Những màn chia tay phũ phàng nhất mùa chuyển nhượng

Thể thaoThứ Bảy, 10/06/2017 16:03:00 +07:00

Diego Costa bị 'đuổi việc' qua tin nhắn, Ibrahimovic sẽ không được gia hạn hợp đồng và không ít cầu thủ ở giải Ngoại Hạng Anh còn không biết là mình bị bán và chỉ nhận được thông báo khi mọi việc đã xong xuôi.

Việc HLV Conte gửi tin nhắn cho Costa nói rằng anh là "người thừa" ở Chelsea có vẻ hơi phũ phàng, nhưng vẫn chưa là gì so với những trường hợp dưới đây. 

Patrick Vieira

Vì muốn trao cơ hội cho Cesc Fabregas, HLV Arsene Wenger đã để Patrick Vieira rời Arsenal vào năm 2005. Tuy nhiên cựu danh thủ người Pháp không hề biết mình sẽ bị bán đi sau khi cùng Pháo thủ dành chức vô địch FA Cup. Khi đó, Vieira 29 tuổi và vẫn còn hai năm hợp đồng với Arsenal và anh đã tuyên bố không hề có ý định ra đi.

“Tôi đi nghỉ ở Bahamas và khi trở về, HLV nói với tôi rằng có một lời đề nghị từ Juventus. Tôi hiểu ý ông ấy, rằng nếu tôi muốn đi thì có thể đi ngay”, Vieira tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2010.

1

 Vieira vẫn tỏ ý bất mãn về cách mà anh bị bán sang Juventus nhiều năm trước.

David Beckham

Cựu đội trưởng đội tuyển Anh rời Manchester United để gia nhập Real Madrid vào mùa hè năm 2003. Lẽ ra điểm đến của Beckham đã là Barcelona, nếu tiền vệ này không kịp thời phát hiện ra vụ đàm phán diễn ra sau lưng mình.

“Tôi đã rất đau đớn và tức giận bởi dù phải ngồi ngoài trong nhiều trận đấu, tôi vẫn không nghĩ là mình phải ra đi”, Beckham chia sẻ với phóng viên đài BBC. “Tôi đang ở Mỹ và một người bạn nói với tôi rằng Sky Sports đưa tin Manchester United đã đạt thỏa thuận bán tôi cho Barcelona”.

Cầu thủ này ngay lập tức trở về Anh đòi ban lãnh đạo giải thích. Khi được xác nhận đã có một thương vụ được dàn xếp, Beckham đã yêu cầu được đến Real Madrid.

Joe Allen

Tiền vệ người Xứ Wales vẫn nghĩ mình là người của Liverpool cho tới khi một người bạn nhắn tin chúc mừng thương vụ chuyển nhượng anh sang Stoke City đã hoàn tất.

“Việc này hơi kỳ quặc một chút nhưng đôi khi mọi chuyện cứ xảy ra như vậy. Không có lời tạm biệt thực sự nào cả”, Allen phát biểu sau khi gia nhập đội bóng mới.

2

 Allen không có chỗ đứng ở Liverpool và bị đẩy sang Stoke City mà không có lấy một thông báo chính thức.

Brede Hangeland

Hangeland thi đấu cho Fulham bảy năm năm, ra sân hơn 250 trận và được trao băng đội trưởng. Tuy nhiên khi CLB xuống hạng vào năm 2014, ban lãnh đạo đội bóng đã chấm dứt hợp đồng với cầu thủ người Mỹ mà không cần gặp mặt trao đổi. Hangeland chỉ nhận được một bức email thông báo ngắn gọn.

Và các HLV

So với cầu thủ thì các HLV có vẻ quen thuộc với những cuộc chia tay bất ngờ phũ phàng hơn, bởi họ có thể mất việc bất cứ lúc nào mà không được chờ đến kỳ chuyển nhượng. Tin nhắn và email có vẻ là cách mà các đội bóng ở Anh ưa thích, như hai trường hợp của HLV Michael Laudrup và Martin Jol.

Sau nửa đầu mùa giải 2013/14 thất vọng, ban lãnh đạo Swansea đã mở cuộc họp và đi đến quyết định tiếp tục gắn bó với HLV Laudrup. “Cuối buổi sáng hôm đó tôi nhận được email nói rằng tôi đã không thực hiện đúng hợp đồng và nó bị chấm dứt”, HLV người Đan Mạch kể lại.

HLV Martin Jol dù đã biết trước nguy cơ mất việc vào năm 2007, nhưng ban lãnh đạo Tottenham vẫn biết cách làm cho ông phải bất ngờ. Họ đã gửi tin nhắn, không phải cho Martin Jol mà là cho các trợ lý của ông vào giờ nghỉ giữa hai hiệp của trận đấu với Getafe tại UEFA Cup.

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn