Những cái chết chậm từ thuốc bảo vệ thực vật

Thời sựChủ Nhật, 04/10/2015 02:52:00 +07:00

(VTC News) - Theo con số thống kê của ngành Y tế thì tỷ lệ người mắc bệnh ung thư, các vụ ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng.

(VTC News) - Theo con số thống kê của ngành Y tế thì tỷ lệ người mắc bệnh ung thư, các vụ ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là do người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Có những nỗi buồn trước mắt, nỗi lo sợ đã được dự báo và những cái chết cấp kỳ cùng với những cái chết chậm do tình trạng  sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của bà con nông dân trên các loại cây trồng đang có chiều hướng gia tăng.

 Điều đáng lo ngại là việc sử dụng thuốc rất tùy tiện, không theo khuyến cáo của bất kỳ cơ quan chức năng hoặc chuyên môn nào nên khiến cho việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật càng trở nên nguy hiểm.

Trong sản xuất nông nghiệp những năm vừa qua cho thấy, khi xuất hiện các loại sâu, bệnh ở mật độ thấp, chính quyền địa phương và cán bộ chuyên môn đều khuyến cáo bà con nông dân sử dụng các biện pháp thủ công như: Dùng trà tre phát sâu, lấy tay vặt các ổ sâu trên lá lúa để phòng, trừ sâu, bệnh, hoặc nếu có sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thì ưu tiên sử dụng các loại thuốc dòng sinh học, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đa phần bà con nông dân đều không thực hiện như khuyến cáo.
(Ảnh minh họa)
Khi mới xuất hiện sâu, bệnh, tuy chưa đến ngưỡng để phun thuốc nhưng bà con đã thực hiện phun trừ bằng các loại thuốc đặc trị; khi phun trừ, bà con ít khi xem loại sâu hại, tuổi sâu để phun trừ mà chỉ dựa vào triệu chứng có sâu, có bệnh hại là phun, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và quá liều lượng cho phép.

Bên cạnh đó, với mong muốn diệt sâu nhanh nên bà con nông dân thường sử dụng nồng độ cao hơn làm ảnh hưởng đến việc phòng, trừ sâu hại cho những vụ tiếp theo.

Trao đổi với người dân về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi thấy sự hiểu biết của bà con còn hạn chế, bởi phải có đến 60% người dân không để ý đến nhãn mác của thuốc, sử dụng thuốc không theo khuyến cáo của chính quyền và cán bộ chuyên môn mà chủ yếu theo lời giới thiệu của người bán hàng và kinh nghiệm của các hộ khác.

Anh Nguyễn Văn Bi cho biết: Khi thấy xuất hiện sâu, bệnh, anh thường ra các cửa hàng mua thuốc theo sự giới thiệu của người bán hàng, cứ thấy giới thiệu loại nào tốt, đặc trị là anh mua ngay.

 Còn bà Hoàng Thị Mứt, lại sử dụng theo cách chẳng giống ai. Bà cho biết: Khi xuất hiện sâu, bệnh, thấy người trong làng sử dụng thuốc gì thì bà lấy vỏ về rồi mua theo, không quan tâm xem loại thuốc đó có phù hợp với loại sâu trên ruộng nhà mình hay không, có đúng với khuyến cáo của cán bộ chuyên môn không.

Bên cạnh việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa, việc sử dụng thuốc trên các loại rau, hoa màu cũng đang đáng báo động. Với vai trò là người đi học hỏi kinh nghiệm, chúng tôi đến vùng trồng dưa chuột để tìm hiểu về quy trình chăm sóc cũng như việc sử dụng thuốc của người dân nơi đây.

Qua trao đổi với các hộ dân, chúng tôi được biết: Sau thời gian chăm sóc bằng các loại phân bón, để tỷ lệ đậu quả cao, khi có hoa, người dân trồng dưa sẽ phun thuốc kích thích đậu quả. Không lâu sau đó, lại được phun thuốc để phòng, trừ các loại sâu hại đục quả.

Đối với các loại thuốc thông thường cần phải có thời gian cách ly từ 7 đến 10 ngày, nếu ngắn cũng phải 5 ngày mới bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Như vậy, với mật độ phun trung bình 2 lần/tuần như người dân đang thực hiện như hiện nay thì việc lạm dụng các loại thuốc quả thật đáng báo động đối với người tiêu dùng và cả người trực tiếp sản xuất.

Không chỉ thuốc bảo vệ thực vật, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc kích thích tăng trưởng dành cho các loại cây trồng.

Theo thông tin từ nhiều cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, số lượng  thuốc bán ra thị trường mỗi ngày không hề nhỏ, điều này cũng đồng nghĩa với việc, không chỉ người tiêu dùng mà bản thân người sản xuất cũng đang đối mặt với nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm do tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật trên các loại cây trồng.

Việc nông dân lạm dụng thuốc không những ô nhiễm môi trường mà còn làm giảm hiệu quả và tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Bởi việc sử dụng thuốc tùy tiện, không theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời gian, đúng liều lượng và đúng cách) sẽ làm cho tình trạng sâu bệnh của những vụ sau càng diễn biến phức tạp, khó phòng do kháng thuốc.

Đó là chưa kể đến việc thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.

 Từ thực trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đáng lo ngại, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Cùng công tác kiểm tra cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về tác hại của các loại thuốc đối với người tiêu dùng và ngay chính bản thân họ, từ đó tạo nên ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Nếu không thì hiệu ứng những cái chết chậm đã được dự báo trước và tác hại khôn lường đến trực tiếp từ người phun thuốc.

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.

Quỳnh Như
Bình luận
vtcnews.vn