Những 'lùm xùm' về chất lượng dịch vụ, sản phẩm của Lazada

Kinh tếThứ Năm, 27/08/2015 07:19:00 +07:00

Lazada đã không ít lần bị tố là lừa đảo khách hàng, liên tục hết hàng hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Lazada.

(VTC News) - Từ ngày có mặt trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Lazada đã không ít lần bị tố là lừa đảo khách hàng, liên tục hết hàng hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

1. Điệp khúc "hết hàng"

Đọc được quảng cáo về máy ảnh Fujifilm X-E1, ống kính Fujinon 35mm với giá hấp dẫn trên trang web của Lazada, ngày 4/2/2013, một người tiêu dùng đã nhanh chóng đặt hàng và sau đó đã được email xác nhận mua hàng thành công.

Theo quy định của Lazada, hàng sẽ được giao trong vòng ba đến năm ngày đối với khách hàng ở TP.HCM và “trễ hơn một vài ngày tuỳ theo một số điều kiện khách quan mà Lazada không thể kiểm soát được như thiên tai, lũ lụt, hỏng hóc phương tiện”.

Thế nhưng hai ngày sau, một nhân viên của Lazada gọi điện đến báo rằng ống kính Fujinon 35mm đã hết và phải chờ hàng từ nhà sản xuất. Tuy nhiên điều kỳ lạ ở đây là dù hàng đã hết nhưng trước đó đơn hàng của khách đã được thông báo là đã thành công.

Khi khách hàng có thắc mắc như vậy thì nhân viên này nói rằng, có những trường hợp phải 14 ngày mới giao hàng. Thậm chí sau đó nhân viên này còn đề nghị người mua lấy lại tiền hoặc lấy thân máy trước, lấy ống kính sau.

Đến ngày 18/2, tức đúng 14 ngày sau khi đặt hàng, chờ mãi chưa nhận được máy ảnh và ống kính, người mua này đã nhắn tin hai lần hỏi khi nào hàng được giao nhưng Lazada không trả lời.

Qua ngày 19/2, người mua gửi email để hỏi, thì sau đó mới có nhân viên của Lazada gọi điện cho biết vẫn chưa có hàng, phải qua đầu tháng 3 mới có, tức hơn… 25 ngày sau khi đặt hàng thành công, với lý dó là bởi tại thời điểm đó chưa có hàng mới.

Lazada luôn giao chậm hàng hoặc hủy đơn hàng đơn phường của người mua vì lý do là hết hàng - Ảnh minh họa
Lazada luôn giao chậm hàng hoặc hủy đơn hàng đơn phường của người mua vì lý do là hết hàng - Ảnh minh họa 
Vậy là quảng cáo giảm giá để người mua đặt hàng là một chuyện, còn có hàng để giao cho họ hay không lại là một chuyện khác, khiến cho khách hàng bức xúc, tố Lazada lừa đảo.

Trên các trang mạng cũng có rất nhiều những chia sẻ về việc Lazada "treo đầu dê" nhưng bán "không khí", và cho rằng có vẻ như Lazada thường xuyên không có sẵn hàng và cũng không nối mạng chặt chẽ với nhà sản xuất để biết có còn hàng hay không.

Thậm chí như trường hợp của một khách hàng đặt hàng vào ngày 23/1/2014 (ngày 20 Tết) trên Lazada với chương trình "Giảm giá mạnh có các mã giảm giá 888k – 500k – 400k v...v..., vị khách này đã nhận được thông báo đơn hàng thành công sau khi đặt mua 1 chiếc đầu đĩa Ariang 3600 với giá được giảm thêm 400k còn gần 5 triệu đồng

Ngay trong ngày hôm đó, vị khách này gọi lên Lazada để yêu cầu gửi hàng sớm nhất vào ngày 28 Tết và nhân viên của hãng cũng đã vui vẻ nhận lời sẽ cố gắng thực hiện.

Tuy nhiên chỉ vài tiếng đồng hồ sau thì vị khách này nhận được thông báo là "hàng đã hết đột ngột nên đơn hàng bị hủy, mong thông cảm". Khách hàng này đã gọi điện lên Lazada hỏi và nhân viên nói là đơn hàng này dù đã cố gắng liên hệ với nhà cung cấp nhưng nhà cung cấp đã không còn hàng.
Thông báo hết hàng đột ngột của Lazada tới khách hàng
Thông báo "hết hàng đột ngột" của Lazada tới khách hàng 
Nghi ngờ Lazada làm ăn không uy tín, khách hàng này lại liền đặt tiếp một đơn hàng khác mua đồ tương tự như đơn hàng kia nhưng bằng một tài khoản khác. Không ngờ rằng ngày 24/1, nhân viên Lazada gọi điện tới cho vị khách này để xác nhận đơn hàng và hứa sẽ giao hàng vào đầu tuần sau. Trong khi chỉ mới ngày hôm qua đã thông báo hết hàng.

Khi đó, vị khách hàng này mới hỏi rằng, tại sao hôm qua tôi mua cũng món hàng này thì bên công ty lại báo là hết hàng thì nhân viên này trả lời rằng "Em không biết, nhưng giờ trong kho có hàng".

2. Bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ

Những vụ việc khách hàng tố Lazada lừa đảo, bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng không hề hiếm trên các trang mạng xã hội, diễn đàn. Như một khách hàng đã từng mua hàng của Lazada chia sẻ, do thấy một chiếc đồng hồ có giá bán ở Mỹ tới gần 200 USD mà ở website này chỉ có 2 triệu đồng nên anh đã không do dự mà đặt mua ngay.

Sau 4 ngày thì anh nhận được món hàng, với vỏ hộp nhìn đậm chất "sang chảnh" theo kiểu hàng tàu. Tuy nhiên anh vẫn cố tự "trấn an" đó hàng hiệu chính hãng được bán bởi Lazada, hơn nữa do mua online ở Đà Nẵng nên cũng ngại trả lại hàng.

Đeo được khoảng 1 tuần thì chiếc đồng hồ "hàng hiệu" này bị đọng hơi nước ở mặt gương, mờ cả mặt kính đến nỗi không còn nhìn thấy kim hay số. Trong khi đó vị khách này khẳng định mình chỉ tắm và rửa mặt, và dù tháo ra không đeo nhưng hơi sương vẫn đọng lại không thể hết được, trong khi quảng cáo trên website là chống nước được ở mức 200 mét -20ATM (tức có thể lặn ở biển được).

Nghi là hàng nhái, hàng kém chất lượng, khách hàng này có ý định đổi trả bởi trong quy định, khách hàng có thể đổi hàng khác trong vòng 30 ngày nếu không ưng ý với mọi điều kiện.

Sau 8 ngày hoàn thành thủ tục đổi trả hàng với chi nhánh Lazada ở Đà Nẵng, vị khách này nhận được cuộc gọi của nhân viên hãng thông báo rằng đồng hồ bị ám hơi nước là do anh không vặn kỹ khi chỉnh ngày giờ nên nước mới ngấm vào trong. Và do đã hết hàng nên bắt buộc anh phải nhận lại chiếc đồng hồ cũ.

Cuối cùng, anh hỏi thẳng nhân viên rằng có thể đổi trả được nữa không thì nhân viên cũng không ngần ngại trả lời là không, với lý do hàng hỏng là lỗi của khách hàng. Cuối cùng vị khách này đành ngậm ngùi "biếu" cho Lazada 2 triệu đồng.

Trên Lazada cũng thường xuyên bán những loại mặt hàng có thương hiệu lớn nhưng lại có giá rất rẻ, ví dụ như tai nghe Bluetooth Samsung N7100 được rao giá 299.000 đồng, tai nghe Bluetooth Samsung HM1000 cũng được rao mức giá tương tự.
Lazada thường đăng bán cả những chiếc tai nghe Bluetooth mang thương hiệu lớn nhưng giá chỉ vài trăm nghìn
Tuy nhiên theo tìm hiểu của ICTnews, Samsung không có chiếc tai nghe Bluetooth nào có tên mã N7100, còn HM1000 đúng là tên một mẫu tai nghe Bluetooth của Samsung nhưng mẫu mã khác nhau hoàn toàn. Trả lời ICTnews, đại diện Samsung tại Việt Nam cũng nói rằng hai chiếc tai nghe này đều không phải hàng của Samsung.

Không chỉ Samsung bị “mượn” thương hiệu, trong nhóm tai nghe Bluetooth trên Lazada còn bán tai nghe Bluetooth VOYAGER Phillips V9 - V4.1 - V941 giá 429.000 đồng.

Tin rao này cố tình đánh lận con đen khi cố gắng gắn từ Phillips vào mẫu tai nghe của mình để khách hàng nhầm lẫn với hãng Philips.

