Những chuyện kỳ lạ, chết chóc đau thương ở hang Dơi

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 04/01/2013 02:58:00 +07:00

Hang Dơi ở xứ Lạng tồn tại trong đó bao câu chuyện đau thương, chết chóc kỳ lạ về những con người đi bắt dơi, nhạn, tranh giành đấu phân mà bỏ mạng.

Được xem là nơi nhiều dơi nhất miền Bắc, hang Dơi ở xứ Lạng tồn tại trong đó bao câu chuyện đau thương, chết chóc kỳ lạ về những con người đi bắt dơi, nhạn, tranh giành đấu phân mà bỏ mạng.


Từng được xem là một trong những hang động tự nhiên đẹp nhất xứ Lạng, hang Dơi (thôn Đồng Sinh, xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) trở thành địa điểm bí mật cất giữ vũ khí của quân đội ta trong kháng chiến chống Mỹ.

Những đàn dơi bay về đây chính là điềm lành cho dân làng có cuộc sống no ấm. Nhưng cũng chính từ hang Dơi này còn bao câu chuyện đau thương, chết chóc kỳ lạ về những con người đi bắt dơi, nhạn, tranh giành đấu phân mà bỏ mạng.

Đường đến hang Dơi

Đường vào hang Dơi vô cùng gian nan. Từ thị trấn Mẹt, chúng tôi men theo con đường 20km uốn lượn đèo dốc, một bên núi đá vôi dựng đứng, một bên dòng sông Trung chảy xiết. Vượt tiếp đèo Thạp, vòng vèo qua những đoạn đường đất đỏ loang lổ, chúng tôi cũng thấy được hang Dơi.

Nhưng để lên được hang, chúng tôi phải đợi đi cùng bà Hà Thị Mơ, dân tộc Nùng, hay lên khu rừng gần hang Dơi chặt củi, hái thuốc. Lại vượt hơn 1km đi bộ, chúng tôi đến gần cửa hang thì mùi hôi thối kinh khủng sực vào mũi, phải mang khẩu trang tẩm nước hoa để át mùi dơi và phân của chúng. Bà Mơ cười: “Ai ở dưới xuôi lên cũng khó chịu vì mùi này”.

Lòng hang Dơi hiện nay rộng hơn 1ha, với vách đá dựng đứng. Trên vách đá vẫn còn những cây mai của người đi leo hang để lại (chỗ khoanh trắng). 
Hang Dơi có 2 cửa, gồm một cửa tự nhiên hình bán nguyệt, và một cửa rộng hơn do con người phá, ô tô tải cỡ lớn vào được. Cửa tự nhiên không thể vào được nếu không có dụng cụ leo núi hoặc thang, còn cửa rộng thì đã bị khóa bằng cổng tre căng dây thép gai. Đứng ở đó nhìn vào hang Dơi thấy một khoảng không tối om đến rợn người.

Bà Mơ cho biết: “Hôm nay cai hang không lên, phải có chìa khóa mới vào được, chứ trèo vào nguy hiểm lắm. Các cậu muốn biết về hang thì tìm hỏi ông Ban Văn Giới ở dưới xóm”.

Chúng tôi đành quay nhanh trở lại. Trong căn nhà trình tường bằng đất đơn sơ của người vùng núi, ông Giới tiếp chúng tôi cùng vò rượu cao trăn mới nấu nóng hổi, uống nặng đến khé cổ. Ông lão cho biết:
“Tôi năm nay 70 tuổi, quê gốc Lục Ngạn, Bắc Giang, nhưng sống ở đây từ hồi 4 tuổi. Từ đó tôi biết đến đến hang Dơi. Ngày trước, mỗi khi ông bà, bố mẹ đi lên hang Dơi, tôi lại cố xin để được đi theo. Nó đẹp kỳ diệu và cũng rất bí hiểm”.

Ông Giới kể trong hang từ nền đến nóc chỗ cao nhất đến 150m với nhiều khu khác nhau. Trong hang có ao sen, có sân vua, nhũ đá có dạng đèn vàng, nến bạc… rồi còn có ruộng bậc thang, khối đá hình voi, hổ, lợn... Hang Dơi còn có khu sườn bò, hang ngầm hay còn gọi là đường xuống âm. Nhưng ông Giới bảo giờ đây hang chỉ có 1/3 của tự nhiên còn 2/3 bị con người phá rồi.

