Những kỳ quan tuyệt mỹ không thể bỏ qua (1)

Khám pháThứ Năm, 15/07/2010 06:05:00 +07:00

(VTC News) - Đây là những địa danh có cảnh đẹp hoang sơ, diễm lệ với nhiều kỳ quan tuyệt mỹ hiếm có mà chúng ta không thể bỏ qua.

(VTC News) - Mới đây, Tạp chí Askmen đã công bố một danh sách "Mười kỳ quan thiên nhiên bạn nhất định phải tận mắt chứng kiến trước khi chết." Đây là những địa danh có cảnh đẹp hoang sơ, diễm lệ với nhiều kỳ quan tuyệt mỹ hiếm có mà chúng ta không thể bỏ qua.

Cơ hội không bao giờ đến lần thứ hai. Chính vì vậy, nếu bạn thực sự muốn được mãn nhãn trước vẻ đẹp hoành tráng và kỳ vĩ của thiên nhiên hay thực sự chìm đắm trong cảm giác thư giãn và hạnh phúc tột cùng thì hãy tìm đến những nơi “thâm sơn cùng cốc” mà ít người dám, có cơ hội đặt chân tới. Sau đây là 10 địa danh được yêu thích nhất do Tạp chí Askmen bình chọn.

1. Sa mạc Trắng huyền bí ở Ai Cập


Hàng năm có hàng triệu lượt du khách thăm quan tới vùng đất của những vị vua chúa lâu đời nhất trên thế giới này để ngắm sông Nile, dòng sông đẹp như một cô gái tuổi đôi mươi, những kim tự tháp cổ và cả sa mạc trắng xinh đẹp Beyda el Sahara.

Beyda el Sahara lại là một công trình tự nhiên đẹp đến nỗi không thể bỏ qua. Tất cả mọi thứ ở đây đều mang một màu trắng sang trọng và kì lạ. Ngay đến cát cũng toàn màu trắng. Không chỉ thế, Beyda el Sahara còn có cả những công trình bằng đá tự nhiên khổng lồ (mà người dân nơi đây thường gọi là cây đá).

Với vị trí thuận lợi được nằm ngay cạnh ốc đảo Farfara nên du khách có thể dễ dàng đến thăm sa mạc trắng kì lạ này ở Ai cập. Vào ban đêm, Beyda el Sahara trông giống như có tuyết rơi và điều này đã khiến những ai đến đây chiêm ngưỡng đều cảm thấy vô cùng thích thú.

2. Vườn quốc gia Gunung Mulu ở Borneo, Malaysia



Vườn quốc gia Gunung Mulu ở Sarawak, Borneo, Malaysia giáp giới với Brunei, là di sản thế giới được UNESCO công nhận. Vườn quốc gia này có các hang động và các kiến tạo karsk ở rừng mưa xích đạo.

Có mặt trong vườn quốc gia này là loại đá vôi san hô hình thành trong khoảng thời gian từ giữa kỷ Eocen cho đến cuối kỷ Miocen với diện tích rộng lớn.

Các hang động và rừng của vườn quốc gia Gunung Mulu đã cuốn hút những nhà khoa học khám phá, đặc biệt nhất là Hội địa lý hoàng gia 1977 - 1978, với 100 nhà khoa học tại khu vực này trong 15 tháng.

3. Núi Kelimutu ở Flores, Indonesia



Kelimutu là một núi lửa trên đảo Flores ở Indonesia. Nó được biết đến chủ yếu vì vẻ đẹp của ba hồ nước có khả năng thay đổi màu sắc nằm trên miệng núi lửa. Đây là điểm đến phổ biến nhất trên đảo. Núi Kelimutu nằm ở bờ biển phía nam, gần thị trấn Ende. Đỉnh cao của núi lửa là 1.639 m. Phun trào lần cuối đã được ghi lại trong năm 1968.

Trên núi Kelimutu có 3 hồ (Tiwu Ata Mbupu, Tiwu Nuwa Muri Koo Fai và Tiwu Ata Polo) có nước với màu sắc thay đổi liên tục. Ba hồ miệng núi lửa này nằm trong hõm chảo, được nuôi bằng nguồn khí núi lửa, tạo ra nước có độ axít cao. Các hồ với nước có sắc màu này thay đổi màu sắc của chúng theo trạng thái ôxi hóa của hồ, từ đỏ tươi tới lục và lam. Màu sắc vào cuối năm 2004 của ba hồ này là xanh Thổ, nâu và đen.

4. Thác Thiên thần ở Canaima, Venezuela


Thác Thiên thần (tên bản địa là Kerepakupai merú) là thác nước rơi tự do cao nhất thế giới với độ cao 979m và dốc thẳng đứng 807m. Nó nằm trong Công viên quốc gia Canaima thuộc vùng Sabana của bang Bolivar, Venezuela. Với độ cao gần 1000m, dòng nước chảy từ ngọn thác trông vô cùng tuyệt diệu vì trước khi "tiếp đất", làn nước bị những cơn gió mạnh đẩy đi và biến thành màn sương mù.

Thác nước ăn liền với sông Kerep (hay thường được gọi là Rio Gauya). Con sông này chảy vào sông Churun - một nhánh của sông lớn Carrao. Theo tiếng bản địa thì "Kerepakupai merú" có nghĩa là "thác nước của nơi sâu nhất". Thỉnh thoảng có người nhầm Thác Thiên thần là Churun-meru. Đó là tên của một thác nước khác trong công viên quốc gia Canaima. Churun theo tiếng Pemon có nghĩa là "sấm sét".
 
Năm 1912, nhà thám hiểm người Venezuela - Ernesto Sanchez La Cruz đã tìm thấy những thác này nhưng ông không công bố phát hiện của mình. Thế giới cũng không biết đến chúng cho tới khi James "Jimmie" Crawford Angel - một phi công Mỹ bay qua vùng đất này vào ngày 13/11/1933 trong chuyến tìm kiếm một lớp quặng giá trị.

5. Rạn san hô dài nhất thế giới ở Úc



Rạn san hô Great Barrier (Đại Bảo Tiều) là hệ thống đá ngầm san hô lớn nhất thế giới,  bao gồm khoảng chừng 3.000 tảng đá ngầm riêng rẽ và 900 hòn đảo, kéo dài khoảng 2.600km, bao phủ một vùng có diện tích xấp xỉ 344.400 km2.

Phần đá ngầm nằm ở khu vực Biển San Hô, cách bờ biển Queensland về hướng đông bắc Úc. Một phần lớn đá ngầm được bảo vệ bởi công viên hải dương rạn san hô Great Barrier. Rạn san hô Great Barrier có thể được nhìn thấy từ ngoài không gian và có khi được quy cho là đơn thể lớn nhất thế giới. Trong thực tế, nó được hình thành từ hàng triệu sinh vật nhỏ, là những polyp san hô.

Rạn san hô Great Barrier cũng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1981. Đài CNN đã gọi nó là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Tổ chức Tín Quốc Queensland coi nó là biểu tượng của bang Queensland

(Còn tiếp)











Hoài Thư(Theo AM)
Bình luận
vtcnews.vn