Những chuyện vui về "Quả táo" và "bố già" Steve Jobs

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 12/05/2011 03:33:00 +07:00

Hiếm có doanh nhân nào lại nhận được nhiều quan tâm và săn đón như "thuyền trưởng" của Apple, Steve Jobs, người được ví như một “siêu sao điện ảnh”.

Hiếm có doanh nhân nào lại nhận được nhiều quan tâm và săn đón từ công chúng như "thuyền trưởng" của Apple, Steve Jobs, nhân vật - nếu không ngoa - có thể được ví như một “siêu sao điện ảnh” của giới công nghệ.

Một phóng viên của tạp chí Fortune bật mí cho độc giả vài mẩu chuyện vui “đằng sau cánh gà” của Apple và vị giám đốc điều hành đầy cá tính. Blog quanh ta xin trích lược để bạn đọc có thêm góc nhìn thú vị về "ngài Quả táo" này.

Steve Jobs và thương hiệu Apple có sức hút chẳng khác gì giới showbiz - Ảnh minh họa: Internet

Trước hết bạn đọc cần quay về thời điểm năm 2008, khi đó Apple mới ra mắt chiếc iPhone 3G cùng dịch vụ MobileMe. Cần nhắc lại một chút về MobileMe, đây là phiên bản được “đổi tên” của dịch vụ Mac cùng bộ công cụ iTools - được quảng cáo rất kêu rằng sẽ “mang lại kết nối mạng liên tục để kiểm tra thư và bộ lịch, cùng với tính năng đồng bộ hóa dữ liệu giữa iPhones và iPod Touch”...

Tuy nhiên, sau khi ra mắt, mọi thứ lại không suôn sẻ chút nào: người dùng hết phàn nàn về chuyện thời gian tải nội dung lâu lê thê đến việc máy chủ thường xuyên dở chứng, đến nỗi báo chí thời bấy giờ phải liên tiếp “ném đá tập thể” Apple rằng không biết liệu MobileMe đã được kiểm tra cẩn thận trước khi tung ra thị trường hay chưa, vì đây có phải phần mềm miễn phí gì cho cam!

Steve Jobs thuyết trình về MobileMe - Ảnh minh họa: Gizmodo

Cây bút Adam Lashinsky kể Steve Jobs sau đó đã triệu tập cuộc họp khẩn với toàn bộ nhóm phát triển MobileMe tại Town Hall, vị “bố già” bước vào phòng họp trong bộ trang phục “thương hiệu” (áo thun đen + quần jean xanh) của mình và hỏi một câu đơn giản chết người: “Ai đó làm ơn cho tôi biết MobileMe được làm ra với mục đích gì?”. Khi nhận được câu trả lời ưng ý, ông tiếp tục: “Thế tại sao nó được làm như thế?”. Ba mươi phút đau khổ nữa trôi qua trong tiếng mắng mỏ Jobs dành cho các nhân viên của mình: “Các người đã sỉ nhục danh tiếng của Apple”. Cuối cùng, buổi họp kết thúc sau khi Jobs đích thân chỉ định vài vị trí chỉ huy mới cho bộ phận phụ trách MobileMe.

MobileMe tiếp tục cải tiến nhiều lần nữa trong những năm sau đó, hiện nó sẽ ra mắt cùng hệ điều hành iOS 5 với tên mới “iCloud”.

Ở một phương diện khác, Jobs cũng hi vọng đặt gánh nặng về tên tuổi và thành công của Apple lên đôi vai của từng nhân viên trong công ty, nói chung đây cũng là thứ triết lý ông luôn dùng để xây dựng công ty. Đến nỗi trong nội bộ Apple còn tồn tại hẳn một cụm từ viết tắt để ai cũng biết trách nhiệm của mỗi người là gì: DRI (Directly Responsible Individual - tạm dịch: Cá nhân nhận trách nhiệm trực tiếp). Sau đây là câu chuyện “ngụ ngôn” về sự khác nhau giữa một người giúp việc nhà và một phó giám đốc (Vice President), được Jobs kể thường xuyên cho những vị phó mới được bổ nhiệm:

“Mỗi khi thùng rác trong phòng làm việc của tôi (Jobs) đầy ngộn mà không được đổ, tôi liền hỏi người giúp việc và anh ta phải cho tôi một câu trả lời thỏa đáng. Tóm lại, người giúp việc phải có lý do cho mọi thứ anh ta làm/ không làm. Còn sếp thì được miễn. Khi bạn là người giúp việc, lý do là rất quan trọng. Nhưng ở một vị trí nào đó giữa người giúp việc và một giám đốc điều hành (CEO), lý do bỗng trở nên không còn cần thiết và đó chính là vị trí của một phó giám đốc”.

Trong bài viết của mình, kết quả của hàng trăm cuộc trò chuyện và phỏng vấn với những cựu nhân viên Apple và những nhân vật quen thuộc với văn hóa của Apple, Lashinsky miêu tả sự sáng tạo tràn ngập khắp công ty:

“Sự sáng tạo được thể hiện ở chỗ dù bạn là ai, hay làm công việc nào, ở vị trí nào, hãy luôn sẵn sàng để trình lên Steve Jobs những bài thuyết trình khi được yêu cầu. Ông ta là một tên bạo chúa nắm trong tay mọi quyết định điều hành công ty, từ thiết kế bên ngoài của những chiếc xe buýt chuyên chở nhân viên đi ra/ vào San Francisco, cho đến loại đồ ăn nước uống nào được bán tại quầy cà phê".

Steve Jobs cùng cộng sự trong phòng làm việc tại Apple - Ảnh minh họa: Internet

Sau đây là vài mẩu chuyện nhỏ khác về Apple:

• Chỉ có hai người làm công việc chuyển mã trình duyệt Safari để dùng trên iPad.

• Khi một dự án gần hoàn tất, Apple làm mọi thứ cần thiết để hoàn-hảo-hóa nó. Chẳng hạn họ mời dàn nhạc giao hưởng London thu âm nhạc nền cho bộ phim iMovie; hay gửi một đội quay phim đến đảo Hawaii để quay một video thử nghiệm cho một đám cưới giả được thực hiện tại San Francisco trong cùng lúc đó, với khách khứa được sắm vai bởi toàn… nhân viên Apple.

• Trưởng phụ trách cửa hàng trực tuyến Apple không được phép quyết định mặt nội dung hình ảnh xuất hiện trên trang web, đó là việc của phòng nghệ thuật đồ họa trong công ty.

• Trưởng khoa quản trị Trường đại học Yale, ông Joel Podolny được mời làm hiệu trưởng “đại học Apple”, một nhóm nội bộ gồm toàn những “tay to” có chuyên môn về quản trị kinh doanh đến từ nhiều nơi, kể cả Harvard, được tập hợp để soạn thảo một loạt nghiên cứu mẫu để chuẩn bị tinh thần cho nhân viên của công ty cho một Apple-không-có-Jobs sau này.

(Theo Nhịp sống số)


Bình luận
vtcnews.vn