Những đại biểu Quốc hội từng bị bãi nhiệm

Thời sựThứ Bảy, 26/05/2012 01:30:00 +07:00

(VTC News)– Trước bà Hoàng Yến đã có hai ông Mạc Kim Tôn, Lê Minh Hoàng bị Quốc hội bãi nhiệm vì nhiều lý do khác nhau.

(VTC News ) – Trước Quốc hội, bà Hoàng Yến nói những lời sau cùng, tuy nhiên, ông Mạc Kim Tôn, Lê Minh Hoàng thì không có cơ hội vì họ đã bị bắt trước đó.
Ông Mạc Kim Tôn (Ảnh VNE) 
Từ việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với và Đặng Thị Hoàng Yến sáng nay (26/5), nhìn lại những khóa Quốc hội trước đây, một số ĐB như Mạc Kim Tôn (Thái Bình) và Lê Minh Hoàng (TP HCM) đều đã bị Quốc hội bỏ phiếu và tán thành bãi nhiệm tư cách ĐBQH.

Tuy nhiên, ông Mạc Kim Tôn và ông Lê Minh Hoàng đều không phát biểu trước khi bị bỏ phiếu bãi nhiệm, vì khi Quốc hội tiến hành bãi nhiệm, các ông này đã bị bắt giữ.

Cùng với đó, lý do bãi nhiệm của cả 3 trường hợp bị bãi nhiệm này cũng khác nhau.

Trường hợp ông Mạc Kim Tôn - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình, ngày 29/11/2006, hơn 83% ĐBQH đã đồng ý bãi nhiệm tư cách ĐBQH khóa XI với ông Mạc Kim Tôn do ông này lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây bất bình trong dư luận, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Trước khi Quốc hội tiến hành bỏ phiếu bãi nhiệm ông Tôn, ngày 21/10/2006 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình đã họp phiên bất thường, đề nghị xem xét tư cách ĐBQH đối với ông Tôn. Tại buổi họp bất thường này, 100% thành viên hội nghị đã tán thành đề nghị Quốc hội khóa XI bãi nhiệm ông Mạc Kim Tôn.
Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến
 
>> Toàn cảnh quá trình bà Đặng Thị Hoàng Yến bị bãi nhiệm ĐBQH
Tuy nhiên, trước khi diễn ra buổi họp bất thường này, ngày 21/7/2006 ông Mạc Kim Tôn đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam khám xét nơi ở và làm việc về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 281 Bộ luật hình sự.

Ông Tôn cũng từng thừa nhận khuyết điểm, hối hận vì đã làm ảnh hưởng đến Quốc hội và mong muốn được chấp nhận cho thôi làm đại biểu.

Theo điều tra của Công an tỉnh Thái Bình, dưới sự "bảo hộ" của ông Mạc Kim Tôn, Trần Thị Ánh (tức Hà) đã lừa mua của 3 công ty gần 390 máy tính để bàn, hơn 30 máy tính xách tay, 25 máy chiếu đa năng và 7 thiết bị khác, với tổng số tiền phải thanh toán hơn 4,2 tỷ đồng.


Ông Tôn đã trực tiếp nhận gần 100 triệu đồng "tiền biếu" của 11 trường được lắp máy tính, 10 món quà biếu của Ánh trị giá hơn 60 triệu đồng.

Còn trường hợp ông Lê Minh Hoàng - nguyên Giám đốc Công ty điện lực TP.HCM, ngày 29/11/2005, Quốc hội khóa XI đã tiến hành bỏ phiếu bãi nhiệm và 71,86% ĐBQH đã thống nhất bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với ông Lê Minh Hoàng do có sai phạm trong vụ điện kế điện tử.
Ông Lê Minh Hoàng trước tòa 


Theo kết quả điều tra của Bộ Công an về những sai phạm của Công ty điện lực TPHCM và ông Lê Minh Hoàng thì trong quá trình tổ chức đấu thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng mua 312.000 công tơ điện tử của Công ty Linkton Singapore, Công ty Điện lực TPHCM đã vi phạm nghiêm trọng các quy chế đấu thầu do Chính phủ ban hành. Sai phạm của ông Lê Minh Hoàng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân.

Ông Hoàng cũng bị cơ quan chức năng bắt giữ ngày 3/10/2005 do những sai phạm của mình. UBMTTQVN - TP. HCM đã 3 lần mời ông Hoàng đến, hy vọng “với lòng tự trọng của mình và trước những sai sót đã gây ra mà tự nguyện xin từ nhiệm tư cách ĐBQH” nhưng cả 3 lần ông Hoàng đều từ chối.

Trước khi Quốc hội tiến hành bỏ phiếu bãi nhiệm ông Hoàng, sáng 7/10/2005, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM đã tổ chức bỏ phiếu đề nghị bãi nhiệm tư cách ĐB của ông Hoàng với 89/90 ý kiến đồng ý bãi nhiệm tư cách ĐBQH khoá XI của ông Lê Minh Hoàng.

Toàn cảnh ông Mạc Kim Tôn, Lê Minh Hoàng bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội:





















Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn