Những lời đồn đáng sợ quanh hiện tượng nhật thực

Thế giớiThứ Ba, 22/08/2017 07:53:00 +07:00

Không phải ngẫu nhiên mà đến tận ngày nay nhật thực vẫn thường được gắn với những ý nghĩa tiêu cực như ma quỷ, thảm họa hoặc cái chết.

Trước khi biết được mặt trăng có thể che mặt trời, văn hóa cổ đại đã luôn cố gắng giải thích tại sao mặt trời lại tạm thời biến mất.

Phần lớn các cách lí giải đều tiêu cực. Một số nền văn hóa cho rằng mọi người nên tụ tập lại với nhau để tạo ra những tiếng động lớn trong khi xảy ra nhật thực nhằm xua đuổi ma quỷ và các thế lực đã khiến thế giới của họ chìm vào bóng tối.

truyen-thuyet-rung-ron-ve-nhat-thuc-1

 Nhật thực thường bị gán cho những ý nghĩa tiêu cực liên quan đến thảm họa. (Ảnh: NBC)

Mặt trời bị ăn mất

Cách lí giải với hình tượng mặt trời bị ăn có lẽ là phổ biến nhất. Từ nhật thực cũng phần nào phản ánh điều này.

Trong văn hóa Bắc Âu, ác quỷ là Loki do bị các vị thần giam giữ nên cố gắng trả thù bằng cách tạo ra những sinh vật khổng lồ giống sói. Những con vật này đã nuốt mặt trời tạo ra nhật thực, không những thế chúng cũng đuổi theo và cố gắng nuốt mặt trăng.

Người Việt Nam xưa cũng tin rằng mặt trời đã bị nuốt là do một con ếch khổng lồ. Còn người Trung Quốc thì cho rằng một con rồng ăn trưa trên mặt trời đã tạo ra nhật thực. Từ chỉ nhật thực trong tiếng Trung là “chih” hoặc “shih” có nghĩa là “ăn”.

Một cách lí giải khác cũng tương tự là cho rằng mặt trời đã bị thế lực nào đó lấy mất. Theo truyện dân gian Hàn Quốc, mặt trời đã bị đánh cắp bởi những con chó thần.

truyen-thuyet-rung-ron-ve-nhat-thuc-2

 Nhật thực thường bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra các hiện tượng chết chóc. (Ảnh: Reuters)

Cuộc chiến và sự nổi giận của các vị thần

Người Pôm, một nhóm người bản địa sống tại vùng Tây Bắc nước Mỹ, vẫn thường gọi nhật thực là “mặt trời bị gấu đánh”. Câu chuyện của họ cho rằng một con gấu đã lần lượt chiến đấu và cắn cả mặt trời lẫn mặt trăng. Câu chuyện này cũng giải thích tại sao nhật thực thường xảy ra khoảng 2 tuần trước nguyệt thực.

Thần thoại Hy Lạp thì tin rằng nhật thực là dấu hiệu các vị thần đang nổi giận. Nhật thực đối với họ là khởi đầu của những thảm họa và sự phá hủy. Tộc Tewa từ New Mexico, Mỹ thì tin rằng nhật thực là do mặt trời tức giận đã từ bỏ bầu trời để trở về thế giới địa ngục.

Theo truyện dân gian Inuit, nữ thần mặt trời Malina và em là thần mặt trăng Anningan đã chiến đấu với nhau. Nhật thực xảy ra khi Anningan cố gắng đuổi theo chị gái Malina của mình.

Video: Toàn cảnh đón Nhật thực tại Đông Nam Á

Dù vậy không phải huyền thoại siêu nhiên nào xoay quanh nhật thực cũng đều mang một màu u ám.  

Người Batammaliba sống ở Benin và Togo cho rằng do nhật thực là khoảnh khắc mặt trời và mặt trăng xảy ra xung đột, nên để hóa giải thì mọi người trên Trái đất phải làm hòa.

Còn tại Italia, người ta tin rằng những cây hoa được trồng vào lúc nhật thực sẽ tươi hơn và rực rỡ so với những cây hoa khác.

Nhiều nỗi sợ hãi vô hình về nhật thực vẫn còn tồn tại ở thời hiện đại. Nhiều người vẫn coi nhật thực là hiện tượng liên quan đến cái chết, thảm họa và sự diệt vong.

Một hiểu lầm phổ biến là nhật thực có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ có thai và những em bé chưa ra đời của họ. Ở nhiều nơi trên thế giới, trẻ nhỏ hoặc phụ nữ có thai thường được khuyên nên ở trong nhà khi xảy ra nhật thực.

Tại nhiều nơi ở Ấn Độ, mọi người còn kiêng ăn trong khi xảy ra nhật thực vì cho rằng thực phẩm được chế biến trong thời gian này sẽ bị nhiễm độc và không còn trong sạch.

Phương Anh (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn