Những đại gia dính vòng lao lý

Kinh tếThứ Tư, 08/06/2011 03:22:00 +07:00

Đang từ một trong những vị trí cao nhất của doanh nghiệp nhưng nhiều vị giám đốc lại sẵn sàng xuất chiêu kiếm lời bất chính và dính vòng lao lý.

Đang từ một trong những vị trí cao nhất của doanh nghiệp nhưng ngày càng có nhiều vị giám đốc lại sẵn sàng xuất chiêu kiếm lời bất chính. Hậu quả cho những giám đốc “dởm” này là phải “bóc lịch” trong nhà giam.

Thời gian gần đây, rất nhiều giám đốc doanh nghiệp bị “bóc mẽ” vì nhiều hành vi phạm pháp. Mới đây nhất là Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và quản lý bất động sản UDIC Trương Chiến Bình đã bị bắt giam để điều tra về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.


Tổng giám đốc UDIC, Trương Chiến Bình ký nhận vào cuốn sổ cảnh sát thu để phục vụ công tác điều tra. Ảnh: VnExpress.

Theo điều tra ban đầu, cuối tháng 5, một người ở Hà Nam được giới thiệu mua một căn hộ. Sau khi đến sàn giao dịch của UDIC, người này đến gặp Nguyễn Trần Linh và Đặng Quang Huy. Giá ghi trong hợp đồng là 135 triệu mỗi m2 nhưng hai vị cán bộ này "ra giá" 187 triệu. Sáng 3/6, vị khách này mang gần 4,4 tỷ đồng đến nộp thì bị cảnh sát bắt quả tang. Theo lời khai ban đầu, việc đưa ra mức giá bán nhà thực tế cao hơn so với giá ghi trong hợp đồng là theo chỉ đạo của Tổng giám đốc Trương Chiến Bình.

Lợi dụng chức vụ để thực hiện hành vi phi pháp đang là “chiêu bài” của nhiều giám đốc “dởm. Mới đây, nguyên giám đốc ngân hàng Agribank chi nhánh 3, Đới Sỹ Thủy đã bị Công an TP HCM bắt giữ. Theo kết luận ban đầu thì dù biết hồ sơ không đủ điều kiện, nhưng vị giám đốc này vẫn ký duyệt để cho vay, gây thất thoát hàng chục tỷ đồng của Nhà nước.

Ông Thủy là người đã ký duyệt 2 hợp đồng tín dụng của Công ty TNHH DV Xuân Lan và Công ty TNHH TM-DV Trọng Bằng, vay hàng chục tỷ đồng bằng tài sản thế chấp căn nhà trên đường Nguyễn Sơn (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú). Các công ty này không có khả năng trả nợ và khi giám định, toàn bộ hồ sơ căn nhà trên đều là giả nên đã gây thất thoát tiền của Nhà nước.

Trong khi đó, không ít vị giám đốc thì sẵn sàng dấn thân vào con đường tội lỗi và tìm mọi thủ đoạn để che đậy “chân tướng”. Dư luận gần đây “giật mình” vì hành vi đồi bại là cưỡng hiếp nhân viên thực tập của ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty CP Du lịch - Truyền thông - Sự kiện Đất Thủ (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương). Vị giám đốc này bị một nữ nhân viên thực tập tại công ty tố cáo đã có cưỡng hiếp chị trong thời gian cô gái này thực tập tại công ty. 

Còn giám đốc một công ty chuyên phá dỡ nhà cũ và vận chuyển vật liệu xây dựng tại Hải Phòng là Đàm Văn Phú (29 tuổi) đã ngang nhiên làm dấu giả của một loạt cơ quan, cá nhân có chức năng như Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, UBND phường Đồng Hòa và con dấu tên của chủ tịch phường. Cảnh sát cho biết còn thu thêm nhiều tờ giấy Phú tập giả chữ ký của chủ tịch phường nhằm trục lợi.

Giám đốc 'hờ' Trần Thị Thêm tại cơ quan điều tra. Ảnh: VietNamNet.
Nguy hiểm hơn, có giám đốc còn “kinh doanh” cả ma túy. Ngày 20/2, Công an quận Đống Đa, Hà Nội cho biết đang tạm giữ hình sự Trần Thị Thêm (SN 1964, trú tại ngõ 118 Nguyễn Khiết, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để điều tra làm rõ hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”. Trước đó, khoảng 16h ngày 17/2, Thêm bị bắt quả tang mang theo túi xách bên trong có 4 túi nilon đựng các cục heroin. Kết quả giám định cho thấy, số heroin trên có trọng lượng 7,294 gam. 
Tại cơ quan công an, Thêm khai nhận đã mua số ma túy trên của một người phụ nữ không biết tên tuổi địa chỉ ở Phúc Tân (Hoàn Kiếm) và đang trên đường mang đi tiêu thụ thì bị lực lượng công an bắt giữ. Theo lời khai của Thêm, năm 2002, Thêm nhận lời làm giám đốc cho một công ty xuất khẩu lao động. Thời gian đó, công việc hàng ngày của Thêm là ký tá những thứ giấy tờ mà người ta đưa cho và cuối tháng nhận lương. 
Làm giám đốc như vậy được gần ba năm, công ty bị lực lượng chức năng “sờ gáy”, lúc đó Thêm mới ngã ngửa ra mình đã bị “lừa”. Công ty Thêm làm giám đốc thực chất mở ra chỉ để buôn bán hóa đơn đỏ. Người chủ thuê cô ta làm giám đốc sau đó đã “cao chạy xa bay”.
Sau khi bị bắt, Thêm bị tòa xử phạt 24 tháng tù treo. Thi hành án xong, Thêm lại lao vào con đường buôn bán ma túy.
Trong khi đó, nhiều vị giám đốc bị vào tù vì “trót xù nợ” . Ông Nguyễn Hữu Quang, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) huyện Lấp Vò đã bị bắt hôm 29/5 trong khi đang nợ 40 - 50 tỷ đồng lại... bỏ trốn. Tại cơ quan điều tra, ông Quang cũng thừa nhận đã làm sai quy trình cho vay vốn, huy động vốn, gây thiệt hại nặng nề cho chi nhánh MHB Lấp Vò. 
Những vụ vi phạm ngày càng gia tăng là hồi chuông cảnh báo về sự tha hóa đạo đức một số cá nhân trong “giới lãnh đạo” doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, để “triệt tận gốc” vấn nạn này, rất cần đến một nhân tố quan trọng đó là sự đồng lòng của cả tập thể CBCNV trong doanh nghiệp nhằm “vạch mặt, chỉ tên” và đưa những vị giám đốc “tài ít, tật nhiều” ra ánh sáng công lý.
Theo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn