Nhọc nhằn tết muộn trên những kiếp mưu sinh

Thời sựChủ Nhật, 22/01/2012 02:00:00 +07:00

(VTC News) - Chỉ còn ít giờ nữa là đến giao thừa, nhưng với những người lao động nghèo, đây không phải là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi.

(VTC News) - Chỉ còn ít giờ nữa là đến giao thừa, nhưng với những người lao động nghèo, đây không phải là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi. Với họ, tết là dịp để kiếm thêm việc làm, tăng thu nhập.

Những ngày này, khi hầu hết học sinh, sinh viên và công nhân viên chức đã được nghỉ lễ thì một bộ phận nhỏ người lao động nghèo vẫn cố bám trụ lại Hà Nội để tìm việc. Theo họ, đây là thời điểm dễ kiếm được những công việc đem lại thu nhập cao. Do đó họ sẵn sàng ở lại thành phố nếu được trả công hậu hĩnh.

Ngày 29 Tết, những người lao công vẫn đang phải "vật lộn" với rác thải đổ ra từ các gia đình.

Chị Trương Thị Thu, công nhân vệ sinh môi trường, Công ty môi trường đô thị Hà Nội cho biết: “Năm nay tôi không về quê mà ở lại Hà Nội làm thêm. Gần tết công việc nhiều, lương và thưởng cũng cao hơn. Nếu chi tiêu tiết kiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ra giêng tôi sẽ có tiền gửi về quê để bố mẹ sắm sửa thêm đồ đạc.”

Theo chị Thu, một số bạn bè của chị cũng chọn làm việc trong mấy ngày Tết. Họ hầu hết đều chưa lập gia đình, quê hương lại xa. Ở lại Hà Nội, họ vừa có thêm thu nhập, vừa tiết kiệm được khoản tiền tàu xe đắt đỏ ngày giáp Tết.

Với chị Hồng, gánh ve chai này là cả cái Tết của gia đình trong năm mới.

Khác với chị Thu, anh Thành – phụ hồ một công trình xây dựng tại Xuân Thủy, Cầu Giấy tâm sự: “Công nhân công trình tới hết ngày 29 mới được nghỉ. Muốn có tiền mua thêm đồng quà tấm bánh cho con nên tôi làm nốt mấy ngày tới. Chiều 29 Tết xong việc, bắt xe về nhà vẫn kịp đón giao thừa cùng vợ con. Lần này về quê, tôi được trả 2 tháng lương nên cũng có đồng ra đồng vào để chi tiêu trong ngày tết”.

Với những người lao động nghèo, làm việc trong thời gian này, họ sẽ nhận được số tiền cao gấp 2 - 3 lần ngày thường. Do đó, dù công việc vất vả và không khỏi chạnh lòng khi nhìn bạn bè sửa soạn về quê nhưng họ vẫn chấp nhận.

Chị Nguyễn Thị Nhàn – Hải Hậu, Nam Định chia sẻ: “Tôi và mấy người bạn cùng xã nhận giúp việc theo giờ tại một số gia đình. Giáp Tết, nhiều người bận rộn nên không có thời gian dọn dẹp nhà cửa. Mỗi ngày chúng tôi nhận dọn cho 3 đến 4 nhà. Công việc rất đơn giản. Chủ yếu là lau chùi và sắp xếp đồ đạc cho gọn gàng, sạch sẽ. Thu nhập trung bình là 200 nghìn/ngày/người. Có khi còn được thưởng thêm. Trong 10 ngày, số tiền tôi nhận được còn hơn cả tháng lương giúp việc trước đây.”

Từ ngoại thành đổ về, những người nông dân này vẫn cần mẫn trên từng con phố để mong bán hết hàng trước Giao thừa.

Tuy nhiên, theo chị Nhàn, cẩn thận và trung thực là hai yêu cầu hàng đầu đối với những người làm công việc trên. Gia đình mà các chị giúp việc đều do khách quen giới thiệu. Nếu cầu thả và có tật hay “táy máy”, họ sẽ dễ mất mối và rất khó nhận được sự tin cậy từ gia chủ.

Nhận xét về công việc của mình trong những ngày giáp Tết, chị Bùi Thị Thủy – công nhân trồng cây xanh cho rằng: Dù là nhân viên văn phòng hay công nhân thì cận tết cũng đều bận rộn hơn. Tuy nhiên, với những người lao động tay chân, đây là khoảng “thời gian vàng” để họ kiếm thêm chút tiền trước khi về quê nghỉ Tết. “Thà vất vả một chút nhưng mua được bánh kẹo và quần áo mới cho các con, còn hơn về sớm mà cả nhà không có tiền để sắm quà Tết” – chị Thủy chia sẻ.

Giữa đêm khuya giá rét, vẫn đi dọc từng con phố với gánh hàng trên tay.

Đối với chị Trần Thị Hồng (quê Hưng Yên), một người mua bán ve chai ở Hà Nội thì Tết vẫn còn là một thứ gì đó xa xỉ. Chồng mất sớm, mình chị lo cho 3 đứa con ăn học nên chị nào dám nghĩ đến Tết: “Gần Tết nên tôi cũng kiếm được hơn ngày bình thường một chút nên tôi sẽ không về quê mà ở lại làm, chịu khó ra năm tôi mới mua được áo mới, gửi về cho con”.

Nói rồi chị Hồng lại tiếp tục đạp xe đi, một xe hàng cồng kềnh nào là hộp giấy, lon bia… hoà vào dòng người đông đúc đang rộn rã sắm Tết.

Ngày 28 Tết, nhưng vẫn chưa phải... là Tết.

29 Tết, Hà Nội tấp nập, khẩn trương hơn bao giờ hết, phố phường tràn ngập hoa và người đi mua sắm, du xuân, nhưng xen giữa vào đó là anh công nhân vệ sinh, cô nhặt rác, bán ve chai hay những người giúp việc vẫn miệt mài làm việc, với họ Tết không phải để vui chơi, mà Tết là để mưu sinh.


Nguyễn Dũng – Anh Tuân

Bình luận
vtcnews.vn