Những chuyến ra khơi “tìm lộc” đầu năm

Kinh tếThứ Hai, 07/02/2011 07:10:00 +07:00

Hôm qua, mồng 4 Tết Tân Mão, ngư dân vùng ven biển Thanh Hóa tấp nập làm lễ “Thấm”, chuẩn bị và tổ chức những chuyến ra khơi “tìm lộc” đầu năm...

Hôm qua, mồng 4 Tết Tân Mão, ngư dân vùng ven biển Thanh Hóa tấp nập làm lễ “Thấm”, chuẩn bị và tổ chức những chuyến ra khơi “tìm lộc” đầu năm. Từ năm 2008 trở lại đây, khi cả nước triển khai thực hiện Chiến lược Biển, với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ giúp ngư dân hướng tới làm giàu bền vững, vươn ra khai thác khơi xa đã làm cho tính chất lễ “Thấm” có nhiều đổi mới, tạo thêm khí thế cho chuyến đi biển đầu năm.

Một góc bãi biển Ngư Lộc sáng mồng 4 Tết. 

Sôi động trên bến, dưới thuyền

Tết này, chúng tôi về dự lễ “Thấm” cùng ngư dân xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Đây là làng chài nghìn năm tuổi, được hình thành từ thời Tiền Lê với những lễ hội văn hóa đặc sắc mà điển hình là lễ hội Cầu Ngư vừa được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ “Thấm” gắn liền với buổi xuất quân ra khơi tìm “lộc” đầu năm là tục lệ đã có từ lâu đời của ngư dân Thanh Hóa. Không khí khẩn trương chuẩn bị cho chuyến đi biển khiến Ngư Lộc trở nên nhộn nhịp hơn cả ngày Tết. Từng cặp vợ chồng ngư dân, người gánh dầu, kẻ đẩy xe chở đá lạnh (dùng để ướp cá) cùng những vật dụng, nhu yếu phẩm hối hả hướng ra phía biển. Hàng trăm tàu cá đồng loạt căng cờ Tổ quốc và nổ máy "lấy giờ", làm bãi biển càng trở nên huyên náo, rộn ràng.

Ông Nguyễn Cảnh Thụ, 68 tuổi, người có kinh nghiệm hơn 50 năm đi biển ở Diêm Phố cho biết: “Lễ “Thấm” là lệ tục những người đi biển kính cáo trời đất những mong mưa thuận, gió hòa để các chuyến đi biển trong năm được an lành. Trong lễ, không thể thiếu được các loại lễ phẩm là mâm cỗ mặn xôi, oản, thịt lợn, thịt gà, thịt vịt... Theo quan niệm của ngư dân ở đây, con gà là loài vật thể hiện sức mạnh, nhạy cảm; còn con vịt thì chuyên mò cua, bắt cá, để kiếm sống, rất gần với nghề đánh bắt của ngư dân. Ngoài ra, lễ vật còn có hoa quả, trầu, rượu, vàng hương...".

Trò chuyện với chị Hoàng Thị Hoa, vợ anh Nguyễn Văn Sỹ, chúng tôi được biết, trước đây, làm lễ “Thấm” xong là các con tàu nổ máy chạy thẳng ra khơi đánh bắt mẻ cá đầu tiên. Mấy năm gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước, hàng trăm hộ đã mua sắm tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến đi có khi dài đến hai tháng nên tính chất lễ “Thấm” cũng khác. Trước Tết, tàu của gia đình chị gặp khu vực có nhiều cá nên anh Sỹ quyết định ăn Tết trên biển nhằm khai thác tối đa “lộc biển” đầu năm. Vì thế, hôm nay chị Hoa phải “mượn” một chiếc thuyền nhỏ nổ máy tham gia lễ "Thấm". Dịp Tết, tuy vắng chồng nhưng cả nhà chị Hoa rất vui vì chắc chắn chuyến này, “lương” của chồng chị sẽ được hơn chục triệu đồng.
 
Hạnh phúc với phần "lộc" được chia trong mẻ lưới đầu năm . 

Khác với các tàu đánh bắt xa bờ, các loại tàu nhỏ, chủ yếu đánh bắt hải sản trong phạm vi từ 10 hải lý trở vào đã đồng loạt ra khơi trong ngày mồng 4 Tết. Nhiều thuyền đi từ sớm và chiều về đã có ngay sản phẩm đầu xuân. Trên bãi biển Ngư Lộc, Hòa Lộc, Minh Lộc... chan hòa ánh nắng đầu xuân, chúng tôi được chứng kiến những gia đình ngư dân ăm ắp niềm vui vì chuyến đi biển đầu năm thắng lợi. Các loại tôm cá như: Cá trích, cá lụ, cá mác… được ngư dân đem vào từ biển như một món quà xuân khiến ai nấy đều phấn khởi. Ông Hoàng Văn Mấy ở thôn Thắng Tây, hồ hởi: “Mấy ngày Tết, nhà nào cũng dư thịt, dư mỡ. Thuyền của tôi chỉ kiếm được vài chục cân cá nhỏ nhưng tươi roi rói thế này, bán rất được giá. Mấy năm gần đây, đây là lần ra khơi đầu năm tôi có thu nhập cao nhất. Hy vọng là cả năm làm ăn sẽ thuận lợi”.

Để ngư dân “căng buồm với gió khơi”

Ông Nguyễn Hồng Dương, Bí thư Đảng ủy xã Ngư Lộc cho biết: Mấy năm trước, khi nghề cá đi xuống, nhiều tàu cá mất an toàn hoặc đánh bắt thua lỗ, hàng chục tàu cá chỉ làm lễ “Thấm” qua loa. Không khí bãi biển ngày mồng 4 Tết không đông vui, tấp nập như bây giờ. Vài ba năm trở lại đây, các lễ phẩm trong lệ tục lễ “Thấm” đã đủ đầy hơn trước. Bãi biển trong ngày diễn ra lễ “Thấm” bao giờ cũng sầm uất với sự tham dự của hàng nghìn người.

Hiện tại, Ngư Lộc có khoảng 200 phương tiện với công suất lớn có thể đánh bắt xa bờ. Nghề khơi từ lâu đã giúp nhiều gia đình có cuộc sống khấm khá, nhiều người đã vươn lên làm giàu. Điển hình trong năm, có tàu của các hộ như Nguyễn Văn Hoàn (thôn Bắc Thọ), Nguyễn Văn Xuyên (thôn Thắng Phúc), Tô Văn Phong (thôn Bắc) thường xuyên trúng lớn, trả “lương” cho ngư dân khoảng 50 triệu đồng/người/năm. Với thu nhập đó đã cải thiện đáng kể đời sống người dân trong xóm. Bên cạnh đó, địa phương đã du nhập các phương pháp khai thác mới như giã cao tốc, giã 4 ganh... cùng với phát triển hệ thống dịch vụ nghề cá như chế biến mắm, tôm khô xuất khẩu, chả cá, cá khô... tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.

Sáng mồng 4 Tết, các tàu cá ở Ngư Lộc đồng loạt căng cờ Tổ quốc, chuẩn bị ra khơi. 

Theo tài liệu điều tra của ngành chức năng cho thấy, vùng biển Thanh Hóa có trữ lượng khoảng 100 đến 120 nghìn tấn hải sản, trong đó cá nổi khoảng từ 50 đến 60 nghìn tấn, cá đáy khoảng từ 40 đến 50 nghìn tấn và các loại hải sản khác như tôm, mực... Trong chương trình mục tiêu nhằm từng bước thực hiện Chiến lược Biển, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2015, sản lượng hải sản khai thác đạt hơn 76.000 tấn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thanh Hóa thì từ khi có Chiến lược Biển đến nay, nghề cá ở Thanh Hóa vẫn phát triển ở quy mô nhỏ, phục vụ khai thác, đánh bắt chủ yếu là các tàu cá công suất nhỏ, ít tàu có công suất lớn (các tàu đánh cá công suất nhỏ hơn 90 CV hiện chiếm khoảng hơn 90% tàu cá toàn tỉnh). Do tàu, thuyền nhỏ nên ngư trường hoạt động không được mở rộng mà các tàu, thuyền khai thác hải sản chủ yếu hoạt động ở vùng ven bờ và vùng lộng, hiệu quả hoạt động của các tàu không cao, đồng thời làm giảm đáng kể nguồn lợi hải sản ven bờ.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: Sự hỗ trợ của Nhà nước kể từ khi có Chiến lược Biển đối với ngư dân là rất lớn. Có thể kể đến các chính sách như miễn đóng thuế, hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu, hỗ trợ tiền dầu... đã kịp thời động viên, khích lệ ngư dân yên tâm hoạt động sản xuất khai thác nghề biển, vơi bớt đi phần nào những khó khăn do rủi ro, thiên tai gây ra. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững, nhất là mở rộng ngư trường, vươn ra khơi xa thì chính sách hỗ trợ vốn của Nhà nước cần có bước đột phá. Ví dụ, chính quyền địa phương dù rất cố gắng thì mỗi hộ ngư dân cũng chỉ có thể vay tối đa khoảng 100 triệu đồng, trong khi nhu cầu vốn đóng một con tàu có công suất 90 CV trở lên là hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Triệu ở Hòa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) bày tỏ: “Hiện nay, khi đi đánh bắt cá trên vùng biển chung, các tàu cá của ngư dân Việt Nam không thể cạnh tranh được với tàu cá của nước ngoài. Tàu của họ vừa lớn, lại có vận tốc cao, thường lên tới 10 hải lý/giờ, đi đến đâu làm dạt tàu ta đến đấy để kéo giã. Trong khi đó, vận tốc tàu ta chỉ đạt 7-8 hải lý/giờ. Bởi vậy, họ quét một vòng là hầu như vét cạn cá của khu vực biển chung. Tàu của ta không tránh họ thì rủi ro còn có thể xảy ra. Tuy nhiên, tôi cũng xin khẳng định là dù còn nhiều hạn chế nhưng nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà gia đình tôi yên tâm mua đôi tàu có tổng công suất 700 CV làm nghề khai thác giã đáy. Năm 2010, mỗi chuyến ra khơi, cao nhất gia đình tôi thu được 360 triệu đồng tiền lãi, chuyến ít cũng được 150 triệu, tổng cả năm lãi gần 2 tỷ đồng. Việc sắm tàu có công suất cao, trang, thiết bị hiện đại có ý nghĩa quyết định đối với nghề đánh bắt xa bờ. Tôi mong Đảng, Nhà nước tiếp tục có thêm những quyết sách quyết liệt, hợp lý hơn nữa để ngư dân yên tâm bám biển làm ăn lớn; góp phần làm cho đất nước “giàu lên từ biển” và lễ hội ra khơi của người dân năm nào cũng tấp nập, vui vẻ như năm nay”.

Theo Quân đội Nhân dân

Bình luận
vtcnews.vn