Trong khi đó, hãng này không hề có một chiếc tai nghe như thế. Chỉ có hãng Plantronics là có dòng tai nghe Bluetooth Voyager. Chính vì thế, ngoài mẫu Phillips Voyager trên, còn có mẫu Voyager KEO V4.0 giá 439.000 đồng. Oái oăm là trên cùng trang này, mẫu Plantronics Voyager lại được bán tới 1.049.000 đồng. Như vậy không khác gì Lazada lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái một cách công khai cho khách hàng.

Một trường hợp khác mới đây nghiêm trọng hơn, là một khách hàng đã cung cấp thông tin tới báo Doanh nghiệp Việt Nam để phản ánh việc Lazada kinh doanh hàng hóa không rõ về xuất xứ, nguồn gốc đơn vị cung cấp, chất lượng hàng hóa chưa được kiểm chứng… đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe.

Phóng viên báo Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã thực hiện một giao dịch trên website đặt hàng của Lazada để đặt hàng mua sản phẩm "Viên uống tăng cường sinh lý nam Tibet Babao 8 viên (hộp nâu đỏ)" với giá 199.000 đồng.

Sau khi tiếp nhận đơn hàng này, ngày 5/8, Lazada đã chuyển sản phẩm này tới tận tay cho phóng viên trên theo địa chỉ phóng viên cung cấp.

Sau khi bóc bao bì sản phẩm, theo ghi nhận của phóng viên, sản phẩm được đựng trong một chiếc hộp bằng kim loại, có rất nhiều dòng chữ được ghi bằng tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, tại phía sau của sản phẩm này có một tem, nhãn phụ rất nhỏ được dùng để giới thiệu về sản phẩm.
Thông tin sơ sài ghi trên sản phẩm "tăng cường sinh lý nam" được bán bởi Lazada
Thông tin thể hiện trên nhãn phụ lại được ghi rất sơ sài với nội dung thông tin: “tên sản phẩm: Viên uống tăng cường sinh lý nam Tibet Babao; màu sắc: Nâu đỏ; mẫu sản phẩm: Tibet Babao; nhà pp (phân phối): Lebom.,Ltd; địa chỉ 95/18 Đinh Tiên Hoàng, P3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Xuất xứ : Hongkong, với HDSD: để có hiệu quả tốt nhất, dùng viên lớn trước khi quan hệ 15 phút, và sử dụng viện nhỏ sau khi quan hệ giúp bổ thận tăng cường sức khỏe, HSD: 2018”.

Tiến hành tra cứu sản phẩm về chứng nhận an toàn thực phẩm tại công thông tin điện tử của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, với tên miền www.vfa.gov.vn, phóng viên báo Doanh nghiệp Việt Nam không tìm thấy được bất kỳ thông tin nào về sản phẩm Tibet Babao do nhà pp: Lebom.,Ltd, đã được Cục cấp giấy chứng nhận.

Trước các thông tin “bất thường” của sản phẩm, ngày 7/8, phóng viên trên đã tìm đến địa chỉ hiện tại của Lazada, kho E4, ngõ 838 Bạch Đằng, Hà Nội để đặt lịch làm việc. Nhưng sau gần 1 tuần trôi qua, hãng này vẫn chưa có phản hồi cung cấp thông tin hay đặt lịch cho buổi làm việc nào.

Trong khi đó, việc Lazada đang chào bán các sản phẩm liên quan đến việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe, không rõ chất lượng, nhà cung cấp, sản phẩm không rõ là thuốc hay thực phẩm chức năng, khuyến cáo, chống chỉ định đối với các sản phẩm trên rất có thể sẽ gây ra nhiều rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt là sản phẩm nhằm "tăng cường sinh lý nam".

Theo đó, một số các bác sĩ về điều trị bệnh nam khoa (xin giấu thông tin) đã khuyến cáo rằng: “Các sản phẩm hỗ trợ điều trị hay như thuốc điều trị bệnh lý cho nam giới, không thể dùng một cách tùy tiện, khi dùng các sản phẩm hỗ trợ về sinh lý thì cần phải được các bác sĩ tư vấn rõ ràng. Ngoài ra còn phải xem xét kĩ việc trong thành phần của sản phẩm có chất gây kích ứng, dị ứng với người dùng hay không?"

Ngoài ra trong trường hợp tự dùng thuốc trợ dương quá liều, chứng cương kéo dài sẽ thành tai biến nguy hiểm. Nếu không can thiệp, bệnh có thể tự khỏi sau một thời gian nhưng bộ phận sinh dục có thể sẽ bị mất đi khả năng "hành sự" vốn có.

Huyền Trân (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn