Những nghi vấn quanh vụ Công ty Đại Nam 'buôn lậu' gỗ

Thời sựThứ Sáu, 02/01/2015 11:38:00 +07:00

Tài xế đã xuất trình hóa đơn, chứng từ do Công ty Đại Nam xuất bán nhưng không có dấu kiểm soát của cơ quan kiểm lâm. CA TX.Thuận An quyết định khởi tố vụ án

(VTC News) - Ngày 1/1/2015 Cơ quan Công an thị xã Thuận An (Bình Dương) xác nhận đã ra quyết định khởi tố Công ty cổ phần Đại Nam (Công ty Đại Nam) để điều tra làm rõ hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

Theo Công an thị xã Thuận An, ngày 2/10/2014 lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông tuần tra trên tuyến ĐT743 (P.Bình Hòa, thị xã Thuận An) phát hiện tài xế Nguyễn Thanh Hoàng (34 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) có dấu hiệu vi phạm luật giao thông.

Khi kiểm tra xe đầu kéo container BKS 51E-012.49 (rơ moóc BKS 51R-013.45) do Hoàng lái thì phát hiện phía trong chứa 77 hộp gỗ trắc (khoảng hơn 9m3). 

Tài xế đã xuất trình hóa đơn, chứng từ do Công ty Đại Nam xuất bán, nhưng không có dấu kiểm soát của cơ quan kiểm lâm. Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm nên cơ quan chức năng quyết định khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ vụ việc.

Video khách đến tham quan KDL Đại Nam đông nghẹt, kẹt cứng

Công ty Đại Nam giải trình

Trước đó ngày 13/10/2014, trong biên bản giải trình việc vận chuyển 77 hộp gỗ xẻ trắc, khối lượng 9,172m3 tồn kho gửi Công an Thuận An và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, ông Phạm Đình Khương – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam cho biết, số lượng gỗ nói trên được Công ty Đại Nam xuất bán cho Công ty thương mại Đại Phú (P. Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) theo hợp đồng kinh tế ngày 1/10/2014, hóa đơn GTGT số 0000222 ngày 1/10/2014.

Vào ngày 2/10/2014, khách hàng đến nhận gỗ từ kho Công ty Đại Nam và vận chuyển về tỉnh Bắc Ninh. Khi xe chạy đến địa phận Sóng Thần, thị xã Dĩ An thì gặp tổ tuần tra Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra và lập biên bản tạm giữ do vi phạm vận chuyển gỗ không có xác nhận của Chi cục Kiểm lâm.
Đơn giải trình về số gỗ trắc của Công ty Đại Nam. Ảnh: Phan Cường 

Ngày 3/10/2014. Công an thị xã Thuận An phối hợp Chi cục Kiểm lâm Bình Dương đến Công ty Đại Nam xác minh nguồn gốc gỗ. Qua kiểm tra, đo đạc số gỗ trên xe khớp với hồ sơ giấy tờ Công ty Đại Nam cung cấp, trên đầu mỗi lóng gỗ đều có dấu búa KL 824.

Ngày 18/3/2010, Công ty Đại Nam có mua gỗ của Công ty Hoàng Gia Cát Tường với số lượng 391,513 m3 gỗ trắc xẻ nhập khẩu tại hai hóa đơn GTGT số 002901 và 002902 theo Hợp đồng kinh tế số 01/HĐKT/HG-ĐN được ký giữa hai công ty.

Về nguồn gốc số gỗ trắc, Công ty Hoàng Gia Cát Tường của nhiều đơn vị từ nhiều năm, toàn bộ gỗ có nguồn gốc nhập khẩu, có giấy tờ hợp pháp. Số gỗ này được lựa chọn mang xây dựng đền thờ Đại Nam.

Trong quá trình nhiều năm có thay đổi nhân sự nên khi hạch toán xuất hóa đơn thì không có nhân viên nào của hai công ty xác định được chính xác số gỗ nằm trong bộ hồ sơ nào, nên Công ty Hoàng Gia Cát Tường chỉ photo cho có hình thức một số hồ sơ để Công ty Đại Nam lưu trữ theo quy định.

