico nhận định Nikki Haley không phải mẫu người "thét ra lửa" và cũng chưa từng có kinh nghiệm ngoại giao, bởi vậy có thể bà sẽ theo sự dẫn dắt của tổng thống tân cử. 

Tuy nhiên, làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc là công việc phức tạp và không hề dễ dàng, đặc biệt với Mỹ, thành viên thường trực chủ chốt quan trọng nhất ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Đảm nhiệm vị trí này, bà Haley sẽ phải đương đầu với những vấn đề "sống còn" cấp bách mà nữ chính trị gia trẻ chưa từng kinh qua, trong đó có cuộc nội chiến Syria, xung đột ở Yemen, khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hay vấn đề Biển Đông.

Doi ngu ngoai giao moi cua Trump doi mat nhieu thach thuc hinh anh 1

Thống đốc Nikki Haley được ông Trump bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc

Đối mặt với bà ở Hội đồng Bảo An có những nhân vật nổi tiếng cứng rắn và khôn ngoan như Đại sứ Vitaly Churkin (đã có 10 năm kinh nghiệm ở LHQ) của Nga hay Liu Jieyi của Trung Quốc. 

Việc vừa phải cố gắng xử lý quan hệ với Nga, vừa đảm bảo duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, là nhiệm vụ rất khó khăn và đòi hỏi sự khôn khéo cao độ.

Còn thiếu kinh nghiệm

"LHQ là một nơi phức tạp với nền ngoại giao 100 năm", cựu phát ngôn viên của Mỹ tại LHQ Hagar Chemali cho biết. "Đôi khi bạn phải làm việc với những nhân vật khó chịu chưa từng thấy. Và bạn phải biết cách để đối phó với từng người, làm sao đảm bảo lợi ích quốc gia tối đa cho Washington". 

LHQ cũng là một trong những "mặt trận" chính cho cuộc đối đầu Nga - Mỹ và dưới thời Tổng thống Obama, các cuộc khẩu chiến đã trở nên xấu xí vượt quá những chuẩn mực ngoại giao.

Tháng 12/2015, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin từng chỉ trích "Washington đang tham gia phá hoại" ở Ukraine. Người đồng cấp Mỹ, Samantha Power, thì lên án hành động can thiệp quân sự ở Syria của Matxcơva là "man rợ".

Môi trường khốc liệt đó đòi hỏi Nikki Haley phải có bản lĩnh, khôn ngoan và kinh nghiệm dày dặn để đương đầu. Thách thức dành cho thống đốc bang South Carolina là rất lớn bởi trên thực tế bà chưa từng có bất cứ kinh nghiệm ngoại giao nào.

Bên cạnh đó, ông Vitaly Churkin nói riêng là một nhân vật đáng gờm. Chia tay sự nghiệp điện ảnh triển vọng ở tuổi 15 để tập trung cho việc học ngoại ngữ, ông lấy bằng tiến sĩ lịch sử năm 1981 và đại diện cho Nga ở LHQ từ năm 2006 với nhiều năm kinh nghiệm đối ngoại trước đó. 

Doi ngu ngoai giao moi cua Trump doi mat nhieu thach thuc hinh anh 2

Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin, nhân vật với kinh nghiệm ngoại giao dày dặn mà đại sứ tương lai của Mỹ tại LHQ phải đối mặt.

Churkin được đánh giá là nhà ngoại giao sừng sỏi, từng khá nhiều lần vượt mặt những nhân vật già dặn như Susan Rice và Samantha Powers của Washington trong 10 năm qua.

"Ông ta là nhà đàm phán 'khó nhằn', một người thương lượng cực giỏi. Điều này đòi hỏi Haley sẽ phải tiếp cận theo kiểu 'Tôi muốn làm việc với ông vì lợi ích chung', măt khác không được phép để cho lợi ích của Mỹ bị thiệt hại", cựu phát ngôn viên của Mỹ tại LHQ Hagar Chemali nhận định với New York Times.

Tranh cãi nội bộ quanh ứng viên Romney

Một vị trí chủ chốt khác trong bộ máy nhân sự của ông Trump sắp được xướng tên là ngoại trưởng. Theo truyền thông Mỹ, Mitt Romney, cựu thống đốc bang Massachusetts và là cựu ứng viên tổng thống năm 2012, đang là ứng viên hàng đầu. 

Điều đáng nói là Romney từng kịch liệt chỉ trích nhà tỷ phú trong suốt mùa bầu cử tổng thống 2016. Ông thường gán mác "kẻ gian lận" và "giả mạo" cho Trump, còn vị tỷ phú nói sự thất bại của Romney trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2012 là "điều tồi tệ hơn bao giờ hết".

Những người trung thành với tổng thống tân cử cảnh báo rằng việc để Romney làm ngoại trưởng sẽ gây rắc rối cho quá trình vận hành của chính phủ mới. Bởi cựu thống đốc bang Massachusetts đại diện cho chính sách ngoại giao can thiệp mà ông Trump từng nhiều lần phản đối khi tranh cử.

Doi ngu ngoai giao moi cua Trump doi mat nhieu thach thuc hinh anh 3

Ông Mitt Romney (trái) bắt tay Tổng thống đắc cử ông Donald Trump trong cuộc gặp hôm 19/11 ở New Jersey.

Romney "sẽ là một lựa chọn tệ hại", "quan điểm đối ngoại của ông ấy hoàn toàn đối lập với Trump", ông Tom Pauken, cựu chủ tịch đảng Cộng hòa bang Texas, đánh giá.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Thụy Sĩ Faith Whittlesey thì cảnh báo: "Những người mà Romney tuyển dụng sẽ lôi nước Mỹ vào cuộc chiến ở Iraq, Libya và châu Phi và ông ta sẽ khiến những người ủng hộ tổng thống tân cử bị mất tinh thần nặng nề".

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn