Những nữ văn sĩ 7X khuynh đảo giới trẻ

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 23/01/2011 10:27:00 +07:00

Một số gương mặt trẻ mà tác phẩm của họ làm khuynh đảo văn hoá đọc của giới trẻ. Dường như, nhắc đến tác phẩm ăn khách người đọc lại nghĩ đến họ…

Một số gương mặt trẻ mà tác phẩm của họ làm khuynh đảo văn hoá đọc của giới trẻ. Dường như, nhắc đến tác phẩm ăn khách người đọc lại nghĩ đến họ…

Đỗ Hoàng Diệu


Nhắc đến văn học trẻ không thể không nhắc đến Đỗ Hoàng Diệu, không thể không kể đến cái tên từng làm điên đảo cả văn đàn cũng như những người yêu văn chương Việt. Còn nhớ khi tác phẩm "Bóng đè" ra mắt công chúng, từ xe bus cho đến quán trà đá, từ văn phòng bình dân đến những văn phòng sang trọng ở cao ốc, đâu đâu cũng nhắc đến "Bóng đè" và bàn tán xôn xao về tập truyện ngắn đã phá bỏ mọi rào cản, thước đo và đến thẳng với công chúng bằng sự tự tin của một cây viết sắc sảo, chín muồi: Đỗ Hoàng Diệu.

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu (phải) trong một buổi giao lưu cùng độc giả về tập Bóng đè. 
Giải thích về hiện tượng ăn khách của "Bóng đè", nhà văn Đỗ Hoàng Diệu cho rằng chị chỉ là người viết tập truyện ngắn ấy, còn để làm nên "hiện tượng" là ở sự cảm thụ của độc giả. Chị tốt nghiệp trường luật, không có ý định trở thành nhà văn dù tác phẩm "Bóng đè" trở thành một hiện tượng ăn khách trong văn chương Việt suốt một thời gian dài.

Đánh giá cao với "Bóng đè", nhà văn Nguyên Ngọc nói, trong vài năm trở lại đây ông có tâm trạng bi quan về văn chương Việt Nam. Nhưng với “Bóng đè”, ông nhận ra mình đã lầm. Ông cho rằng, cũng như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh trước đây, Đỗ Hoàng Diệu là một bất ngờ, và sự ra đời một cuốn sách như “Bóng đè” đánh dấu mốc khởi đầu của một thời kỳ mới.

Tác giả Hà Quảng sau khi "mổ xẻ" “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu nhận định: "Với các truyện “Tình chuột”, “Bóng đè”, “Cô gái điếm và 5 người đàn ông”, “Những sợi tóc màu tang lễ”, “Dòng sông hủi”, “Vu quy”; chúng ta thấy hiện lên một bức tranh về cái trạng thái phi luân mà định chế đồng tiền. Một vài kẻ hèn hạ săm soi lừa gạt một cô gái, đẩy cô vào cái chết vì sự lầm lỡ trong sạch mong gặp người yêu phương xa của mình; cái thực trạng mà lễ giáo cổ hủ trói buộc khiến một cô gái phải bốn lần tuyệt tình để lần thứ năm lấy một ông già tóp teo bất lực; cái thực trạng mà một cô gái lương thiện bị áp chế cả tinh thần và thể xác đến nổi cảm thấy hạnh phúc khi sống trong một làng hủi bên cạnh người chồng thủ ác... Tất cả là bức tranh màu xám của mặt trái cơ chế thị trường ảnh hưởng vào đời sống văn hoá xã hội, sau những trang sách tò mò gợi dục, Ðỗ Hoàng Diệu đã tạo nên".

Chính nhà văn Đỗ Hoàng Diệu cũng tâm sự với độc giả về tác phẩm ăn khách rằng: "Trong vô thức, tôi viết, và nhục cảm đã tràn lấp từng câu chữ mà tôi không biết để kịp ngăn lại. Khi tỉnh ra, tôi biết có thể mình hơi quá, nhưng chẳng nhẽ tôi phải thuê một người ngồi bên cạnh lúc tôi viết, để người ta nhắc tôi không được đam mê?

 Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Nguyễn Ngọc Tư


Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bằng tuổi Đỗ Hoàng Diệu. Tác phẩm tạo nên "cơn sốt" Nguyễn Ngọc Tư chính là "Cánh đồng bất tận" được trao giải thưởng của Hội nhà văn năm 2006.

Rụt rè chia sẻ về tác phẩm "ăn khách" ngoài sức tưởng tượng của mình, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói: "Khi viết xong Cánh đồng bất tận, cảm giác của tôi cũng rất khủng khiếp, không thể diễn tả được. Nếu mỗi năm tôi đều viết một Cánh đồng bất tận như thế thì chỉ có hai cách: Một là chọn cái chết nhẹ nhàng, hai là bỏ nghề viết. Nhưng bây giờ tôi đã quên nỗi sợ đó. Có thể mọi người vẫn nhớ, vẫn xem nó như một tì vết, vẫn nghĩ và sợ giùm tôi. Nhưng mỗi thời điểm, mỗi độ tuổi người ta có cảm nhận khác nhau...".

"Cánh đồng bất tận" được mọi người gọi là "đặc sản" miền sông nước bởi văn của Nguyễn Ngọc Tư không cầu kỳ trau chuốt, chỉ như lời kể chuyện tâm tình của bất kỳ một người phụ nữ Nam Bộ nào, nhưng chị có cái duyên kể chuyện, một điều không phải người cầm bút nào cũng có. Nghe Ngọc Tư kể chuyện ta có cảm giác chị đang tâm tình về những người thân mà ta và chị đều biết, với một giọng Nam bộ tự nhiên, mộc mạc, lại có chút gì xót xa với một tình cảm trìu mến rất thực. Ta bị cuốn vào câu chuyện của chị, ta lắng nghe chị kể những câu chuyện về những kiếp người bé mọn…

Điều đẩy "Cánh đồng bất tận" lên đỉnh cao khi truyện ngắn này lọt vào mắt xanh của nhà văn Nguyễn Phan Quang Bình và được dựng thành tác phẩm điện ảnh "cháy vé" suốt một thời gian dài.

Trang Hạ

Nữ tác giả Trang Hạ sinh năm 1975, với phông văn hoá tiếng Trung dày dặn, những tác phẩm của Trang Hạ mấy năm gần đây thường tạo nên "kỉ lục"
về hiện tượng xuất bản.

Nhà văn Trang Hạ. 
Tiểu thuyết: "Xin lỗi em chỉ là con đĩ" của tác giả Tào Đình, Trang Hạ dịch đã đưa bạn đọc Việt tiếp cận những thân phận người trẻ gặp nhiều trắc trở. Đây là một câu chuyện xúc động lòng người sâu sắc. Cuốn sách nói về cái đẹp, và bày tỏ về nỗi đau, của Hạ Âu -một cô gái mang tiếng là "đĩ", và người bạn trai Hà Tiểu Bân. Những trắc trở trong đời cô thuật lại một chuyện tình đau xót. Truyện được đăng tải lần đầu trên mạng book.mop đã được hàng chục triệu độc giả người Hoa bình chọn là tác phẩm kinh điển mới của dòng văn học mạng của thế hệ người viết mới. Bản dịch này theo đúng nguyên tác, ngắn gọn và chân thực so với bản sửa chữa trong lần in đầu của truyện năm 2005.

Với 25 triệu lượt truy cập trên blog của Trang Hạ thời gian qua chỉ để đọc: "Xin lỗi em chỉ là con đĩ" cho đến việc tác phẩm này được dựng thành kịch tiền tỉ với cái tên: "Xin lỗi em chỉ là…" đã cho Trang Hạ một "thương hiệu" nhà văn ăn khách và bất cứ tác phẩm dịch nào của chị cũng khiến bạn đọc "xôn xao" và bị mê mải, dẫn dụ vào câu chuyện.

Chia sẻ về tiểu thuyết: "Xin lỗi em chỉ là con đĩ", nhà văn Trang Hạ tâm sự: "Đây là một cốt truyện khá ly kỳ và hấp dẫn, tới mức từng đánh lạc hướng nhiều độc giả khó tính, khiến họ bỏ qua vô số khiếm khuyết về mặt logic và tâm lý. Các bi kịch được đẩy tới cao trào trong “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” cùng ấn tượng tốt của người đọc Việt Nam với bản dịch 3 năm qua cũng góp phần khiến nhà đầu tư tự tin để mạnh tay chi cho vở diễn. Các xung đột giữa tình dục và tình yêu, tiền và đàn ông, quyền lực và sắc đẹp, tình mẫu tử và bi kịch đàn bà đẹp, cộng với các chi tiết sống động về những gã đàn ông bao gái thực ra không xa lạ với đời sống thường nhật".

Dili

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng đặt cây viết Dili ở cạnh Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Trang Hạ để thấy rằng ở Dili có tố chất của một cây viết đa dạng và khá chuyên nghiệp. Tiểu thuyết: “Trại hoa đỏ” là tiểu thuyết trinh thám kinh dị đầu tay của nữ nhà văn trẻ Dili.

Nhà văn Dili. 
Không chỉ viết tiểu thuyết, Dili còn là một dịch giả với hàng loạt tác phẩm gây sự chú ý của truyền thông và công chúng: “Người yêu dấu” (Tiểu thuyết - Tác giả Sara Zarr, Mỹ), “Người làm chứng” (Tiểu thuyết - Tác giả Tami Hoag, Mỹ), “Giết người đưa thư” (Tiểu thuyết - Tác giả Tami Hoag, Mỹ), “Bóng đêm bao trùm” (Tập truyện ngắn thế giới), “Rừng Răng-Tay” (Tiểu thuyết - Tác giả Carrie Ryan, Mỹ).

Mới đây, cuốn tiểu thuyết "Trại hoa đỏ" của Dili đã giành giải C cuộc thi: "Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức phần nào khẳng định nỗ lực của cây viết trẻ này khi dấn thân vào văn chương và những khát vọng chinh phục những đỉnh cao văn chương và nỗ lực đến gần với độc giả của Dili.

Trần Phát (Pháp luật Xã hội)



 

Bình luận
vtcnews.vn