Những sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2010

Thế giớiThứ Năm, 16/12/2010 01:50:00 +07:00

(VTC News) - Những sự kiện thế giới nổi bật nhất bao trùm trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, xã hội đến nhân đạo.

(VTC News) - Trong năm vừa qua, thế giới đã chứng kiến rất nhiều sự kiện quan trọng. Dưới đây là những sự kiện tiêu biểu nhất, có tác động sâu sắc nhất đến đời sống quốc tế, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, xã hội đến nhân đạo.

Động đất ở Haiti

Cảnh đổ nát ở Thủ đô Port-au-Prince.

Chỉ trong vòng vài giờ, hàng triệu người đã mất nhà cửa, 230.000 người dân Haiti thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương… là những con số do trận động đất hôm 12/1 gây ra ở Thủ đô Port-au-Prince, Haiti. Đây được coi là sự kiện số 1 theo bình chọn của tạp chí TIMES.

Quả bom tấn Wikileaks

Julian Asange cùng với Wikileaks đã gây ra một cú sốc cho ngành ngoại giao và quân sự Mỹ.

Một chấn động thực sự đối với nước Mỹ đến từ một người Úc 39 tuổi, cái tên của ông trở thành "hot" nhất trên mạng Internet trong suốt gần nửa năm qua: Paul Julian Assange. Ông đã cho công bố hàng trăm nghìn tài liệu được coi là tuyệt mật trên trang web Wikileaks của mình, từ tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao của Mỹ.

Sự kiện này được coi là một quả bom nguyên tử dội vào quân đội và ngành ngoại giao Mỹ.

Sập hầm mỏ ở Chi-lê

Vụ giải cứu thợ mỏ ở Chi-lê đã gây xúc động sâu sắc cho cộng đồng quốc tế.

Đây là một sự kiện gây cảm động sâu sắc trong cộng đồng thế giới. Ngày 5/8, một nhóm 33 thợ mỏ đã trở thành nạn nhân của một vụ sập hầm và bị chôn vùi ở độ sâu 2.300 fit dưới lòng đất.

Những nỗ lực giải cứu của chính phủ Chi-lê đã được cả thế giới dõi theo và tạo nên một hồi chuông báo động đối với sự an toàn của những hầm mỏ trên khắp thế giới.

Lũ lụt ở Pakistan

Hơn 20 triệu người dân Pakistan đã phải di dời vì trận lụt lịch sử này.

Đây là trận lũ lụt lịch sử ở Pakistan. Hơn 20 triệu người dân quốc gia Nam Á này đã phải di dời vì mực nước dâng cao, 2.000 người thiệt mạng và khoảng 10 triệu người mất nhà cửa.

Tổng thiệt hại kinh tế của trận lụt lịch sử này vào khoảng 43 tỷ USD. Một điều đáng lưu ý là ngay sau khi xảy ra trận động đất ở Haiti, cộng đồng quốc tế đã viện trợ cho quốc gia này 742 triệu USD, đồng thời gửi đến Pakistan 45 triệu USD tiền cứu trợ.

Chìm tàu chiến Cheonan

Hải quân Hàn Quốc tổ chức tang lễ cho 43 thủy thủ thiệt mạng trong vụ chìm tàu chiến Cheonan.

Bán đảo Triều Tiên vốn không sóng yên biển lặng kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lên nhậm chức với những chính sách cứng rắn đối với người anh em phương Bắc. Vụ chìm tàu chiến Cheonan trên biển Tây làm 43 thủy thủ trên tàu thiệt mạng càng khiến 2 miền trở nên căng thẳng hơn.

Hàn Quốc và đồng minh đổ lỗi này cho Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng phủ nhận mọi liên can.

World Cup ở Nam Phi

Đây là lần đầu tiên một vòng chung kết bóng đá thế giới đến với lục địa đen.

Lần đầu tiên một vòng chung kết bóng đã thế giới đến với Lục địa đen. Đây là nỗ lực rất lớn của quốc gia Nam Phi nói chung và nguyên Tổng thống Nelson Mandela nói riêng. Ông là hiện thân của ý chí và nghị lực vươn lên, giành quyền sống, quyền bình đẳng và quyền hưởng hạnh phúc của người dân nghèo quê ông.

Vòng chung kết World Cup 2010 thành công cho thấy giờ đây ranh rới giữa các châu lục, các sắc tộc người, các nền văn minh đang dần được thu hẹp lại, được xích lại gần nhau hơn.

Yemen: Mặt trận mới trong cuộc chiến chống khủng bố

Do lọt vào tầm ngắm của al-Qaeda, Yemen bỗng trở thành mặt trận mới trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.

Là một quốc gia nghèo khó nhất ở Trung Đông, Yemen bỗng nổi lên thành một mặt trận mới trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.

Lý do là vì Al-Qaida bỗng nhìn thấy nơi đây như một địa điểm lý tưởng cho công tác huấn luyện, đào tạo cho lực lượng sẵn sàng tử vì đạo của mình để gửi đi các chiến trường Iraq và Afganishtan.

Tổng thống nước này, ông Abdalah Saleh phải đứng lên tuyên bố: “Cộng hoà Yemen sẵn sàng phối hợp với cộng đồng quốc tế, các nước láng giềng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Yemen sẽ không thoái lui trong cuộc chiến này”.

Châu Âu trong chính sách thăt lưng buộc bụng

Khủng hoảng nợ công, thất nghiệp... khiến người dân nhiều nước châu Âu đứng lên biểu tình phản đối chính phủ.

Năm nay, thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, mà châu Âu là một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề. 2 quốc gia bị thiệt hại nặng nhất là Hy Lạp và Ai-len đã phải cầu viện sự giúp đỡ từ các quốc gia thành viên châu Âu. Các quốc gia còn lại đều phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng. Những cường quốc hàng đầu như Anh, Pháp, Đức… đều phải cắt giảm tối đa mọi chi phí công, trong đó bao gồm cả cắt giảm chi phí quốc phòng, thậm chí bán bớt vũ khí trang bị và cơ sở công nghiệp để cải thiện đời sống cho binh sỹ.

Cuộc chiến chống ma túy ở Mexico

Cảnh sát Mexico trong một cuộc truy kích các băng nhóm tội phạm ma túy.

Mexico đã có một cuộc chiến đấu ác liệt với những tập đoàn đầy quyền lực của nước này nhằm đưa ra ánh sánh những kẻ đầu nậu ma túy xuyên lục địa. Hồi tháng 9, 400 cảnh sát nước này đã bị phát hiện có liên quan đến hoạt động mua bán, bảo trợ cho các tập đoàn này để kiếm những khoản tiền kếch xù.

Khoảng 340 tấn cần sa đã được phát hiện tại thị trấn vùng biên Tijuana. Nhưng con số này không ấn tượng bằng hàng ngàn vụ bắt cóc, giết tập thể và hành quyết ban đêm do các băng nhóm tội phạm ma túy nước này tiến hành. Riêng trong năm nay, hơn 3.000 người dân Mexico đã bị sát hại dưới tay những băng đảng xã hội đen này.

Biểu tình áo đỏ ở Thái Lan

Một người dân Thái Lan tham gia ném bom xăng trong cuộc biểu tình chống chính phủ

Trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Năm năm nay, hàng ngàn người thuộc phe áo đỏ đã xuống đường biểu tình phản đối chính phủ với những cáo buộc phi dân chủ và độc tài. Khẩu hiệu mà họ đưa ra là bầu cử và xóa án cho cựu Thủ tướng Thaksin.

Điều quan trọng là, những người ủng hộ chính phủ trong trang phục áo vàng cũng xuống đường biểu tình chống đối phe áo đỏ đã gây nên một thảm kịch lộn xộn hiếm có trong lịch sử Thái Lan.

Phe áo đỏ đã vây ráp tòa nhà chính phủ, tư gia của Thủ tướng, chiếm lĩnh một số vị trí quan trọng ở Thủ đô Bangkok, thậm chí gây bạo loạn, nổ súng… Chính phủ nhiều lần phải huy động quân đội ra tay trấn áp. Những vụ biểu tình này đã làm suy giảm trầm trọng cho kinh tế Thái Lan, đặc biệt là ngành du lịch nước này.

Thảm họa giẫm đạp trên cây cầu Kim Cương ở Campuchia

Hiện trường còn lại sau thảm họa giẫm đạp trên cây cầu Kim Cương.

“Một lễ hội lớn đã biến thành thảm họa khủng khiếp nhất của Campuchia từ 31 năm qua, kể từ thời Khmer Đỏ” - lời của Thủ tướng Hun Sen được nhắc đi nhắc lại trên kênh truyền hình Bayon đã nói lên tất cả sự khủng khiếp.

Khắp nơi ở Phnom Penh đều có các thùng từ thiện, quyên góp cho các nạn nhân của thảm họa. Tất cả các chùa đều tụng kinh, cầu khấn... Sau 31 năm, Campuchia một lần nữa lại chìm trong nỗi đau không biết khi nào nguôi ngoai.

Thảm họa ở Campuchia được xác định nguyên nhân ban đầu là người đi hội hoảng loạn do nhiều người cùng lúc đứng trên cầu treo khiến cầu đung đưa, khiến nhầm tưởng cầu sắp sập. Sự hoảng loạn trầm trọng thêm khi nhiều người bị ngạt thở do chen lấn.

Đấu pháo trên đảo Yeonpyong

Khói bốc lên từ phía đảo Yeonpyeong sau vụ pháo kích của quân đội Bắc Triều Tiên 

Quan hệ Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên trở nên căng thẳng nhất kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc sau vụ pháo kích trên đảo Yeonpyeong làm 2 dân thường và 2 binh sỹ Hàn Quốc thiệt mạng.

Đây là vụ pháo kích đầu tiên của quân đội Bắc Triều Tiên vào một khu vực dân cư của Hàn Quốc. Sự kiện này khiến quan hệ 2 miền vốn gặp rất nhiều sóng gió càng trở nên căng thẳng hơn và có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột lớn, gây mất ổn định và hòa bình khu vực.

Hiện cả hai bên đều đang đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân gây ra vụ pháo kích này.


Hữu Túc

Bình luận
vtcnews.vn