Những sự cố vui, buồn của giáo viên dạy Văn

Giáo dụcChủ Nhật, 21/10/2012 10:49:00 +07:00

Dạy Văn vốn không dễ, sự cụ thể hóa đôi khi gây phản cảm. Có cô giáo giảng “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần” thì giáo án phác lên bảng cặp môi đỏ chót.


Dạy Văn vốn không dễ, sự cụ thể hóa đôi khi gây phản cảm. Có cô giáo giảng “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần” thì giáo án phác lên bảng hình ảnh cặp môi đỏ chót đầy gợi cảm.


Đó là những chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Hóa, người có 40 năm kinh nghiệm trong nghề dạy Văn ở Hà Nội. Cô Hóa đã có những tâm sự về các tình huống giáo viên gặp lỗi chuyên ngành, sau sự việc cô giáo vụ món "canh gà Thọ Xương" bị hiểu nhầm.

Ảnh minh họa nguồn Internet 

Tôi hay tìm đọc các bài trên mạng, những mẩu chuyện liên quan đến giáo dục. Chuyện “canh gà Thọ Xương” có thể coi như một “tai nạn nghề nghiệp” ngoài ý muốn. Tôi nghĩ, không ai từng học chuyên ngành văn mà lại hiểu ấu trĩ như vậy, đến mức dư luận vừa “phán quyết” cô giáo khiến cô bị sốc phải nhập viện.

Tin chắc cô giáo Thủy không thể có sơ suất trong nhận thức, cảm thụ trong trường hợp này. Có chăng do học sinh lơ là chểnh mảng, về nhà bị bố mẹ “truy hỏi” cứ đổ lỗi là “cô con giảng như thế”. Mong cô giáo sớm bình tâm, vượt qua “tai nạn” này, sớm trở lại với công việc mà mình tâm huyết.


Là người công tác trong ngành giáo dục, có dịp đi nhiều trường, dự nhiều tiết dạy văn, nhân đây, tôi xin mạnh dạn nêu lên một vài mẩu chuyện “vui” mà tôi lượm lặt được qua những lần dự giờ giảng Văn. Thú thực, nghe thầy cô giảng đưa ra các tình huống, hình ảnh, ngồi dự giờ phía dưới, chúng tôi lặng người, không biết xử trí ra sao.


Một giáo viên khi giảng bài thơ Theo chân Bác của nhà thơ Tố Hữu, vào đầu bài thơ có đoạn: “Tháng năm ơi, có thể nào quên/Hàng bóng cờ tang thắt dải đen”, thầy giáo thao thao bất tuyệt: “Tháng năm có ngày sinh nhật Bác, tháng năm mùa hoa phượng đỏ, tháng năm…”


Trời ạ! Tháng năm đây đâu phải là tháng trình tự trong một năm, mà là năm tháng, là quãng thời gian đau thương trước một tổn thất lớn của dân tộc.


Lại một lần khác, cô giáo giảng bài Vội vàng của Xuân Diệu. Đến đoạn có câu thơ: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”, giáo án điện tử của cô phác lên bảng hình ảnh cặp môi thiếu nữ đỏ chót đầy gợi cảm. Nhưng chi tiết đó lại hết sức phản cảm.


Với bài ca dao: “Ước gì sông rộng một gang/Bắc cầu dải yếm cho nàng sang chơi”, giáo viên cũng tìm tòi, làm giáo cụ trực quan, và giáo án điện tử của cô cũng đưa lên bằng hình ảnh một dòng song nhỏ với chiếc yếm vắt ngang sông.


Buồn thế. Một ước nguyện trong tâm tưởng về tình yêu đẹp thế, hay thế, tài thế của nhân dân ta xưa, sao lại cụ thể hóa, vật chất hóa sống sượng như vậy được.


Chưa hết, trong bài thơ Thề non nước của thi sĩ Tản Đà, ở hai câu thơ: “Non cao tuổi vẫn chưa già/ Non thời nhớ nước, nước mà quên non”, một giáo viên hướng dẫn học sinh hiểu câu thơ bằng cách ngắt nhịp: “Non cao tuổi/vẫn chưa già”. Cao tuổi thì già quá đi rồi còn gì chứ?


Câu thơ này còn có cách chơi chữ. Ca dao có câu: “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già/Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non”.


Nếu muốn ngắt nhịp câu thơ trên thì phải dùng nhịp 2-4: “Non cao/ tuổi vẫn chưa già”. Bởi đây là lời nhắn gửi, trách móc nhẹ nhàng trong tình yêu lứa đôi.


Dạy văn là một công việc khó, nhất là trong tình trạng bây giờ, không mấy học sinh thích học môn Văn. Vì vậy, giáo viên cần thận trọng trong câu chữ, phải kiểm soát được cảm xúc của mình để có thể đọng lại trong các em những điều cần thiết.


Theo Infonet


Bình luận
vtcnews.vn