Những kẻ vô công rồi nghề

Tổng hợpThứ Sáu, 26/04/2013 02:11:00 +07:00

Chủ nhân của chúng, được gọi chung bằng cái tên “anh hùng bàn phím” - những kẻ vô công rồi nghề, chuyên sống “ảo”...

“Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy vào đã củ tỏi vào hồi 17 giờ 07… anh em phang lô đề nhiệt tình đi, lão sinh năm 1953.” – chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ những dòng chữ trên status của nickname “Kẹo Mút Chơi Bời” gây bức xúc trong cộng đồng mạng thời gian trước. Ðây chỉ là một trường hợp điển hình trong hàng ngàn, hàng vạn phát ngôn gây sốc trên mạng.

Chủ nhân của chúng, được gọi chung bằng cái tên “anh hùng bàn phím”. Thực tế, “anh hùng bàn phím” chỉ là cách gọi đầy mỉa mai dành cho những kẻ vô công rồi nghề, chuyên sống “ảo”, suốt ngày ngồi bên máy tính để “tranh luận” nhưng thực chất là “ném đá, dìm hàng” bôi xấu, hạ bệ người khác, bằng cách nghĩ ngược, nghĩ tiêu cực, ngụy biện và né tránh tranh luận bằng lý lẽ, và không ít người tử tế đã mắc mưu bọn chúng.

 

Những kẻ chuyên nghề… “chém gió”

Những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội nói chung và trên các báo điện tử nói riêng đang rộ lên “hiện tượng” Ðỗ Nhật Nam. Câu chuyện bắt đầu khi cậu bé 12 tuổi được cho là “thần đồng” này trò chuyện trong một clip phỏng vấn thực hiện ở triển lãm sách tại TP.HCM. Trong clip phỏng vấn, Nam trả lời không thích đọc truyện tranh vì mẹ em cho rằng “truyện tranh là con sâu đục phá tâm hồn”. Chính câu nói đó mà cậu bé 11 tuổi này chịu không ít búa rìu dư luận vì họ cho rằng em bị đánh mất tuổi thơ, em là sản phẩm của nạn “bạo hành” trẻ con, có thái độ không tôn trọng người lớn…

Trước khi xảy ra vụ lùm xùm trên, Ðỗ Nhật Nam đã là một cái tên quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là các em thiếu nhi. Ðỗ Nhật Nam được biết tới nhiều nhất với vai trò là MC cho chương trình Chúc bé ngủ ngon (VTV3), Quả chuông nhỏ, Trò chuyện cùng bé (VTV2). Nhật Nam còn nổi tiếng bởi khả năng ngoại ngữ với số vốn khiến nhiều người lớn còn phải kiêng nể, tác  giả  cuốn  “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào” – được rất nhiều em nhỏ và các bậc phụ huynh đón nhận nồng nhiệt.

Chủ nhân của những viên đá nhắm vào mục tiêu – cậu bé 12 tuổi Ðỗ Nhật Nam, không ai khác chính là những “anh hùng bàn phím”. Với sở thích lang thang và săn lùng “con mồi” trên mạng, không ít kẻ đã tự gánh lên vai mình trách nhiệm nặng nề  “thấy việc bất bình chẳng tha”, lên tiếng đòi công bình. Ðoạn clip về Ðỗ Nhật Nam bất ngờ trở thành “miếng ăn ngon vừa miệng”, họ bắt đầu “ném đá”. Ðầu tiên là việc chia sẻ đoạn clip ra khắp mạng xã hội để câu kéo đồng minh.

Tiếp đến là giai đoạn phân tích, mổ xẻ, đánh giá với mức chuyên nghiệp không khác gì những… nhà xã hội học. Từ đó, các vị “anh hùng” với vũ khí là bàn phím bắt đầu tung đủ thứ chiêu thức, vẽ ra đủ thứ tồi tệ trong cuộc sống của “nạn nhân”: nào là không có tuổi thơ, có dấu hiệu tự kỷ, tương lai sẽ chẳng đến đâu, thần đồng thì luôn cô độc, nào là sản phẩm của nạn bạo hành trẻ con do chính bố mẹ tạo ra…

 

Một đứa trẻ 12 tuổi bị mang lên bàn cân để hàng ngàn cư dân mạng trong đó cũng có không ít các bậc phụ huynh nhẹ dạ, cả tin hùa nhau vào “mổ xẻ”. Thậm chí, có cả một số video clip mà những nhân vật có tiếng trong cư dân mạng làm để chế nhạo lại câu chuyện của đứa trẻ này. Những nhân vật đó ăn bám vào sự a dua của đám đông, chọc ngoáy vào khuyết điểm của đứa trẻ để đánh bóng và “câu view” cho video clip. Ðám đông đó, cũng hùng hổ dùng bàn phím để chỉ trích rằng đứa trẻ giả tạo, kiêu ngạo, chảnh chọe, không biết thế nào là khiêm tốn.

Họ bới móc một câu cảm nhận của em bé về truyện tranh để trù ẻo em không có tuổi thơ, thậm chí nói rằng em có dấu hiệu mắc bệnh tự kỷ. Ðáng buồn biết bao nhiêu khi nhìn thấy một đám đông hèn kém, đạo đức giả ngồi bình phẩm, bàn luận về một đứa trẻ. Ðáng khinh hơn khi họ tự nhân danh là người lớn lo lắng cho tuổi thơ và tương lai của con trẻ để làm tổn hại đến chính con trẻ. Theo không ít những “anh hùng bàn phím”, trẻ con nhất định phải giống con em họ mới là hợp lý, mới là có tuổi thơ, là đúng khoa học. Nhật Nam chưa bao giờ tự nhận mình là thần đồng, đó là cái mác mà chính truyền thông, đám đông gán lên người em. Rồi cũng chính đám đông lại nhắm vào cái mác đó chỉ trích, chê bai… Liệu như vậy có công bằng hay không?

Nói tới sự việc của cậu bé Ðỗ Nhật Nam trên báo chí, nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa chia sẻ: “Ở xã hội văn minh, chúng ta nên cư xử một cách văn minh. Hãy đặt mình vào vị trí của đứa trẻ để thấy cảm giác như thế nào khi bị xúc phạm. Tôi không kêu gọi lòng từ tâm nhưng xin mọi người hãy coi Nhật Nam như con em mình để có cách ứng xử đúng mực. Ðừng mang suy nghĩ cá nhân áp đặt lên người khác. Làm thế không những không chứng tỏ được lòng tử tế mà còn trực tiếp xúc phạm trẻ”.

Cày bàn phím “ảo”, tội danh thực

Trong thực tế thì Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng đã chỉ rõ những quyền lợi hợp pháp của trẻ cùng nghĩa vụ và trách nhiệm của người lớn đối với trẻ tại Ðiều 14 và Ðiều 26. Ðiều 14 viết: Trẻ em có “quyền được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự”. Ðiều 26 có ghi rõ: “Gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ em.

 

Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”. Trong trường hợp của bé Ðỗ Nhật Nam, chiếu theo luật, dù vô tình hay hữu ý, các “anh hùng bàn phím” cũng đã phạm luật. Tuy nhiên, cho đến giờ, chưa có vị nào bị… sờ gáy. Nhưng sẽ chẳng có gì lạ khi một ngày đẹp trời nào đó, một thần đồng nhỏ tuổi XYZ nào đó lần lượt đưa các “anh hùng” ra hầu tòa vì những tội danh “thực” trên đây.

Sau không ít ngày im lặng hứng chịu búa rìu dư luận, sức ép từ những người lạ, trên trang cá nhân, cô Phan Thị Hồ Ðiệp – mẹ của bé Ðỗ Nhật Nam đã có một bức thư bày tỏ những cảm xúc riêng gửi tới con trai. Trong thư là những nỗi niềm chất chứa trong suốt quãng thời gian cả gia đình chống chọi lại với cơn bão từ dư luận. Mở đầu bức thư, mẹ Nhật Nam viết:

"Như chim mẹ giữa tán rừng cao lắm mưa, nhiều nắng, ngậm cành kết lá để tạo cho con một chiếc tổ ấm êm.

Như bầy trâu rừng giữa đêm hoang của rừng thẳm vẫn biết dồn những đứa con non vào giữa đàn, nơi an toàn nhất.” (PCL)

Mỗi người đều có một nơi an toàn nhất. Nơi đó chính là Mẹ."

Ðây là mở bài trong bài văn con viết để tả về mẹ hồi con học lớp 5 mà mẹ chỉ còn nhớ được như vậy. Nhưng những ngày qua, "mở bài" này nhiều lần trở đi trở lại trong đầu mẹ, nó khiến mẹ đôi khi khóc òa, đôi khi nước mắt chảy ngược vào trong, từng dòng, mặn chát. Mẹ đã không thể là "con chim mẹ", là "con trâu rừng" để bảo vệ được con.

Ðoạn sau lần lượt nhắc tới những người bạn thân thiết của gia đình đã luôn ở bên cạnh san sẻ, động viên họ vượt qua nỗi buồn. Toàn bộ bức thư là những u uất của một người mẹ khi không thể ngăn cản được miệng lưỡi cay độc của vô số người lớn nhằm vào tuổi thơ của con trai mình, “ném đá” mua vui. Rõ ràng, hậu quả của những câu “chém gió”, vui miệng của các vị anh hùng “ảo” đã vượt quá phạm vi của mạng internet và mang giông tố tới cuộc sống thực của một gia đình.

Sẽ thật là thiếu sót nếu bỏ qua những “anh hùng bàn phím” khi nhắc tới cộng đồng mạng và cuộc sống “ảo” hiện nay, bởi đây chính là yếu tố không thể thiếu để biến không ít thứ “ảo” trở thành thật với vô vàn những hệ quả khó lường. Cư dân mạng bây giờ luôn tỏ ra thương cảm, viết những dòng đẫm nước mắt và “share” (chia sẻ trên facebook) cuồng nhiệt khi nhìn thấy một mảnh đời trẻ nhỏ bất hạnh vừa được nhìn thấy trên mạng xã hội. Cũng dễ hiểu, bởi chính là tâm lý thích xoa dịu mình vẫn còn hạnh phúc hơn rất rất nhiều số phận kém may mắn khác của người Việt Nam. Nhưng cũng chính họ lại sẵn sàng quay ra ném đá không thương tiếc một đứa trẻ tài giỏi hơn người.

Ðáng thương thay, điều đó xuất phát từ tâm lý ghen tị, sợ hãi khi nhìn thấy một ai giỏi giang hơn, giàu có hơn và sung sướng hơn bản thân mình. Nhiều bạn trẻ thường xuyên lên mạng và chìm đắm trong thế giới ảo. Chính trào lưu sống “ảo” đó đã khiến cho những “anh hùng chém gió” đã và đang có “đất” để tung chiêu. Họ làm như vậy đơn giản chỉ để mua vui, để lấy oai với mọi người, quên đi thực tại của bản thân, giết thời gian một cách vô bổ... Nhưng khi làm điều đó chính họ đã gián tiếp hủy hoại nhân cách của chính mình và trực tiếp gieo hoạ làm tổn thương cho những người khác. Mà ở đời, theo thuyết nhà Phật thì cứ gieo nhân nào ắt sẽ gặt quả nấy.

Tạm kết bài, xin gửi tặng các “anh hùng bàn phím” mấy lời:

Giỏi bày trận giả múa loi nhoi,

Ðứa rót hôi tanh, kẻ thiệt thòi

Lảm nhảm vài câu thua rú mọi...

Huyên thuyên khắp chốn tựa gà nòi

Cá thì rao, cốt khoe sành sỏi...

Tên mãi giấu, vì sợ lẻ loi!

Bàn phím anh hùng, vua xỉa xói...

Diễn tuồng đều đặn kiếm người coi!!!

(Thơ gửi tặng các “Yêng hùng bàn phím”)

Thu Hương

Bình luận
vtcnews.vn