Những phóng viên lội ruộng

Tổng hợpThứ Hai, 25/04/2011 04:59:00 +07:00

Họ chọn cho mình công việc đi bên cạnh những người nông dân, để đôi chân trần cảm nhận sự khô cằn của những luống cày, để đôi tay nắm chặt những bàn tay...

Họ chọn cho mình công việc đi bên cạnh những người nông dân, để đôi chân trần cảm nhận sự khô cằn của những luống cày, để đôi tay nắm chặt những bàn tay chai sạn nắng gió, để đôi tai lắng nghe những buồn vui mùa vụ và đôi mắt được nhìn thấy những cảnh đời sau luống khoai, cây lúa… Những câu chuyện, những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ của họ- chưa từng có trong các bài giảng hay sách vở lý thuyết, mà chỉ có thể trải nghiệm bằng cảm xúc của những người trẻ say nghề…

 

 

BTV – MC Hồng Lĩnh

Cô may mắn được là người “nổ phát súng” mở màn cho kênh với hai phóng sự “Làng nhiều không” và “Khát vọng lên bờ”, ghi hình tại một làng chài ven biển. Cả ê-kip phải làm việc đến 9h tối. Thói quen của người làng chài chỉ ăn bữa trưa và bữa chiều, nhưng hôm đấy họ vẫn chờ đoàn xong việc để mời đoàn ăn cơm tối. “Bình thường, mâm cơm của họ chỉ có những con cá xấu nhất trong mớ cá đánh bắt được, cá đẹp thì để bán, và tuyệt đối không bao giờ ăn thịt. Nhưng hôm đó, mâm cơm vẫn có đĩa thịt đãi đoàn phóng viên. Nhìn mấy đứa trẻ con thèm thuồng chăm chăm vào đĩa thịt, có đứa ăn vội vàng bị hóc, tự nhiên thấy thương và tự hứa với mình sẽ làm về những người nông dân suốt đời”- BTV Hồng Lĩnh xúc động kể lại.

 

 

BTV Quỳnh Chi

Cũng như nhiều phóng viên khác khi về kênh VTC16, điều khiến Quỳnh Chi lo lắng nhất là những kiến thức về nông nghiệp. Để có kiến thức, đọc sách báo thôi không đủ mà mỗi phóng viên phải đi thực tế, phải xuống ruộng, phải nói chuyện với nông dân. Đi làm chương trình Sao Thần nông, Quỳnh Chi đã biết thế nào là leo đồi chè, là lội xuống ruộng, là ra biển không chỉ để ngắm biển mà hiểu hơn về cuộc sống của những người ngư dân... Hồi đầu nghe những bệnh như lùn sọc đen, lùn xoắn lá là mình nói vấp, nói nhịu liên tục vì không biết. Về sau càng tìm hiểu, càng có kiến thức nên tự tin hơn và dẫn trôi chảy hơn”. Thậm chí sau này còn “thuộc bài” đến nỗi về đến nhà, ăn miếng cơm, nấu canh cà chua, hay tráng miệng món ổi vẫn còn lẩm bẩm đọc tên giống gạo, xuất xứ loại cà chua và ổi khiến cả nhà chồng phải phì cười vì thấy con dâu đã mắc “bệnh nghề nghiệp” nghiêm trọng.

Đối với nhiều bạn trẻ, truyền hình về Nông nghiệp, nông thôn có lẽ không phải là mảnh đất hấp dẫn lắm. Nhưng với những ai đã làm rồi thì có thể ngấm nó một cách nhẹ nhàng, giản dị. Quỳnh Chi tâm sự: “Càng làm việc với nông dân càng thấy họ rất thật thà, tốt bụng. Họ chẳng có gì nhiều ngoài củ khoai, gói nấm hay đơn giản là bó hoa tươi do tự tay trồng được- những món quà giản dị mà thắm nghĩa tình ấy cứ ám ảnh và day dứt mãi trong tâm trí Quỳnh Chi, để cô càng thấm thía ý nghĩa của công việc mình đang làm…

 

 

BTV Thành Hưng

Hỏi Hưng sợ nhất chuyến đi nào, anh chàng nhớ ngay đến lần về Hải Dương, nơi các lò mổ giết lợn tai xanh hoạt động bất chấp lệnh cấm. Đóng giả làm mấy anh sinh viên Báo chí lơ ngơ, nách kẹp mic, máy quay vác ngược trên vai ấy thế mà mấy anh em cũng mò vào tận “hang hùm”, quay được cảnh phía trong của lò mổ và an toàn trở về dù bị mấy gã to con cầm dao chọc tiết lợn khua khoắng đuổi. Rồi những lần về khu công nghiệp Cầu Nghìn phản ánh một nhà máy xả thải ra sông hay khám phá công nghệ tái chế nilon, ống hút ở Hưng Yên; công nghệ sản xuất giấy ăn Phong Khê, Bắc Ninh và lần về Bắc Giang phản ánh sự gia tăng đột biến của nạn giết mổ trâu bò phục vụ dịp Tết… Chuyến đi nào cũng đầy phiêu lưu, mạo hiểm nhưng không kém phần thú vị.

Luôn ý thức được sứ mệnh “bạn của nhà nông”, Hưng và các BTV kênh VTC16 đã không quản khó khăn, nguy hiểm để lặn lội vào nằm vùng 2 tuần tại rốn lũ Quảng Bình trong trận lũ vừa qua. Những trải nghiệm đầu tiên trong đời mà không có sách vở nào có thể mang đến cho Thành Hưng. Ngày nào cũng tác nghiệp trong tình trạng lội nước ngang ngực, thường xuyên phải mặc lại quần áo ướt, bẩn. Trên đường đi, không khỏi xót xa khi nhìn những bàn tay đang chìa ra xin mỳ, xin nước- cả nhóm lấy hết bánh kẹo và cam Hương Khê định bụng mua về Hà Nội làm quà ra cho bà con.

 

 

BTV Phương Thanh

Kỉ niệm đánh dấu bước khởi đầu dấn thân vào cái nghiệp “phóng viên lội ruộng” của Phương Thanh là chuyến công tác về làng Tây Mỗ- Từ Liêm. Một phóng viên, một quay phim tự bắt taxi về cơ sở và mượn xe máy của chủ tịch xã để vào làng. “Nhìn hai anh em chả khác gì đi quay đám ma, đám cuới, đến đâu dừng đấy, tự ăn tự uống. Thậm chí vào nhà dân, họ còn không tin mình là người nhà đài. Vất vả một tí nhưng chuyến đi rất hiệu quả, bởi nếu đi ô tô thì có khi không vào được các ngóc ngách của thôn xóm”- Thanh kể lại. Sinh ra và lớn lên ở thành phố, những hiểu biết về nông thôn cũng chỉ là lý thuyết trên trang giấy, nhưng từ khi về kênh VTC16, đi sản xuất phóng sự nhiều, Thanh đã thực sự hiểu hơn cuộc sống của những người nông dân, mới biết tường tận chu trình phát triển của từng ngọn khoai, cây lúa… Càng làm, cô phóng viên trẻ càng thấy yêu thích công việc của mình…

 

 

Quay phim Chí Khoa

Những người nông dân vốn ít tiếp xúc với truyền hình nên vẫn còn e ngại khi thấy máy quay, thậm chí bất hợp tác. Vì thế, bắt buộc Khoa cũng như nhiều BTV, quay phim của kênh phải học cách ăn cùng, ở cùng với những người nông dân. Hiểu biết, thân thiện rồi thì họ mới chịu bộc bạch. “Những cảnh quay nông nghiệp cũng không cần quá trau chuốt, lung linh mà phải gợi được vẻ đẹp tự nhiên, chân thật, để người dân khi xem sẽ thấy cuộc sống của họ ở trong đó chứ không hề xa lạ”- quay phim trẻ cho biết.

Có lần đi quay ở Thái Bình, cả làng không một ai biết chữ, Khoa rất bất ngờ. Trước, cứ tưởng những con người ấy phải ở đâu đó xa lắm chứ không nghĩ nó gần với mình đến thế. Tiếp xúc nhiều với nông dân, đi nhiều về các vùng nông thôn, niềm an ủi với những PV, quay phim kênh VTC16 chính là sự thân thiện, nhiệt tình một cách chất phác của những con người chỉ biết lấy ruộng đồng làm kế sinh nhai. Khoa tâm sự: “Gặp những gia đình khó khăn, đôi khi anh em trong đoàn còn góp tiền để biếu họ. Vui nhất là lần nào đi quay về cũng được biếu quà quê. Khi thì túi lạc luộc, khi thì mấy củ khoai lang, củ sắn… Không phải là những món quà sang trọng nhưng mình vẫn quý vì nó là tấm lòng của người dân”.

 

 

BTV Giang Hải

Hải vẫn còn nhớ như in lần đến ngã ba Biên giới A Pa Chải đúng mùa mưa lũ, thiếu chút nữa thì bị nước cuốn trôi khi bơi trên suối Nậm Ma cùng bộ đội biên phòng. Hay lần đi Y Tí, Bát Sát, Lào Cai làm phóng sự về đợt rét lịch sử. Dù là con trai nhưng nhìn cảnh trẻ con dân tộc rách rưới, lam lũ đi học trong mưa mù và giá rét, Hải không khỏi xót xa. Những lớp học ngăn với nhau bởi tấm vách nứa.

Hải có một phóng sự khá hay có tên Bóng ma ung thư ở Lũng vị kể về một ngôi làng một năm có tới 20 trường hợp mắc bệnh ưng thư. Bên cạnh đó, Hải còn nhiều bài phóng sự gai góc nữa như Hạ Đạt phát sốt vì vàng, phóng sự ảnh Cao Nguyên đá khát cháy… Để có mỗi một tác phẩm như thế này, Hải phải đi, rong ruổi và không ngại khó khăn. Phần lớn các chuyến đi của Hải đều ngược về miền núi phía Bắc. Hắn lý giải, “đó là niềm đam mê của nhiều người. Mình sống ở đồng bằng quen rồi, có gì lạ đâu nếu muốn khám phá miền núi”. Những chuyến đi đó cũng đã dành cho hắn nhiều kỷ niệm để đời như lần bị lật thuyền trên sông Nho Quế, Đồng Văn, ngâm mình trong nước lạnh từ 2 giờ chiều đến 6 giờ tối mới có người đến cứu vào năm 2008. Rồi có lần đi khi trong túi không còn đồng nào, phải đi vay, ở nhờ nhà dân, bị đói. Lại có lần lên Mường Tè, đến khi trời tối không tìm được chỗ ngủ, không có chỗ ăn, cả người bụi bặm, bẩn thỉu, mệt mỏi. Hắn nhớ tất cả những cảm giác đó, nhớ cả những giấc ngủ không thể ngon hơn trên những tấm ván tạm bợ với chăn chiếu bốc mùi vì ẩm mốc.

Y Bình

Bình luận
vtcnews.vn