Những “ẩn số” rủi ro về xuất xứ hàng xách tay

Kinh tếThứ Bảy, 25/12/2010 03:00:00 +07:00

Giá bán hàng xách tay hiện không quá đắt nhưng chất lượng và xuất xứ là một ẩn số.

Từ những vật dụng nhỏ như con dao, bông tăm, bàn chải đánh răng đến mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm... hàng xách tay đều có. Và giá bán lại không quá đắt nhưng chất lượng và xuất xứ là một ẩn số.

Hàng xách tay nhiều như hàng chợ

Vài năm trước, hàng xách tay còn xa xỉ, chỉ tập trung vào một số mặt hàng như mỹ phẩm, đồ điện tử nhưng gần đây các cửa hàng xách tay lớn nhỏ mọc lên khắp nơi. Khu vực đường Nguyễn Sơn, quận Long Biên, Hà Nội được coi là “trung tâm hàng xách tay” sầm uất nhất của Hà Nội. Từ dao kéo, kem đánh răng đến mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm chức năng… Khách hàng cần sản phẩm gì cũng có, sản phẩm bày la liệt trong tủ kính, trên bàn, thậm chí cả dưới gầm giường. Nào sữa Wakado, Meiji, bỉm Goon, nước hoa Burberry, Lacoste, mỹ phẩm của Ohui, Olay, L’Oreal, TheFaceShop... chưa kể đến các loại quần áo.

Chị Ngọc Anh, chủ một cửa hàng xách tay ngõ 98, phố Thái Hà, Hà Nội khẳng định, tất cả sản phẩm của cửa hàng chị đều xách tay 100%. Hàng được lấy từ nhiều mối, nhân viên hàng không có, người đi du lịch mua về có, người quen ở nước ngoài gửi về có. Khách hàng chuộng hàng xách tay vì tâm lý hàng ngoại dùng tốt nên bán khá dễ. Khách hàng không chọn quá kỹ, chỉ chọn kiểu, chọn hãng mà thôi.

Khách chuộng hàng xách tay vì tâm lý hàng ngoại dùng tốt 

Theo chị Ngọc Anh, hàng xách tay giá không quá cao, chỉ nhỉnh hơn hàng trong nước, hàng Trung Quốc một chút. Nhiều sản phẩm có thương hiệu, có cửa hàng tại Việt Nam nhưng tại các cửa hàng xách tay giá luôn “mềm” hơn. Chẳng hạn, một hộp phấn Shiseido các cửa hàng của chính hãng bán giá trên dưới 600.000 đồng/hộp nhưng hàng xách tay chỉ bán dưới 500.000 đồng/hộp.

Chị Ngọc Anh lý giải, giá hàng xách tay ngày càng mềm do hầu hết các sản phẩm, nhất là quần áo, đồ trang điểm là “hàng lỗi mốt hoặc gần hết đát”. Ở nước ngoài có nhiều đợt “sale off” mạnh, có khi đến 70%. Thời gian này, chủ hàng tranh thủ đi gom một loạt rồi chuyển về Việt Nam. Những lỗi trên sản phẩm rất khó phát hiện, dù chất lượng vẫn đảm bảo. Thậm chí, có cả hàng ăn trộm ở nước ngoài nên giá rẻ (!?). Mỗi cửa hàng có một giá bán khác nhau, thậm chí chênh nhau vài chục ngàn. Cũng lọ sữa tắm olive của The Body Shop dung tích 250ml có cửa hàng bán 190.000 đồng/lọ nhưng có nơi chỉ bán 150.000 đồng/lọ.

Ngọc Bích, chủ cửa tiệm Dừa, ở đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, tất cả sản phẩm của cửa hàng đều lấy ở phố Nguyễn Sơn. “Phần lớn hàng xách tay được các tiếp viên hàng không mua ở các cửa hàng miễn thuế hoặc bán giảm giá ở nước ngoài”. Các loại mặt hàng này đều được đặt hàng trước trên catalogue cả về kiểu dáng và giá cả. Tiền hoa hồng từ 5 – 10% tùy từng sản phẩm. “Chúng tôi cũng là cửa hàng cấp hai, mua đi bán lại. Giá cả mỗi cửa hàng khác nhau tuỳ từng mối hàng”. Khương Minh, một người chuyên buôn hàng Trung Quốc cảnh báo: cẩn thận với hàng xách tay. “Các tay buôn của nhiều shop mỹ phẩm ở Hà Nội lượn bên Quảng Châu, Trung Quốc như đèn cù”. Hàng xách tay “made in China” nhiều lắm. “Có thể có hàng xách tay xịn trà trộn với hàng Trung Quốc, người tiêu dùng rất khó phát hiện”.

Nhiều rủi ro


Một tuýp kem đánh răng chỉ có nhãn M-plus là tiếng Anh, còn lại toàn chữ Nhật, bán giá 170.000 đồng/tuýp và không hề có hạn dùng; toàn tiếng Nhật nên thành phần cũng như nơi sản xuất chẳng ai biết. Hay một tuýp kem đánh răng của trẻ em 75ml, toàn tiếng Đức, cũng trong tình trạng không rõ xuất xứ, hạn dùng mà chỉ bán với giá... 35.000 đồng/tuýp. Giá hàng nhập từ Đức mà rẻ như hàng trong nước (?). Nhiều cửa hàng xách tay còn bán cả thuốc, thực phẩm chức năng với lời mời chào hàng xịn 100%.

Người bán hàng đều khẳng định, hàng xách tay bảo đảm chất lượng. Nhưng theo anh Khương Minh, không thể hoàn toàn tin vào chất lượng của hàng xách tay khi mà số lượng mặt hàng được mở rộng ngày càng nhiều. Trong một cửa hiệu có hàng trăm thứ hàng, “người mua bằng mắt thường rất khó phát hiện hàng giả, hàng thật”. Ngay cả sản phẩm sản xuất trong nước còn khó phát hiện thật – giả, huống hồ hàng xách tay.

Hàng xách tay “made in China” nhiều lắm. “Có thể có hàng xách tay xịn trà trộn với hàng Trung Quốc, người tiêu dùng rất khó phát hiện”.

Trên thực tế, hiện khách hàng chấp nhận rủi ro khi mua hàng này bởi không có hàng chính hãng để so sánh về mẫu mã, chất lượng hay giá cả. Mới đây, tại Phú Thọ, một khách hàng phản ánh có váng sữa Fontana chưa hết hạn đã mốc xanh. Người tiêu dùng lúc này cũng chỉ cam chịu vì không có công ty nào đặt ở Việt Nam để khiếu nại. Và dĩ nhiên, các mặt hàng khác đều chung “số phận” như vậy.

Theo TS Trương Quốc Cường, cục trưởng cục Quản lý dược (bộ Y tế), về mỹ phẩm cục không quản lý sản phẩm có trên thị trường mà chỉ quản lý việc cấp phép, chất lượng. Những mặt hàng xách tay rất khó kiểm tra vì phải kết hợp nhiều cơ quan chức năng. Khi kiểm tra nếu mỹ phẩm xách tay không đủ giấy chứng nhận có thể liệt vào hàng không rõ nguồn gốc và bị tịch thu.

“Nếu đúng nghĩa hàng xách tay thì rất tốt bởi có nhiều người đi công tác mua được hàng tốt về, nhưng không dùng muốn bán đi. Hay những người có công việc thường xuyên xuất ngoại có thể mang về lượng hàng theo quy định”, TS Cường nói.

Một cán bộ ở bộ Tài chính cũng tỏ ra lo ngại về hàng xách tay rằng: đúng là mỗi tiếp viên hàng không được mang về vài trăm USD hàng hóa miễn thuế. Nhưng khi họ bán lại cho các cửa hàng thì các cửa hàng phải có chứng từ hóa đơn ghi nhận lại việc này. Trong trường hợp, hàng xách tay không giấy chứng nhận nguồn gốc, kiểm tra sẽ bị tịch thu, được quy vào hàng hoá không rõ nguồn gốc.

Về lý là vậy nhưng trên thực tế chưa một cửa hàng xách tay nào bị kiểm tra nên ngày càng nhiều cửa hàng mở ra nhưng chất lượng, giá bán không được quản lý.


Theo Sài Gòn Tiếp thị


Bình luận
vtcnews.vn