Những lần mất vốn trăm tỷ đáng báo động tại Petro Việt Nam

Kinh tếThứ Sáu, 21/10/2016 10:50:00 +07:00

Là ông lớn sở hữu mạng lưới công ty con, công ty liên kết dày đặc nhưng không phải “mối lương duyên” nào cũng mang lại trái ngọt cho Petro Việt Nam mà ngược lại Petro Việt Nam không ít lần rơi vào tình cảnh mất vốn trăm tỷ đáng báo động.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Việt Nam) là một trong những Tập đoàn lớn nhất Việt Nam. Vốn góp của chủ sở hữu Petro Việt Nam lên tới 281.500 tỷ đồng hồi cuối năm 2015. Petro Việt Nam có doanh thu khủng và đóng góp rất nhiều vào ngân sách Nhà nước.

Nhưng đó không phải là tất cả với Petro Việt Nam. Bên cạnh những thành to lớn đã đạt được, Petro Việt Nam không ít lần khiến dư luận thót tim vì rót vốn vào công ty con, công ty liên kết. Tại thời điểm cuối năm 2015, Petro Việt Nam có 20 công ty con và 45 công ty liên kết.

Trong những ngày này, một công ty con khiến Petro Việt Nam được nhắc nhiều trên mặt báo chính là Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTEX). Tại đây, Petro Việt Nam nắm giữ 89,96% vốn nhưng tỷ lệ biểu quyết lên tới 99,99%.

petro vietnam

Nhiều dự án của Petro Việt Nam thua lỗ

Trong nhiều năm trở lại đây, PVTEX triển khai dự án Xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng. Đây là dự án khủng có vốn đầu tư lên tới 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khác với sự hoành tráng ban đầu, dự án Xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng nhưng chóng trở thành “khối u” khi lỗ hàng ngàn tỷ đồng.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã “chốt” khoản thua lỗ tới nay của dự án là 1.472 tỷ. Với việc sở hữu 89,96% vốn PVTEX, phần lỗ tương ứng mà Petro Việt Nam phải gánh là khoảng 1.300 tỷ đồng. Lỗ nặng nên dự án phải ngừng hoạt động từ năm 2015. Điều đáng nói, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong dự án 7.000 tỷ đồng này.

Theo Vietnamnet, ngay từ khâu đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, trong quá trình ký kết hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu đã không tuân thủ đúng quy định, thay đổi nguồn gốc, xuất xứ một số thiết bị.

Hơn nữa, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí... trị giá khoảng 38,7 triệu USD, dẫn đến dự án bị đội vốn lên thành 363 triệu USD.

Thanh tra Chính phủ kết luận, những thiếu sót, vi phạm trên, Bộ Công Thương, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của Petro Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thời kỳ từ năm 2007 đến nay phải chịu trách nhiệm.

Đây không phải lần đầu tiên Petro Việt Nam để mất vốn. Trước đó, Tập đoàn này cũng gây xôn xao dư luận khi để mất 800 tỷ đồng khi đầu tư vào OceanBank. 800 tỷ đồng là khoản tiền Petro Việt Nam chi ra để nắm giữ 20% vốn OceanBank.

Sau khi OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng do có nhiều sai phạm nghiêm trọng, 800 tỷ đồng của Petro Việt Nam tại OceanBank đã mất trắng. Kết quả là, cùng với ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank, ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên lãnh đạo Petro Việt Nam bị bắt.

Trong 2 lần mất vốn khủng này của Petro Việt Nam, nhiều sai phạm đã được chỉ ra. Thậm chí, có lãnh đạo còn phải dính vòng lao lý. Nhưng đó chưa phải là những lần mất vốn hiếm hoi của Petro Việt Nam. Cùng với OceanBank, PVTEX, Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) cũng khiến Petro Việt Nam hao hụt vốn bởi nhà máy bio - ethanol Dung Quất.

Nhà máy có tổng mức đầu tư 2.219 tỷ đồng, mới đây cũng đã phải tạm ngừng hoạt động do chi phí sản xuất cao, khiến giá thành phẩm cao hơn giá thị trường, dẫn tới thua lỗ. Năm 2014, việc sản xuất cầm chừng của nhà máy đã dẫn đến khoảng lỗ trên 140 tỷ đồng.

Choáng váng hơn cả là việc Petro Việt Nam có thể phải bỏ ra tới 2 tỷ USD (hơn 40.000 tỷ đồng) để bù lỗ cho Dự án Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 9 tỷ USD.

Không chỉ đau đầu với những dự án ngàn tỷ gánh chịu thua lỗ nặng nề, Petro Việt Nam còn có nguy cơ mất thêm vốn bởi nợ xấu.

Tính tới thời điểm cuối năm 2015, tổng các khoản nợ xấu chính của Petro Việt Nam lên tới 6.800 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là 2 khoản nợ có khả năng mất trắng của Petro Việt Nam tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và phải thu ủy thác đầu tư và phải thu khác tại công ty mẹ.

Khoản nợ xấu gần 2.100 tỷ đồng tại PVC rất khó để đòi vì PVC đang lâm vào tình trạng khó khăn với những khoản lỗ ngàn tỷ do ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận để lại.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn