Những người lặng lẽ đưa quê hương lên bản đồ Olympic

Thể thaoThứ Bảy, 04/08/2012 09:00:00 +07:00

(VTC News)- Họ không đoạt huy chương Olympic nhưng xứng đáng là người hùng dân tộc ở quê hương của mình.

(VTC News)- Suốt 7 ngày thi đấu vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng trên khắp năm châu hầu như chỉ tập trung ca ngợi vinh quang của các ngôi sao Thế vận hội, những kỉ lục gia chẳng hề xa lạ như Micheal Phelps hay Usain Bolt. 

Song, ít ai biết được trên chặng đường tìm kiếm danh hiệu và những tấm huy chương còn có rất nhiều những người hùng thực sự chưa một lần được vinh danh.

“Tấm huy chương Olympic luôn là giấc mơ của tôi”
Ricardo Blas Jr. là một người như thế. VĐV judo hạng cân 218 kg này là một trong số 8 gương mặt đại diện cho 180.000 người dân của quốc đảo tí hon Guam (diện tích vỏn vẹn 200 dặm vuông) dự tranh London 2012.
Dù thất bại ở vòng 2, Ricardo Blas Jr. đi vào lịch sử nền thể thao đảo Guam. 

Thừa hưởng “máu” judo từ cha, ông Ricardo Blas – VĐV đầu tiên của Guam góp mặt tại Thế vận hội 1988, tuyển thủ 25 tuổi đã làm quen với môn võ có nguồn gốc Nhật Bản này từ khi lên 5 tuổi. Anh miệt mài luyện tập rồi chuyển đến học tại một trường judo ở đất nước Mặt trời mọc trước khi đến với Bắc Kinh 4 năm trước và London năm nay.
Nhưng không giống ở Bắc Kinh, nơi ghi dấu những thất bại thảm hại của Blas Jr. trên sàn judo, anh đã làm nên lịch sử tại London khi đánh bại đối thủ Facinet Keita của Guinea để giành chiến thắng ở vòng đầu tiên. Quả thực, trước đó chưa từng có VĐV Judo nào của Guam vào nổi tới vòng đấu thứ hai, trừ Blas Jr.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, giấc mơ huy chương của võ sĩ 25 tuổi nhanh chóng bị đối thủ người Cuba Oscar Brayson dập tắt. Song, thất bại dường như chỉ càng khiến Blas Jr. thêm lạc quan: “Thua cuộc thật không dễ chịu chút nào nhưng tôi không hề hối tiếc bởi tôi đã thi đấu hết sức mình. Tôi luôn mong muốn mình có thể thi đấu tốt hơn và tiến xa hơn nữa, nhưng giờ là thời điểm chuẩn bị cho tương lai. Tôi cũng khá hài lòng vì chiến thắng đầu tiên của tôi cho thấy tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều so với Olympic Bắc Kinh. Biết đâu tôi sẽ được đứng lên bục vinh quang vào một ngày nào đó. Giành được một tấm huy chương Olympic luôn là giấc mơ của tôi”.
Đưa đất nước lên bản đồ Olympic
Cũng giống như Blas Jr., 2 VĐV điền kinh Ronald Forbes và Samur Hyman đang chật vật trên con đường chinh phục đỉnh Olympic đầy chông gai.
Cayman nằm trong số hơn 100 quốc gia chưa thể góp mặt trên BXH huy chương.  

Forbes cũng đến từ một quốc đảo Cayman nhỏ bé, thưa dân nằm bên vịnh Caribean. Cùng đến London với anh mùa Hè này là anh bạn nối khố Samur Hyman, VĐV Camen đầu tiên vừa lập kỉ lục chạy 100m dưới 10 giây chỉ vài tuần trước khi lên đường dự tranh tại Olympic.
Dù cả hai đang theo học ở Mỹ để rèn luyện và phát triển tài năng nhưng họ vẫn đặt mục tiêu quốc gia lên hàng đầu. Họ rất quyết tâm và tin tưởng một ngày quốc kì Caymen sẽ được giương cao.
“Tôi cảm thấy như chúng tôi đang đi trong một giấc mơ, đất nước chúng tôi nhỏ bé nhưng chúng tôi có 5 trong số 7 VĐV hạng A. Do đó, tôi nghĩ sẽ có huy chương, nội trong kì Thế vận hội lần này hoặc vào năm 2016 điều tuyệt vời đó sẽ xảy ra. Tôi khá căng thẳng nhưng tôi sẽ làm tất cả để có chúng. Thời gian chạy của tôi đã giảm từ 10,7 xuống còn 9,9 giây. Tôi thực sự rất muốn đưa đất nước nhỏ bé của mình lên bản đồ”.
Mặc dù vậy, trước những đối thủ nặng kí như Usain Bolt, Yohan Blake hay Tyson Gay, Hyman sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
Angelique Trinquier, VĐV 100m bơi ngửa đại diện cho công quốc Monaco dự Olympic 2012.

Thứ Ba tới, Forbes cũng bước vào chặng đua đầu tiên của mình. Tỏ ra không bị chi phối trước chiến thắng vừa qua của cặp đôi Bolt-Blake, Forbes cho biết: “Đơn giản thôi, hãy gạt tất cả qua một bên và tập trung chạy từ điểm A đến điểm B nhanh nhất có thể. Đó là điều tôi học được từ Olympic Bắc Kinh”.
Trên thực tế, không chỉ có Guam hay Caymen của Blas Jr., Forbes và Hymen, trong số hơn 200 quốc gia từng tham dự Olympic hiện đại kể từ năm 1896, có tới 79 nước chưa thể đem một chiếc huy chương nào về cho Tổ quốc. Song, họ vẫn không ngừng nuôi hy vọng, bằng niềm đam mê và sự khổ luyện, lặng lẽ hiện thực hóa giấc mơ huy chương tại đấu trường Olympic.

Cát Đằng
Bình luận
vtcnews.vn