Ông Giới nhớ lại: “Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc, khoảng năm 1967-1968 hang Dơi được Bộ Quốc phòng biến thành nơi cất giữ vũ khí. Không người dân nào được bén mảng tới đấy nữa”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, kho KV1 (xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng) cách Đồng Sinh chỉ vài ký lô mét. Đấy chính là kho vũ khí, thuốc nổ của Cục Quân khí. Nhưng có lúc vì lý do an toàn nên Bộ Quốc phòng chọn hang Dơi có địa thế hiểm trở, heo hút để giấu vũ khí, thuốc nổ. Sau khi đất nước thống nhất, kho vũ khí ở hang Dơi chuyển về kho KV1 như cũ.
Cửa hang Dơi đã bị đóng bằng một chiếc cổng tre căng thép gai 
Kể về quãng thời gian hang Dơi bị phá để làm kho cất vũ khí, anh Hoàn, bán thịt, nay đã 47 tuổi, cho biết: “Ngày bé tôi và bạn hay mò lên đó chơi, khi kho vũ khí chuyển đi, chúng tôi vào nhặt những dây mìn rơi lại về tết lại làm dây đu, không biết có nguy hiểm gì không”.

Chiến tranh đã qua, vẻ đẹp tự nhiên của hang Dơi không còn nữa. Vào hang Dơi bây giờ, ta sẽ thấy một khoảng đất trống rộng đến 1ha giữa lòng hang, xung quanh có tường bao, cống thoát nước. Thậm chí bên cạnh khoảng sân này còn có một cái bể nước với xác dơi chết nổi lềnh bềnh.
Để có tiền sống, nhiều phụ nữ Đồng Sinh đã treo lên cả những vách đá để quét phân 

Đất lành dơi đậu…

Hang Dơi được xem là nơi nhiều dơi nhất miền Bắc. Ông Giới đúc kết: “Dơi chỉ bay về Đồng Sinh và trú trong hang từ sau tiết thanh minh (tức là từ tháng 3 âm lịch mới có dơi) đến cuối thu (tháng 8-10 âm lịch) lại bay đi hết.

Trong hang có cả nhạn, nhưng ít thôi”. Những đàn dơi bay về là niềm vui của người Đồng Sinh, họ phấn khích, bắt đầu một vụ mùa mới.

Ngày xưa các cụ truyền nhau rất nhiều câu chuyện kỳ lạ về đàn dơi. Như khi giặc ngoại xâm phương Bắc xâm lấn, chiếm đóng hang Dơi, đàn dơi từ hang ào ào bay ra kêu la thảm thiết. Các cụ không bao giờ dám bắt dơi, bắt nhạn ăn thịt, bởi sợ xâm phạm đến thần linh, sẽ bị trừng phạt.

Nhưng rồi, nhiều người Đồng Sinh đã quên lời dặn từ ngàn xưa, đua nhau lên hang bắt dơi, nhạn ăn thịt, tranh giành từng đấu phân mang đi bán. Và từ đó xuất hiện những cái chết đau thương, kỳ lạ.
Ông Ban Văn Giới say sưa đọc những câu thơ và kể về vẻ đẹp kỳ bí của hang Dơi 
Đã có khoảng 20 người cả nam lẫn nữ từ mười tám đôi mươi đến trung niên bỏ mạng ở hang Dơi sau khi kho vũ khí chuyển đi, mà đến nay những cái chết bí ẩn đó vẫn chưa giải thích được.

Lần theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm được ông Nguyễn Văn Thắng, 1 trong 2 người cai hang có chìa khóa mở cửa hiện nay. Ông Thắng gần 50 tuổi, có thâm niên trên 10 năm trông coi hang. Kể về quãng thời gian đen tối nhất đối với người Đồng Sinh, ông Thắng bàng hoàng hồi tưởng:

“Tôi nghe kể lại nghề nhặt phân dơi có từ rất lâu rồi. Nhưng sau khi kho vũ khí chuyển đi thì việc đi bắt dơi, nhặt phân mới trở nên rầm rộ. Vào các thập niên 1970 - 1990 phân đạm rất hiếm, mà phân dơi lại tốt nên bán được giá.

Chính vì vậy dân Đồng Sinh hè nhau lên hang Dơi lấy phân. Thậm chí có người bắt được dơi và nhạn, ăn thấy ngon nên mách mọi người làm theo”.

Nhưng nếu chỉ quét ở bãi đất bằng do Bộ Quốc phòng đã san thì chắc chẳng có chuyện gì. Nhiều người lại trèo lên vách đá, hoặc xuống vực sâu khu hang ngầm để quét phân, bắt dơi, đặc biệt rất nguy hiểm khi không hề có dây an toàn, chỉ lấy vài cây mai gác vào khe đá làm điểm bám, trong không gian tối tăm.

Nhiều thanh niên muốn trổ tài bắt dơi, nhạn đã trèo lên tận những vách đá cao khoảng 100m so với nền hang. Ngày ấy dân Đồng Sinh vì kế sinh nhai cũng đành liều mạng.

TheoDòng Đời
Bình luận
vtcnews.vn