Những căn cứ luật pháp quan trọng khi 'Tuấn trung tá' kiện VTV

Bạn đọcThứ Tư, 09/03/2016 02:49:00 +07:00

Có một số yếu điểm về Luật mà “Tuấn trung tá” sẽ gặp phải khi thực hiện việc kiện vi phạm bản quyền của VTV liên quan đến các clip quay từ flycam.

(VTC News) – Có một số lưu ý quan trọng về luật mà “Tuấn trung tá” sẽ gặp phải khi thực hiện việc kiện vi phạm bản quyền của VTV liên quan đến các clip quay từ flycam.

Sau khi VTC News đăng tải một số bài viết về vụ “Tuấn trung tá” kiện vi phạm bản quyền của VTV, độc giả Bùi Tường (sống tại Khu đô thị Văn Khê - Hà Đông - Hà Nội) hiện làm việc tại Công ty nội thất Jhome đã gửi đến tòa soạn một số phân tích được cho rằng sẽ là điểm quan trọng nếu “Tuấn trung tá” dùng Luật để kiện VTV.
Những hình ảnh Tuấn trung tá tố VTV vi phạm bản quyền khi sử dụng phát trên VTV1
Những hình ảnh "Tuấn trung tá" tố VTV vi phạm bản quyền khi sử dụng phát trên VTV1 
Dưới đây là phân tích của độc giả dựa trên các điều luật, chúng tôi xin trích đăng nguyên văn:

“Trong vụ việc vi phạm bản quyền giữa Bùi Minh Tuấn và VTV, tôi xin phép chỉ ra 1 số điều trong Luật của cả luật pháp Việt Nam và điều khoản của Youtube khi “Tuấn trung tá” kiện VTV.

Luật pháp Việt Nam

Youtube họat động ở Việt Nam, họ phải tôn trọng và thực thi theo luật pháp Việt Nam. Khi anh “Tuấn trung tá” kiện VTV ra tòa án Việt Nam thì Luật Việt Nam ưu tiên sử dụng trước.

Điều 7. Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ

1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật này.

2. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp.

Chiếu theo khoản 3, điều 7 thì đoạn video có nội dung về đất nước con người Việt Nam. Do đó, vì lợi ích Nhà nước và xã hội, Nhà nước có thể buộc tác giả cho phép VTV sử dụng quyền SHTT này.

Điều 25. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao.

1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;

c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;

d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;

đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;

e) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;

g) Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;

i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

k) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

Điểm c, Khoản 1, Điều 25 Luật SHTT quy định về trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao: "Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu".

VTV là một kênh truyền hình và đã trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả thì không cần xin phép và không trả tiền nhuận bút, thù lao.

Các điều khoản của Youtube

1. Đầu tiên anh “Tuấn trung tá” phải chứng minh video đó của anh. Không phải cứ đóng con dấu "video của trung tá" tức nó thuộc sở hữu của anh. Video đã được post lên youtube, tức luật quốc tế được áp dụng, không chỉ luật Việt Nam. Vậy anh Trung tá đã ĐĂNG KÝ bản quyền chưa? Có BẰNG CHỨNG không?

2. Trong quy định Copyright của Youtube, có cả Qui định 4 điều về NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG HỢP LÝ.

Các quốc gia khác nhau có các quy tắc khác nhau về thời điểm hợp lý để sử dụng tài liệu mà không có sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền. Ví dụ: tại Hoa Kỳ tác phẩm bình luận, phê bình, nghiên cứu, giảng dạy hoặc báo cáo tin tức có thể được coi là sử dụng hợp lý. Một số quốc gia khác có ý tưởng tương tự gọi là phân phối hợp pháp có thể hoạt động khác.

Toà án phân tích khả năng sử dụng hợp lý theo thực tế của từng trường hợp cụ thể. Có thể bạn sẽ muốn tìm lời khuyên pháp lý từ một chuyên gia trước khi tải lên video chứa tài liệu được bảo vệ bản quyền.

Bốn yếu tố của sử dụng hợp lý:

Tại Hoa Kỳ, sử dụng hợp lý được xác định bởi một thẩm phán, người sẽ phân tích xem một trong bốn yếu tố của sử dụng hợp lý áp dụng với trường hợp cụ thể như thế nào.

1. Mục đích và đặc điểm sử dụng, bao gồm cả liệu việc sử dụng mang bản chất thương mại hay vì các mục đích giáo dục phi lợi nhuận.

Các tòa án thường tập trung vào phân tích xem hình thức sử dụng “có thể biến đổi” hay không. Điều này nghĩa là, liệu hình thức sử dụng có thêm sự diễn đạt hoặc ý nghĩa mới vào tác phẩm gốc hay không hay hình thức sử dụng đó chỉ đơn thuần sao chép từ tác phẩm gốc. Sử dụng thương mại ít có khả năng được coi là sử dụng hợp lý mặc dù có thể kiếm tiền từ video và vẫn khai thác tối đa khả năng bảo vệ sử dụng hợp lý.

2. Bản chất của tác phẩm có bản quyền.

Việc sử dụng tài liệu từ các tác phẩm chủ yếu mang tính thực tế có nhiều khả năng là công bằng hơn việc sử dụng các tác phẩm hoàn toàn tưởng tượng.

3. Số lượng và phần thực chất được sử dụng so với toàn bộ tác phẩm có bản quyền.

Việc mượn phần nhỏ của tài liệu từ tác phẩm gốc có nhiều khả năng được coi là sử dụng hợp lý hơn việc mượn những phần lớn của tài liệu. Tuy nhiên, ngay cả việc lấy một phần nhỏ đó cũng có thể đi ngược lại với việc sử dụng hợp lý trong một số trường hợp nếu phần nhỏ đó cấu thành “linh hồn” của tác phẩm.

4. Hiệu quả sử dụng đối với thị trường tiềm năng hoặc giá trị của tác phẩm có bản quyền.

Các hình thức sử dụng ảnh hưởng đến khả năng của chủ sở hữu bản quyền hưởng lợi từ tác phẩm gốc của mình ít khi được coi là sử dụng hợp lý. Đôi khi tòa án tạo ra sự ngoại lệ trong yếu tố này trong những trường hợp liên quan đến sự bắt chước.

Tôi không ủng hộ việc sao chép bản quyền, nhưng tôi ủng hộ việc chúng ta hiểu và làm đúng pháp luật. Trước khi chúng ta muốn bảo vệ bản quyền, chúng ta phải hiểu rõ luật bản quyền, điều khoản của các bên liên quan, để tự bảo vệ chúng ta”.

Độc giả Bùi Tường
Bình luận
vtcnews.vn