Những gã “khùng” cưỡi xe 3 bánh

Tổng hợpThứ Sáu, 21/10/2011 03:45:00 +07:00

Có người ngoái nhìn bằng cặp mắt tò mò, nhiều người thích thú nhưng cũng không ít kẻ cười thầm...

Có người ngoái nhìn bằng cặp mắt tò mò, nhiều người thích thú nhưng cũng không ít kẻ cười thầm khi bắt gặp cảnh một đám đàn ông lụi hụi quanh những chiếc xe ba bánh hay còn gọi là Sidecar cũ kĩ. Cái họ không thể hiểu nổi là tại sao những gã đó lại thích thú đến vậy với cái loại xe giờ chỉ còn bán theo đơn vị… đồng nát: 20.000đ/kg.

 

“Chiến mã” già xông pha 3 bánh 

Cũng giống như nhiều thành phố và các tỉnh thành trên cả nước, Hà Nội cũng có một CLB cho những người thích loại xe ba bánh này với khoảng 60 thành viên chính thức, hoạt động khá quy củ. Để tham gia CLB, mỗi người phải sở hữu một chiếc xe ba bánh. Cho đến nay, các thành viên, người ít thì cũng sở hữu một con, kẻ phong lưu có tận 5, 6 “chú”. Và công đoạn tìm mua được một con xe này cũng không phải đơn giản.

Những chiếc xe ba bánh này bây giờ đều phải mua thanh lý với giá khoảng 20.000đ/kg. Một chiếc xe nặng áng chừng 350kg. Số lượng xe có hạn vì chỉ được thanh lý bởi một số đơn vị đặc thù như Công An, Quân đội, các lực lượng vũ trang hoặc các đơn vị thể thao, lực lượng kiểm soát, hải quan, kiểm lâm, bộ đội biên phòng. Loại xe này hầu như không có mới, nếu có thì cũng không thể nhập về, hoặc có nhập thì cũng rất đắt, khoảng hàng chục ngàn USD một chiếc. Những chiếc xe hiện đang lưu hành trong giới chơi xe ba bánh phần lớn đều từ những năm 80, được sưu tầm lại và sau khi tự sửa chữa, “mông má” lại, rất khó để tính được giá thành.

Xe ba bánh có đặc trưng kỹ thuật rất đơn giản. Tốc độ của nó chỉ chạy được tối đa vài chục km/giờ nhưng tải được 1,5 tấn và leo được những cung đường khó mà xe máy hay ô tô đều phải bó tay. Nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều lý do khiến những gã đàn ông mê mẩn chiếc xe này đến vậy.

Anh Thắng, chủ tịch CLB mô tô ba bánh Hà Nội hiện đang sở hữu hai con xe, tủm tỉm: “Hỏi vì sao chúng tôi yêu những chiếc xe này đến vậy thì cũng giống như hỏi tại sao anh yêu cô này, cô kia. Đôi khi yêu chỉ vì yêu thôi”. Nói về “tình yêu” của mình, anh bảo: “Chiếc xe này rất ngô nghê, nó có một cá tính rất riêng không giống một chiếc xe nào. Cho nên người ta nói nó lai giữa xe ô tô và mô tô. Cái ngô nghê thì bao giờ cũng khiến người ta nhớ hơn, yêu hơn, thích hơn và cảm giác chinh phục được một cái xe không giống một chiếc xe nào khác khiến người ta hào hứng”.

Những người chơi Sidecar cũng rất đa dạng. Họ có thể là Kiến trúc sư, bác sĩ, doanh nhân. Họ có nhiều phương tiện đắt tiền, ô tô, xe máy đủ cả nhưng vẫn thích một chiếc xe ba bánh - chiếc xe của Liên Xô viện trợ từ ngày xưa. Họ cho rằng nó mang ý nghĩa lịch sử nhiều hơn là về mặt thời trang hay kinh tế. Anh Lê Hồng Việt - TGĐ một doanh nghiệp là chủ của chiếc Ural mà anh Thắng đang hì hục sửa giúp - vừa xoa hai bàn tay lấm lem dầu nhớt, đen xì vào nhau vừa nói: “Rất tình cờ, cách đây 6 năm, tôi gặp một số anh em trong lực lượng vũ trang khoe cơ quan đang thanh lý mấy chiếc xe ba bánh. Thấy lạ, tôi nhờ mua hộ một con chơi. Tuần 3, 4 lần tôi lôi nó ra đi làm, thỉnh thoảng lại chở con đi học. Có dịp đưa cả vợ tham gia phượt cùng CLB. Chẳng hạn như chuyến phượt Lũng Cú 1200km vừa rồi mà vợ tôi rất thích thú”. Anh Việt tự hào, “thích nhất là ở những cung đường cheo leo, hiểm trở và toàn đá tai mèo, ô tô, xe máy đều bó tay thì mình vào được”.

Anh Thắng, một gã có thâm niên chơi xe sidecar 15 năm nay. Chiếc xe đầu tiên của gã có là một chiếc xe cổ nhưng thời kì đó khó khăn, đồ sửa chữa không có nên đành bán cho một người Hà Lan mang về nước. Sau này gã quay sang chơi xe lambreta, mobylet nhưng duyên số đưa đẩy lại kéo gã quay lại với sidecar.

Khi số người chơi đông dần lên, họ lập thành một CLB chính quy của Hà Nội, được Liên đoàn bổ nhiệm Ban cán sự đàng hoàng, do anh Hồng Việt là chủ tịch CLB, lấy trang web Sidecar.com.vn làm diễn đàn.

 

Kẻ đồng hành kỳ cục

Có lẽ nếu ai mua Sidecar làm “trang sức” cho mình có vẻ hầm hố, cá tính thì không thể chơi được xe này lâu dài. Bởi chơi sidecar là một thú chơi cầu kì và kì công. Hầu như không một chiếc xe nào khi mua về mà không phải sửa. “Sửa thì có thợ, lo gì”, nếu ai đó có ý nghĩ như vậy thì xin chia buồn bởi thường loại xe này không có thợ sửa mà toàn do các anh em trong CLB chơi lâu dần nắm được kỹ thuật của nó và tự sửa mà thôi. Thậm chí, các thành viên trong CLB còn đang lo sẽ “tuyệt chủng” thợ sửa loại xe này. Hiện nay, trong “dân gian” còn “thất lạc” hai thợ có thể sửa được nhưng như anh Thắng nói: “Chúng tôi không đủ sức để nuôi thợ” vì vậy sớm muộn họ cũng sẽ sống bằng nghề khác.

Đặc thù sidecar là loại xe cũ sinh ra trong chiến tranh vậy nên sau hàng thập kỷ sử dụng, tất cả phải phục chế lại. Phục chế đã khó nhưng tìm mua được những linh kiện dùng để thay thế cho loại xe này còn khó gấp trăm lần.

Chiếc Ural của anh Việt đang được mấy anh em phục chế lại bộ hơi do nó không đồng bộ. Mọi người đã phải ra chợ tìm từng chiếc lò xo về sau đó mới cắt, chỉnh sửa cho thích hợp. Nó đã được sửa đến hôm nay là ngày thứ 3 rồi. Ngồi cạnh chiếc xe, anh Trần Phước Thịnh, một nhân viên của cây xăng Lê Trọng Tấn, cũng là một dân chơi sidecar 4, 5 năm nay nói: “sửa nó tốn kém là một chuyện nhưng còn phải định hướng sửa cái gì trước, cái gì sau theo tuần tự”. Trong giới chơi xe ba bánh nhiều khi không thể mua bán được đồ, mà phải dùng hình thức trao đổi. “Ông không có cái này tôi đổi cho ông cái kia, ngược lại ông cho tôi cái lốp hay cánh bánh… Đã chơi đồ này, thành thói quen đi đâu cũng ngó nghiêng, sưu tầm, mắt la mày lét, nhanh mắt nhanh tay thấy cái gì hợp là “cá thu” ngay, anh Thịnh cho biết.

Đặc thù của sidecar là có thể tháo rời từng module một ra để sửa. Cần sửa bộ phận nào chỉ cần tháo bộ phận đó ra. Khi cần có thể tháo thuyền ra hoặc lắp vào và không cần phải nhẹ tay như với các loại xe đời mới. Sidecar sinh ra trong chiến tranh và nó là một “chiến binh” thực thụ.

Từ khi chơi sidecar, anh Thịnh bỗng nhiên trở thành khách quen của các hàng đồng nát, sắt vụn. Chỉ riêng công đoạn đến từng bãi sắt vụn tìm tìm kiếm kiếm đã đòi hỏi người chơi phải kiên trì rồi. Chưa kể, mỗi loại linh kiện của sidecar lại cần một loại thợ riêng: thợ mạ riêng, thợ gò riêng, thợ làm máy riêng.

Phải mất khá nhiều thời gian mò mẫm anh Thịnh mới mua được mớ phụ tùng hợp với loại xe của mình nhưng chưa đã xong. Mang về hì hụi lắp vào mới phát hiện chưa chuẩn, chưa khớp, lại tháo ra đem đổi, cứ như vậy không biết bao nhiêu lần. Chưa kể, chỉ riêng nước sơn của sidecar không phải ai cũng biết sơn thế nào cho đúng. Màu sơn của sidecar phải là màu sơn gốc. Không có nhũ như sơn ô tô. Loại sơn của xe này vì thế nên không phổ biến và rất đắt.

Thợ sửa xe nếu không đúng là “dân chơi” sidecar sẽ rất dễ làm mất chất cổ điển của xe. “Như chiếc đèn này đã từng bị vỡ. Mang ra Hai Bà Trưng thuê thợ sửa ô tô chế cho một cái y như vậy lắp vào. Đang hưng phấn, tưởng mình thông minh chợt nhớ ra không có chữ CCCP. Cảm hứng bỗng tụt xuống không đỡ được”. Đối với dân chơi sidecar, xe còn chữ CCCP là cực kỳ quan trọng vì nó thể hiện đẳng cấp của một chiếc xe quý. Không phải ai cũng may mắn mua được một chiếc xe cũ lại còn nguyên vẹn. Cơ bản con xe cần đủ khung, máy, vành bánh, ghi đông là tốt lắm rồi. Đối với xe này quan trọng nhất là hộp số. Đó là những thứ tại Việt Nam không thể làm được.  Còn những thứ khác có thể tìm hoặc chế lại sau. Chiếc xe đầu tiên của anh Thịnh là một chiếc xe đã cũ lắm rồi, thậm chí một cây ổi đã sinh trưởng trên cái lốp phụ của xe. Sau khi mua và sửa sang lại, một đại gia của Ciputra nhìn thích quá đã mua với giá 40 triệu, dùng để đi lại trong khu công nghiệp của anh ta ở Hải Dương.

Phần lớn những người chơi sidecar đã từng chơi một loại xe cổ nào đó trước đây. Chẳng hạn anh Thắng từng chơi Mobylet, Lambreta; anh Thịnh từng chơi Mobylet, xe đạp, Vespa… nhưng cuối cùng đều bị sidecar “hớp hồn”. Sau chiếc xe đầu tiền bán cho đại gia Ciputra, anh Thịnh đã thay thế ngay bằng một em sidecar khác bóng bẩy hơn. Anh Thắng hiện đang sở hữu hai em, một em sản xuất từ năm 1963, một em Ural 1987 kết cấu cổ điển. Anh Thịnh chỉ vào chiếc Ural đang sửa giải thích, dòng này phổ biến hơn vì đặc tính kỹ thuật của nó cao nhất rồi, nó hoàn hảo về kỹ thuật và được sản xuất năm 1987, những năm cuối cùng trước khi Liên Xô sụp đổ. Đặc thù của sidecar là ít phiên bản vì nó là sản phẩm chiến tranh. Những người hoài cổ dường như đều yêu thích chiếc xe này cho dù chơi hay không chơi, bởi vì nó gợi họ nhớ về quá khứ.

 

Gia vị tình yêu

Có người ví, lái được sidecar cũng như thuần được một con ngựa hoang. Vì lái ba bánh tưởng dễ mà hóa ra không dễ. Sidecar không cân, nó có thêm cái thuyền nên bị lệch một bên. Nếu không biết lái thì xe có thể bị lật như chơi. Chính vì vậy, người lái xe ba bánh phải có bằng lái A3 mới được phép điều khiển loại xe này. “Trông thế thôi nhưng lái nó khá nguy hiểm. Với ba bánh xe lệch, lái nó không khác gì cưỡi trên một chiếc xe thồ mà chỉ thồ một bên. Trọng tải dồn về một phía khá lớn nên việc làm sao để giữ thăng bằng không thôi cũng đã phải tập rồi mới nói đến việc điều khiển nó trên đường phố.

“Ngoài ra, loại xe này còn có nhiều thứ rất quái dị, nên chơi xe phải hiểu về nguyên lý kỹ thuật của nó. Nhưng hầu như ai đã từng sưu tầm, tìm hiểu rồi thì đều mê nó. Bởi nó rất hầm hố, rất đàn ông. Ngày trước nó biểu trưng cho sức mạnh quân sự cho nên lái nó, người chơi cảm thấy mình mạnh mẽ, uy lực hơn” – anh Thịnh cho biết.

Cũng như mọi thú chơi khác, càng bị “cấm” người ta lại càng thích chơi. Thậm chí họ bỏ cả làm, nói dối vợ con hì hục cả ngày bên chiếc xe chẳng giống ai cả. Còn nhớ anh Việt lần đầu tiên chơi xe bị vợ phản đối kịch liệt. Nào là vì cái xe trông khác người, nào là suốt ngày lọ mọ với đống đồng nát, sắt vụn lấm lem dầu mỡ… Nhưng bây giờ có vẻ như chị cũng bị cảm hóa bởi đam mê của chồng. Bằng chứng là thấy chồng mải sửa xe suốt từ sáng tới tối, bỏ cả bữa trưa chị đã mang cơm hộp đến tận nơi cho anh.

“Bất cứ người phụ nữ nào cũng không thích chồng quan tâm và đam mê với  những gì ngoài phạm trù gia đình”. Nhưng rồi cũng chính chị cùng các bà vợ lại trở thành người tổ chức, sắp xếp các chuyến đi chơi xa cho CLB, “đầu óc tổ chức của phụ nữ tốt hơn. Còn lái xe là sở trường của cánh đàn ông rồi. Hơn nữa, các bà vợ được đi theo chồng sẽ rất tốt để đồng cảm và chia sẻ. Mà muốn đồng cảm thì phải đồng hành cùng nhau”, chị Lệ Thu, vợ anh Việt nói.

Anh Thắng hóm hỉnh: “cái tội ham chơi xe của các ông chồng nhiều khi cũng rất đáng yêu và lành mạnh nên các bà vợ cũng dễ thông cảm. Mỗi lần đi phượt về, vợ chồng nhìn nhau lại thấy yêu hơn. Thậm chí có cậu sau khi đi show về còn lấy được vợ”.

Mỗi lần đưa đón con đi học bằng chiếc sidecar với anh Việt còn là niềm vui rất “đàn ông”. Bởi cậu bé mỗi lần ngồi trên xe là một lần tự hào với bạn bè về bố và chiếc xe cực ngầu. “Bọn trẻ thường nói với con trai tôi, cậu sướng thế, được đi bằng xe ba bánh. Bố tớ chẳng có… Những lúc ấy con trai tôi sung sướng ra mặt và với tôi, chỉ cần như thế đã đủ vui cho cả tháng”, anh cười phá lên.

Trong CLB còn có một cô gái sinh năm 1987, Lê Nhật Nga làm nghề PR cũng đang thi lấy bằng A3. Không biết gì về xe ba bánh, cũng không biết lái nhưng Nhật Nga dám bỏ ra mấy chục triệu để mua nó về chỉ vì… quá thích. Anh Thịnh lý giải: “Sidecar có một ma lực rất lớn. Những người chơi như Nga chẳng hạn, muốn tham gia và sử dụng nó không thể hiện một điều gì đâu nhưng họ thích một cái xe khó sử dụng và khi sử dụng được thì họ cảm thấy vui. Đơn giản thế thôi. Vả lại, sidecar chiếm được cảm tình của nhiều người vì nó gợi nhớ những năm bao cấp khi sidecar gắn với hình ảnh quân bưu chở báo chí, công văn… Và chiếc xe này thể hiện đặc trưng của đất nước đang sở hữu nó - đất nước đã từng có chiến tranh”.

Anh Thịnh còn cho biết, ở nhiều nước khác như Thái Lan, Hà Lan, Australia… thanh niên cũng rất thích chơi loại xe này. Các chủ trang trại ở Úc thường dùng nó để đi quanh trang trại. Họ thường nhập loại xe này từ Việt nam hoặc một số nước Đông Âu.

Không có quá nhiều người thích và đủ đam mê với những chiếc xe ba bánh này. Nhưng, những người đã chơi và tham gia sinh hoạt trong CLB mô tô bánh Hà Nội rồi thì đều chơi một cách có tổ chức quy củ. Chẳng hạn CLB quy định, nếu thành viên nào trong CLB tham gia giao thông bằng xe ba bánh và phạm luật bị CAGT gọi về liên đoàn thì thành viên đó sẽ bị kỷ luật. Mỗi thành viên đều có thẻ vận động viên mô tô ba bánh thể thao. CLB cũng tham gia tích cực trong các hoạt động từ thiện, diễu hành trong đại hội xanh sạch đẹp, tham gia làm bảo vệ đoàn trong các giải đua xe đạp, làm công tác hậu cần…

Bên cạnh đó những chuyến phượt xa (Hà Giang, Lũng Cú, Lạng Sơn…) hay phượt gần (Tam Đảo, Ba Vì…) đều làm cho những chiếc xe “ngô nghê” theo cách nói của anh Thắng càng trở nên gắn bó với thân chủ của nó hơn. Ai bảo, chơi những chiếc xe cũ kỹ này là rỗi hơi khi mà đối với họ, nó như một thứ gia vị cần nêm vào để cuộc sống đáng sống hơn, hấp dẫn, đáng yêu và ngọt ngào hơn.

Hà Trang

Bình luận
vtcnews.vn