Những người mẫu ảnh U.80 trên bến sông Hoài

Thời sựThứ Bảy, 24/04/2010 04:06:00 +07:00

Đang lang thang trên đường con đường ven sông Hoài, tôi bất giác nghe tiếng ”Hello” của các cụ già từ bến đò vọng lên.

Hằng ngày họ đậu ghe bên sông Hoài của phố cổ Hội An để chở khách du lịch tham quan dọc bờ sông, nhưng điều bất ngờ thú vị là các cụ kiêm luôn nghề “người mẫu”, sẵn sàng chèo ghe đi một đoạn dài để du khách quay phim và luôn tươi cười mỗi khi có ống kính hướng về mình. Nhưng đằng sau nụ cười ấy cũng có lắm nỗi niềm…

Hội An vào những ngày đầu tháng 4, trời nóng như đổ lửa. Nhiều du khách vẫn đến với phố cổ, để được đi trên những con đường một thời là thương cảng sầm uất nhất xứ Đàng Trong. Và tôi cũng vậy, đã rất nhiều lần lang thang ở phố cổ, nhưng nơi đây vẫn có điều gì đó luôn cuốn hút và ẩn chứa nhiều thú vị. Đang lang thang trên đường con đường ven sông Hoài, tôi bất giác nghe tiếng ”Hello” của các cụ giàtừ bến đò vọng lên.

Sẽ chẳng có gì đáng chú ý nếu tiếng “hello” không được đáp lại bằng sự thích thú của du khách Tây. Như bắt được khoảng khắc vàng, những vị khách Tây này vội đưa máy ảnh vội đưa máy ảnh lên chụp liên tục, còn các ông bà lão xuống sông thì móm mém chào mời. Chụp xong nhiều khách Tây lặng lẽ quay đi, có người cho họ vài ngàn đồng nhưng chẳng ai bước xuống ghe để các ông bà lão chở đi. Dường như đã quen với cảnh này nên các ông bà lão chẳng tỏ ra bận tâm, họ kiên nhẫn đợi những tốp khách khác đi qua…

Sông Hoài lung linh trong ánh đèn đêm. 

Bước xuống ghe một ông lão, tôi hỏi “Sáng đến giờ bác kiếm được bao nhiêu rồi?”. Chẳng có đồng mô, họ chụp thế chứ ít khi cho tiền lắm”. Ông lão tên là Nguyễn Lam ở khối Đông Hiệp (Quảng Nam) năm nay đã 83 tuổi. Ông ra đậu ghe bến sông Hoài đã được vài ba năm, việc làm “người mẫu” đến với ông cũng bất đăc dĩ. Ông kể "Gia đình khổ quá,tui già không làm được chi nên đậu ghe ở bến sông chở khách kiếm tiền. Nhưng khách Tây ít khi cho, họ chỉ thích chụp ảnh thôi”. Được chụp ảnh nhiều nên ông Làm trở nên... có nghề, mỗi lần ống kính chĩa vào mình, ông đều cười rất tươi, sẵn sàng "diễn" để khách chụp ảnh .

"Một lần có bà Tây bảo tôi bơi ra sông để họ quay phim, sau đó lên bờ chụp ảnh chung nữa. Lúc đầu thì ngượng lắm nhưng sau quen cũng thấy bình thường. Mỗi lần như thế họ cho 5-10 ngàn đồng, khi thì không cho đồng mô. Họ thích thì họ cho, không thì thôi xin mần chi". Hằng ngày ông Lam và em trai (đã 80 tuổi) đến bến sông để kiếm tiền, để lo cho đứa con bị tâm thần và cho 4 đứa cháu đi học. Ngày nhiều nhất hai anh em ông cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, nhưng có ngày chả có đồng nào.

Trên bến sông Hoài có gần 10 ông bà lão có cùng hoàn cảnh khó khăn như ông Lam, họ đến đậu ghe bến sông Hoài từ sang sớm đến xế chiều để chở khách, dù nắng hay mưa. Để thu hút khách đến với ghe của mình, các ông bà lão này cũng ráng học được vài ba câu tiếng Anh để mời gọi. Ở bến sông này, ông Chung là người được chụp ảnh nhiều nhất vì ông có bộ râu dài, mang đậm chất đặc trưng của ông lão Việt Nam, thế nhưng thu nhập từ nghề “người mẫu” của ông cũng chả đáng bao nhiêu.

Dù đã cao tuổi, nhưng các cụ vẫn phải lận đận ở bên sông để có miếng cơm, manh áo...(Ảnh minh hoạ) 

Ông nói "Già rồi chẳng biết làm gì nữa, cứ ngồi đây cả ngày để họ chụp ảnh được đồng nào hay đồng ấy". Hình ảnh ông lão, bà lão tay chầm mái chèo luôn là hình ảnh lạ lẫm đối với du khách nước ngoài. Họ muốn lưu giữ lại hình ảnh đó nhưng không phải vị khách Tây nào cũng sẵn lòng trả tiền cho những người mẫu già. Dù bất đắc dĩ làm “người mẫu” nhưng nó cũng mang lại cho ông bà lão những miền vui, hình ảnh của họ sẽ theo chân du khách đến nhiều nước khác nhau.

Trao đổi với chúng tôi về những người mẫu già và cuộc sống khó khăn của họ, một cán bộ văn hóa của Hội An cho hay, thành phố đã thường xuyên trợ cấp cho họ và yêu cầu họ có thể làm “người mẫu” nhưng không được làm phiền và xin tiền du khách nếu họ vi phạm sẽ cấm không cho hoạt động nữa.

Tôi rời phố cổ khi hoàng hôn buông xuống và những người mẫu già mà tôi gặp cũng đã trở về nhà. Những người như ông Lam, ông Chung..cũng vì cuộc sống mưu sinh mà đến bến sông Hoài kiếm sống và không tránh khỏi việc làm phiền du khách. Nhưng nghĩ thoáng hơn một chút thì họ cũng đã góp phần quảng bá hình ảnh của Hội An đến với bạn bè trên thế giới, đồng thời du khách có có được những khoảng khắc thú vị với sông Hoài, hình ảnh đặc biệt của một không gian di sản văn hóa thế giới.




Theo CAND

Bình luận
vtcnews.vn