NHNN khuyến khích sáp nhập ngân hàng

Kinh tếThứ Năm, 20/10/2011 06:53:00 +07:00

(VTC New) – NHNN chủ trương khuyến khích các tổ chức tín dụng tự nguyện tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sáp nhập, hợp nhất, đảm bảo quyền và lợi ích các bên...

(VTC New) – Thông tin đăng tải trên Website Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước chủ trương khuyến khích các tổ chức tín dụng tự nguyện tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sáp nhập, hợp nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

 

Theo đó, để thực hiện chủ trương này, trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể có cơ chế hỗ trợ thích hợp nhằm đảm bảo việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng thành công, góp phần từng bước kiện toàn hệ thống các định chế tài chính Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định, phát triển bền vững.

 (Ảnh minh họa)
 

Thông tin đăng tải còn đề cập đến những trường hợp sáp nhập ngân hàng trên thế giới. Ngân hàng ABN AMRO của Hà Lan và Barclays PLC của Anh, hình thành nên tập đoàn ngân hàng hàng đầu thế giới tính theo số vốn thị trường. Vụ sáp nhập của Bank of America với Merrill Lynch, tiếp đến Wells Fargo với Wachovia giúp Wells Fargo nâng tầm, đứng ngang hàng với các đối thủ tên tuổi khác tại Mỹ như JP Morgan Chase và Bank of America. Hoặc vụ sáp nhập của UFJ Holding với Mitsubishi Tokyo Financial Group để hình thành Mitsubishi UFJ  Financial Gropup hùng mạnh nhất thế giới, vượt qua Citigroup về giá trị tài sản.

 

Toàn hệ thống đã có 52 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 tổ chức tín dụng phi ngân hàng phi ngân hàng, 1 Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, 1083 quỹ tín dụng  cơ sở  và 1 tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

 

Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng hiện đang phải đối mặt với không ít khó khăn, như nền kinh tế thế giới chưa phục hồi sau khủng hoảng tài chính tiền tệ, lại thêm ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu, nguy cơ tái suy thoái kinh tế thế giới còn tiềm ẩn. Thị trường vốn trong nước có nhiều diễn biến không ổn định. Trong khi đó, nội tại hệ thống tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập, phải củng cố, kiện toàn thường xuyên

 

Ngân hàng nhà nước chỉ rõ, ngay từ bây giờ, các tổ chức tín dụng cần hoạch định cho mình chiến lược phát triển phù hợp, xây dựng và tiến hành các biện pháp tái cấu trúc để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững. Một trong những giải pháp hữu hiệu có thể lựa chọn là sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng.

 

Anh Minh

Bình luận
vtcnews.vn