Trong tổng số gỗ do Công ty Hoàng Gia Cát Tường xuất bán, quá trình sản xuất, chế biến, xây dựng tại Công ty Đại Nam còn tồn 77 hộp gỗ xẻ trắc với khối lượng 9,172m3 Công ty Đại Nam không có nhu cầu sử dụng nên ký hợp đồng xuất bán cho Công ty thương mại Đại Phú (P.Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để thu hồi vốn.

“Công ty chúng tôi cam kết toàn bộ số gỗ trắc nói trên có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, được mua từ nguồn gỗ tồn kho của Công ty Hoàng Gia Cát Tường. Riêng đối với việc tự ý xuất bán gỗ tồn kho không trình báo Chi cục Kiểm lâm xác nhận là trái quy định của nhà nước. Công ty Đại Nam xin nhận sai sót” – Phó Tổng giám đốc Phạm Đình Khương nói.

Ông Dũng “lò vôi” lên tiếng

Để xác minh tính xác thực vụ việc, ngày 1/1/2015, PV VTC News liên hệ ông Huỳnh Uy Dũng (ông Dũng “lò vôi”).

Từ nước ngoài ông Dũng cho rằng việc báo chí đăng tải thông tin Công an ra quyết định khởi tố vụ án vận chuyển gỗ liên quan đến Công ty Đại Nam là chưa chuẩn, có ẩn ý điều gì trong đó.

Theo ông Dũng, số gỗ mà Công ty Đại Nam thanh lý có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp pháp, không phải gỗ lậu. Số gỗ này được mua về để xây dựng Khu du lịch Đại Nam, do thừa, không đúng quy cách nên các cổ đông đề xuất bán để giải phóng kho xưởng cuối năm.

“Tôi đang điều trị bệnh ở nước ngoài nên không trực tiếp làm việc với nhân viên. Có thể do không am hiểu luật nên nhân viên vô tình vi phạm luật, đó là vấn đề thiếu xác nhận của kiểm lâm vào số gỗ xuất bán, còn giấy tờ, hóa đơn đỏ, chứng từ, hợp đồng mua bán đều có đầy đủ” – ông Dũng khẳng định.
 Hóa đơn, chứng từ xuất xứ nguồn gốc gỗ các loại của Công ty Đại Nam mua lại từ Công ty Hoàng Gia Cát Tường. Ảnh: Phan Cường

Ông Dũng cho rằng, số gỗ mà Công ty Đại Nam xin phép thanh lý khoảng 10m3, bán với giá 50 triệu/m3, tổng số tiền là 500 triệu đồng. Việc bán thanh lý này có hợp đồng, hóa đơn của Bộ Tài chính.  Lực lượng công an và kiểm lâm sau khi đến xác minh tại Công ty Đại Nam, đã đến Hải quan tỉnh Đồng Tháp xác minh nguồn gốc số gỗ hợp lệ.

“Tôi nghe anh em nói bị công an phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng nhưng phía ủy ban ách lại để bây giờ lại công bố với cơ quan báo chí. Như thế thì thật là quá bất thường, tôi không thể hiểu nổi, có dấu hiệu gì đằng sau vụ việc này” – ông Dũng cho biết.

Được biết, vào ngày 2/12/2014 thượng tá Võ Văn Hồng – Phó Trưởng Công an thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) đã lập biên bản ký quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Đại Nam về hành vi mua bán gỗ không có xác nhận của kiểm lâm, vi phạm về thủ tục hành chính trong mua, bán lâm sản theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
 Công an thị xã Thuận An quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Đại Nam do thiếu dấu xác nhận kiểm lâm khi mua, bán lâm sản. Ảnh: Phan Cường

Như vậy, với việc đưa ra quyết định khởi tố vụ án sau khi đã ra quyết định xử phạt hành chính của cơ quan Công an thị xã Thuận An là có vấn đề, điều này cần được làm sáng tỏ.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Video rơi nước mắt bé được mổ tim miễn phí tại BV Đại học Y Dược TPHCM


Phan Cường
Bình luận
vtcnews.vn