Những ngân hàng nào sắp bị mua lại?

Kinh tếThứ Ba, 03/03/2015 07:26:00 +07:00

Lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về kế hoạch mua lại một số ngân hàng.

(VTC News) - Lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về kế hoạch mua lại một số ngân hàng.

Trong cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/3, nhiều phóng viên liên quan đến kế hoạch Ngân hàng Nhà nước mua lại một số ngân hàng: “Xin cho biết kế hoạch chi tiết Ngân hàng Nhà nước mua lại các ngân hàng này. Ngoài ra với các ngân hàng khác như SaigonBank, Eximbank… thì Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch tái cơ cấu cụ thể thế nào?”, phóng viên nêu câu hỏi.
Ngân hàng Nhà nước có thể mua lại Oceanbank và GPBank
Ngân hàng Nhà nước có thể mua lại Oceanbank và GPBank  
Trả lời vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong thời gian qua, đối với trường hợp của Ngân hàng Xây dựng (VNBC), Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giải pháp mua lại Ngân hàng Xây dựng với giá 0 đồng, khi mà ngân hàng này có vốn điều lệ đã âm so với vốn pháp định.

Việc Ngân hàng Nhà nước trực tiếp mua cổ phần hay chỉ đạo Ngân hàng thương mại tham gia mua cổ phần là 1 trong những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong quá trình tái cơ cấu.

Trong giai đoạn đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đánh giá và thực hiện tái cơ cấu các Ngân hàng thương mại yếu kém, đó là các mắt xích có thể gây đổ vỡ hệ thống.

Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo đúng các giải pháp đề ra tại Đề án tái cơ cấu theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó sẽ tái cơ cấu toàn diện các ngân hàng. Các ngân hàng hoạt động chưa tốt sẽ trở nên tốt và các ngân hàng hoạt động tốt sẽ tốt hơn.

“Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, nếu có vấn đề như vốn điều lệ âm nhiều theo vốn pháp định, có thể áp dụng một trong các giải pháp như tôi đã đề cập.

Còn đối với các ngân hàng mà phóng viên hỏi kế hoạch cụ thể thì đây là trong lộ trình năm 2015, bản thân các ngân hàng làm việc với nhau và có đề án trình Ngân hàng Nhà nước xem xét phê duyệt”, bà Nguyễn Thị Hồng thông tin.

Ngày 31/01/2015, Đại hội đồng cổ đông bất thường VNBC đã được tổ chức tại Hội trường Thống nhất - Ủy ban nhân dân tỉnh Long An để thông báo công khai về kết quả kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực và vốn điều lệ của Ngân hàng và thông qua Phương án bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.

Đại hội đồng cổ đông quyết nghị không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định.

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng, Quyết định số 48/2013/QĐ-NHNN ngày 01/8/2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông VNBC, Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNBC với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNBC, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của ngân hàng này.
GPBank là một trong 9 ngân hàng buộc phải tái cơ cấu đợt đầu tiên vào 2012, tuy vậy, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư mới nào tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng này.

Vào đầu năm 2014, một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã có ý định mua lại GPBank, tuy vậy với một số những điều kiện mà bên mua đưa ra, NHNN đã không đồng ý thông qua.

Với Oceanbank, ba người nguyên là lãnh đạo của ngân hàng này đang bị bắt giam với cáo buộc cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế và vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đó là nguyên Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm, nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Minh Thu và nguyên Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hoàn.

Việc mua lại hai ngân hàng nói trên của NHNN sẽ còn một thời gian nữa mới thực hiện được. Một trong các lý do chính vẫn là NHNN phải kiểm toán, định giá hai ngân hàng để xác định lại chính xác vốn chủ sở hữu.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn