Những kẻ truy đuổi và bỏ chạy khi tai nạn đều là khiêu khích, 'ăn miếng trả miếng'

Thời sựThứ Bảy, 14/11/2015 05:52:00 +07:00

Giáo sư Hoàng Chương cho rằng, hành vi truy đuổi xe taxi của tài xế xe bán tải là sai.

(VTC News) - Giáo sư Hoàng Chương cho rằng, hành động truy đuổi, hung hãn chặn đầu lái xe taxi của tài xế xe bán tải và 2 thanh niên đi xe máy là hành vi khiêu khích.

Vụ tai nạn thảm khốc trên cầu vượt Thái Hà – Chùa Bộc khiến 1 người tử vong đang được cơ quan công an điều tra làm rõ nguyên nhân khiến dư luận bức xúc, thì đêm qua (13/11) ngay trên đường phố thủ đô người dân lại được chứng kiến một cảnh rượt đuổi, bỏ chạy giữa 2 ô tô sau khi va chạm giao thông khiến một cô gái trẻ chết thương tâm.

Người dân thủ đô phẫn nộ, mong muốn cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm khắc những hành vi coi thường tính mạng những người tham gia giao thông của những kẻ có máu côn đồ, hung hăng, máu lạnh, tự cho mình cái quyền 'được xử lý tất cả', bất tuân pháp luật.

Đến nay, dư luận vẫn đặt câu hỏi về hành vi truy đuổi của tài xế xe bán tải và hành vi hung hăng chặn đầu xe taxi của 2 thanh niên đi xe máy đã gián tiếp gây nên vụ tai nạn nghiêm trọng trên cầu vượt Thái Hà, và hành vi này có bị xử lý theo quy định của pháp luật hay không?

Phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Hoàng Chương – Chủ nhiệm Dự án văn hóa giao thông, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & Phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam để làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ tai nạn này.

- Vụ tai nạn thảm khốc trên cầu vượt Thái Hà vừa qua đã khiến dư luận dậy sóng về những hành vi, ứng xử có tính chất côn đồ của những người điều khiển phương tiện giao thông gián tiếp gây nên vụ tai nạn, ông có đánh giá thế nào về việc này?

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng đã nắm được sơ bộ về vụ tai nạn nghiêm trọng này. Vụ tai nạn một lần nữa lại báo động về ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông cũng như văn hóa giao thông của chúng ta đang đi xuống trầm trọng.

 Hiện trường vụ tai nạn

Một vụ tai nạn nhưng thấy rằng, xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai phương tiện ở trên đường nhưng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho rất nhiều người khác. Cụ thể, đã có nạn nhân tử vong, đã có người phải nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh…

Hai chủ phương tiện xe taxi và xe bán tải Ford Ranger sau khi mâu thuẫn giao thông ở trên đường, đã thiếu kiềm chế, thay vì dừng xe giải quyết thỏa đáng thì đều tỏ thái độ “ăn miếng trả miếng”, hành động thiếu văn hóa, không tôn trọng pháp luật. Và dĩ nhiên, hậu quả thì vô cùng nghiêm trọng như chúng ta đã thấy.

- Dư luận đang lên án hành vi truy đuổi của tài xế xe bán tải Ford Ranger và 2 thanh niên đi xe máy lao ra chặn đầu xe taxi, Giáo sư có nhận định gì?

Hành vi bỏ chạy của tài xế xe taxi và hành vi truy đuổi của tài xế xe bán tải đều sai, vi phạm pháp luật. 

Trước đó cũng từng xảy ra một số vụ tai nạn chết người do hai phương tiện rượt đuổi nhau trên đường. 

Hành vi của tài xế xe bán tải khi truy đuổi xe taxi là không chấp nhận được. Nếu anh ta phát hiện xe taxi vi phạm, ghi lại biển số xe và thông báo đến cơ quan chức năng. Lúc này, đúng với thẩm quyền của mình, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn trong trường hợp này, tài xế xe bán tải đã thiếu kiềm chế, truy đuổi chiếc taxi trên đường phố chật hẹp, đông phương tiện như vậy là hành vi rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng của nhiều người tham giao thông.

Theo video được đăng tải, có thời điểm xe bán tải này đạt 86km/h dù đang chạy trong nội đô, một người cầm vô lăng ô tô, được học luật giao thông mà chạy như thế này thì không thể tin được.

Cho nên, hành vi truy đuổi của tài xế xe bán tải đã gián tiếp gây ra vụ tai nạn thảm khốc trên cầu vượt Thái Hà.

Về phía lái xe taxi, khi đã xảy ra va chạm, cần dừng phương tiện nhận lỗi, giải quyết thỏa đáng thay vì bỏ chạy như vậy. 

- Như vậy, cần phải xử lý nghiêm những trường hợp này?

Chúng ta cần xử lý nghiêm cả hai hành vi để ngăn chặn những hành vi vô văn hóa, vô pháp luật.

Chúng ta xử lý “cho nó qua” thì những hành vi trên sẽ tái phát và hậu quả còn nghiêm trọng hơn thế nữa. Một thực tế hiện nay, lái xe vi phạm luật giao thông, thiếu văn hóa rất nhiều nhưng chúng ta lại xử lý chưa thật nghiêm, chưa tận gốc, như khi chúng ta chữa một căn bệnh rất nặng nhưng chỉ sử dụng thuốc giảm đau tạm thời vậy.

 Chiếc xe bán tải được cho đã truy đuổi xe taxi 

Tuy nhiên, để đưa ra hình thức xử lý theo đúng quy đình của pháp luật trong vụ tai nạn ở cầu vượt Thái Hà, cần chờ kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan công an.

- Trong video do camera hành trình trên xe bán tải ghi lại, có xuất hiện 2 người đàn ông hung hãn lao lên chặn đầu xe taxi, một trong hai người này đã bị hất lên nắp capô xe taxi. Theo ông, hành vi hung hãn như vậy có là mối đe dọa cho chúng ta khi tham gia giao thông? 

Theo như lời khai của 2 người này tại cơ quan công an, thì họ đang trên đường đi tập thể hình về và thấy sự việc nên dừng xe lại can thiệp. Nhưng tôi cho rằng, sự can thiệp này đã đi quá giới hạn, là hành động quá khích.

Là một người dân, tôi cho rằng khi xảy ra các vụ tai nạn hay va chạm giao thông nhẹ, người dân có mặt tại hiện trường cần quan sát, làm chứng, báo cho cơ quan chức năng và tham gia giúp đỡ những người bị nạn như sơ cứu hay đưa đi cấp cứu, gọi người thân.

Còn hành vi chặn đầu xe, hung hăng yêu cầu lái xe taxi xuống để giải quyết tôi cho rằng đã quá khích. Đồng thời cũng thể hiện văn hóa giao thông chưa đúng mực của người dân.

Chính vì thế, trong thực tế, khi xảy ra các vụ tai nạn, người dân đã lao vào “đánh hôi” người gây tai nạn, thậm chí còn “hôi của”.

- Nhiều ý kiến cho rằng, giờ đây cứ ra đường thấy xảy ra va chạm giao thông là người dân lại giải quyết với nhau bằng “nắm đấm”, bằng lời lẽ thiếu văn hóa. Giáo sư bình luận gì về ý kiến này?

Hiện tượng mất văn hóa giao thông, mất an ninh trật tự, cứ va chạm giao thông là gẫy gỗ, đánh nhau, kẻ truy đuổi, người bỏ chạy…là hiện tượng diễn ra khá phố biển trong những năm gần đây. 

Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên là do người dân tham gia giao thông nhưng không học luật lệ an toàn giao thông. Chúng ta phải nhớ rằng, đã cầm tay lái dù ô tô hay xe máy thì đều phải biết luật, và tôn trọng luật pháp.

Còn về văn hóa giao thông, hành vi “ăn miếng trả miếng” trong tham gia giao thông cho thấy ý thức của người dân còn thấp. Chỉ là một va chạm nhỏ trên đường, nhưng hai bên đều nóng nảy, đều tỏ những hành vi vô văn hóa. Thậm chí nhiều người còn xuống xe dọa nạt, thể hiện mình là “dân anh chị”.

Tôi cho rằng, đó là hành động của những con người không có văn hóa, vì không có văn hóa thì họ sẽ không tôn trọng pháp luật.

Chỉ cần một hành vi nhỏ vô văn hóa khi tham gia giao thông sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm hàng ngàn người khác.


Hà Minh(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn