Những kẻ truy sát voọc ngũ sắc cực quý

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 16/09/2010 03:00:00 +07:00

"Bụp, bụp...". Một, hai rồi ba con voọc trong bầy buông tay rơi xuống đất. Những con còn lại khiếp vía trước tai hoạ, cùng phi thân trên tán cây thoát nạn.

Rừng vắng. Bầy voọc ung dung bứt lá ăn, những tiếng “khọt khọt” tựa như lời trò chuyện của chúng âm vang trên tán cây rậm. Bỗng đâu từ bên dưới vang lên những âm thanh “bụp, bụp” khô khốc, lạnh lùng. Một, hai rồi ba con voọc trong bầy buông tay rơi xuống đất. Những con còn lại khiếp vía trước tai hoạ, cùng phi thân trên tán cây thoát nạn.


Có lẽ cho đến phút bị bắn hạ, loài linh trưởng chuyên sống trên ngọn cây, có năm sắc lông rực rỡ và chiếc đuôi dài bằng cả thân hình này còn mang theo nỗi buồn về sự tan tác bầy đàn của giống nòi mình trước nạn săn giết của con người...

Tan tác bầy đàn

Trong ngôi nhà nằm sát chân núi Dương Ngang ở làng Trà Sung, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, ông Nguyễn Thanh, 60 tuổi, không giấu được nỗi buồn khi kể về đàn voọc ở rừng quê mình. Cũng như những cư dân ở các vùng rừng có đàn voọc sinh sống thuộc các huyện khác của Quảng Nam, ông Thanh cho rằng những đàn voọc hiện còn lại rất ít do chúng bị săn giết liên tục. “Con voọc đẹp, lại không hề làm hại hoa màu như con khỉ nên thấy ai bắn giết nó dân mình ghét lắm...”, ông Thanh nói.

Bị thợ săn lùng đuổi, con voọc ngũ sắc này đã rơi xuống đất rồi lại mắc vào bẫy dây, bị cư dân Ca-dong ở thôn 4 xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My bắt được hồi cuối năm 2008. Một người miền xuôi đã mua con voọc ngất ngư này để nấu cao.  

Nhưng thợ săn đã nã đạn không thương tiếc vào loài voọc. Ông Thanh nói chỉ cách đây chừng nửa tháng, trong lúc chăm rẫy nơi chân núi, ông nghe có tiếng chó săn đánh inh ỏi trên đỉnh Dương Ngang. Theo các cư dân Cor ở làng Trà Sung, những kẻ săn bắn hai bầy voọc ở núi Dương Ngang, Dương Bà Dụ đều là người ở Tam Lãnh. Họ lùa chó săn vào núi lùng tìm thú rừng, khi phát hiện có đàn voọc ẩn náu trên tán cây (vì loài voọc rất sợ tiếng chó săn), họ dùng súng săn nhắm hạ từng con một. Hồi cuối năm 2009, ông P.N.A. ở thôn 6 xã Tam Lãnh đã bắn hạ cùng lúc hai con voọc lớn ở Dương Bà Dụ. “Thấy ông P.N.A. vác xác con voọc ra bà con tui thương quá. Ba toán thợ săn ở đây cứ thay nhau vô rừng, hai đàn voọc ở núi này rồi cũng đến ngày tiệt nòi thôi...”, một cư dân làng Trà Sung nói bên cửa rừng.

Anh Phạm Văn Phương, một cư dân Cor ở thôn 5A xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My, cũng xa xót cho đàn voọc ở rừng núi quê anh: “Trước đây đông lúc nhúc nay chỉ còn ba – bốn con”. Bị săn đuổi dồn dập, nhiều con voọc bị lạc bầy, rơi xuống đất rồi vĩnh viễn xa rừng. “Năm ngoái, người ở thôn 4 bắt được một con voọc sa bẫy. Còn ông Tâm ở thôn 2B cũng bắt được một con đi lạc xuống làng, bị chó đuổi...”, ông Trần Huy Lập, một cựu chiến binh ở xã Trà Kót cho biết.

Xẻ thịt nấu xương

Trong vai người mua cao voọc, chúng tôi tìm đến nhà bà V.T.H. (79 tuổi), sát bên tỉnh lộ 616 ở làng Dương Thạnh, xã Trà Dương – cách trạm kiểm lâm Trà Dương (huyện Bắc Trà My) chừng một cây số. Bà V.T.H. kể chuyện nấu cất loại cao mới được đồn thổi là phương thuốc hay này: “Tui bớt bệnh nhức mỏi cũng là nhờ uống cao voọc do đám con tui nấu từ bốn năm năm nay đó. Cách đây non một tháng, năm đứa con của tui săn được một lúc bảy con voọc ở rừng Trà Nú, nấu mười ngày ra được năm ký cao. Chia ra cho bảy người đi săn, cao có ít mà người hỏi mua thì nhiều, nhà tui chừ chỉ còn được một lạng, bán giá 250.000đ/lạng...”

 Voọc ngũ sắc còn được gọi là voọc chà vá, voọc vá, là loài linh trưởng hiện đang bên bờ vực của nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới, các nhà khoa học mới đây đã ví việc phát hiện được đàn voọc vá chừng trăm rưỡi con cũng giống như việc tìm thấy một đất nước mới với dân số một tỉ người.
Không một y văn nào nói về việc nấu cất cũng như tác dụng của cao voọc, chỉ từ ý đồ muốn kiếm tiền từ loài khỉ có bộ lông năm màu vốn có không nhiều ở rừng, những người thợ săn đã nghĩ ra việc nấu cao và tung tin đồn thổi về tác dụng chữa bệnh của loài voọc để kiếm tiền. Người con dâu út của bà V.T.H. kể rằng để có voọc nấu cao bán theo nhu cầu ngày càng tăng, mỗi chuyến đi săn chồng chị và người trong toán luôn dành ra những ngày cuối chuyến để săn bắn voọc. “Voọc ở vùng Trà Nú, Trà Kót đã cạn. Nghe đâu chuyến này mấy ảnh đang săn ở rừng Quế Sơn. Được các loại thú khác thì bán tại chỗ cho chủ buôn, còn voọc thì mấy ảnh cạo lông, mổ ruột, mang tươi về để nấu cao, nấu toàn tính, nấu cả thịt cả xương...”, người con dâu út của bà V.T.H. kể chi tiết.

“Dạo này sao có nhiều người tìm đến đây mua cao voọc quá. Cứ kiểu này thì không bao lâu loài voọc sẽ tiệt nòi thôi”, một cư dân ở làng Dương Thạnh nói.

Khó biết đích xác từ khi nào người đi săn đã nhắm bắn voọc để lấy thịt bán làm món đặc sản ở các nhà hàng, tửu quán. Hồ Văn Sâm, một thợ săn trẻ người Bh’noong ở xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn), đã giải nghệ, kể năm 2005 khi theo dân làng đi săn ở vùng suối Xà Man – thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, anh ta đã gặp đàn voọc đông “như là đại hội voọc” với cả trăm con. Tại đây, Sâm đã gặp nhiều toán thợ săn người Thừa Thiên – Huế, người Khánh Hoà, Phú Yên. Tất cả cùng đóng trại tại rừng, săn bẫy, bắn giết đủ loại thú rừng, nhưng “đáng nhớ là chuyện bắn con voọc”. “Hồi đó vào tầm tháng 7, chắc là mùa sinh sản của loài voọc, trong số năm con voọc bị toán của tui bắn hạ, ngoài hai voọc đực, cả ba con cái đều đang có chửa khoảng 5 – 6 tháng. Voọc nhiều, có toán bắn một ngày được cả mười con....”, Sâm kể lại. Theo lời Sâm, theo đặt hàng của các vựa buôn thú rừng, voọc săn được thảy đều được mổ thịt để sấy khô qua than củi. Chiếc đuôi dài của voọc luôn được sấy bán kèm theo để chủ mua phân biệt khô voọc với khô khỉ.
Một con voọc ngũ sắc bị bắt ở huyện Đông Giang, được chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam tiếp cứu hồi tháng 9.2007.  

Một số cư dân vùng sơn cước kể những năm lại đây việc ăn thịt khỉ, thịt voọc đã dần thịnh hành so với thời chúng bị nhờm tởm vì có vị tanh, hôi, lại trông chúng dễ ghê khiếp vì có hình dạng giống con người. Từ xu hướng thích tìm ăn những con vật lạ, hiếm, ngay cả những người đi săn nghiệp dư cũng cố tìm bắn voọc để có thịt ăn nhậu dù thực chất thịt voọc không ngon và cũng chẳng bổ dưỡng gì. “Thời chiến tranh do bí cái ăn quá nên tụi tui mới phải hạ voọc để “cải thiện”. Thịt voọc hôi, tanh, chỗ đất mổ thịt con voọc hai ba ngày sau vẫn còn mùi”, ông Thanh kể.

Thương cho loài voọc! – tiếng nói của những cư dân nơi giang sơn của loài voọc giờ đây như lạc lõng giữa cơn sốt săn giết thú rừng cho thú ẩm thực, cho việc chế biến những phương dược được đồn thổi về tác dụng vô căn cứ của nhiều người.

Theo Huỳnh Văn Mỹ (sgtt)
Bình luận
vtcnews.vn