Nhiều trẻ bỏ tiêm vaccine, bệnh sởi bùng phát

Sức khỏeThứ Sáu, 07/02/2014 03:43:00 +07:00

(VTC News) - Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) Hà Nội cho biết, nhiều bệnh nhi mắc sởi do gia đình bỏ tiêm vaccine.

 

Cuối tháng 12/2013 cũng có 10 trường hợp dương tính với sởi được xác định. Như vậy đã có khoảng 40 ca bệnh sởi được xác định chắc chắn. Bệnh sởi đang quay lại Hà Nội sau 3 năm vắng bóng.

Trong tổng số 40 ca sởi đã được xét nghiệm khẳng định dương tính tại Hà Nội có tới 40% các trường hợp mắc bệnh trước đó chưa được tiêm vaccine sởi; 12,5% trường hợp mắc bệnh trước đó đã được tiêm 1 mũi vaccine sởi trước 1 tuổi; các trường hợp còn lại chủ yếu là người lớn không rõ tiền sử tiêm chủng.

Bệnh nhân mắc sởi chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi (78%), trong đó trẻ em dưới 1 tuổi chiếm 57,5%; trường hợp nhỏ nhất là trẻ mới được 6 tháng tuổi, lớn nhất là 31 tuổi. Số bệnh nhân tập trung đông nhất là tại tại BVĐK Xanh Bôn với 55 trường hợp, BV Nhi T.Ư 20 trường hợp, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư 7 trường hợp, BV Bạch Mai có 2 trường hợp...

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đến nay Khoa đã tiếp nhận gần 20 trẻ bị sởi, phát ban dạng sởi đến khám, phần lớn là bệnh nhi sống ở Hà Nội. Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong dịp Tết này đã có một  bé 7 tháng tuổi (Đông Anh, Hà Nội) tử vong do sởi biến chứng.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời rất có thể bệnh sởi sẽ lây lan trên diện rộng. Do đó, các cơ quan chức năng phải có biện pháp phòng chống bệnh, giám sát, điều tra lấy mẫu triệt để phát hiện sớm ca bệnh. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động cho con đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. 

Tác nhân gây bệnh sởi là virut thuộc giống morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virut cấp tính, với sự lây truyền cao. Sau khi virut xâm nhập vào cơ thể, biểu hiện khởi đầu là sốt, viêm kết mạc, chảy nước mũi, ho và có nốt koplik ở niêm mạc miệng.

Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ban bắt đầu mọc ở mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài từ 4 - 7 ngày, có những trường hợp bệnh kết thúc trong tình trạng tróc vảy.

Trong thời gian mang bệnh, xét nghiệm máu sẽ thấy lượng bạch cầu giảm. Sự nguy hiểm của bệnh sởi chính là những biến chứng của bệnh, đó là do sự nhân lên của virut hoặc do bội nhiễm vi khuẩn gây ra các bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh quản, phế quản, khí quản và viêm não.

Tất cả mọi người chưa mắc bệnh hoặc được gây miễn dịch đầy đủ đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh.Trẻ em là đối tượng nhiễm bệnh dễ dàng và có thể xuất hiện những biến chứng nặng nề. Trẻ sinh ra từ những người mẹ đã bị bệnh sởi trước đây sẽ được miễn dịch thụ động do mẹ truyền cho trong vòng 6-9 tháng.

Hầu hết tử vong khi bệnh sởi xuất hiện thường không do virut sởi gây ra mà do những biến chứng.Tử vong chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi với nguyên nhân chủ yếu là viêm phổi, đôi khi là viêm não.

Bệnh rất nguy hiểm ở trẻ nhỏ và trẻ suy dinh dưỡng, ở những trẻ này có thể kèm theo ban xuất huyết, ruột không hấp thụ được protein, viêm tai giữa, mất nước, tiêu chảy, nhiễm khuẩn nặng ngoài da. Những trẻ được nuôi dưỡng kém thì bệnh sởi sẽ làm cho nhanh chóng biến thành suy dinh dưỡng cấp tính, nếu kèm theo thiếu vitamin trầm trọng có thể làm trẻ bị mù.

Sự lây nhiễm của bệnh sởi do virut từ những giọt nước bọt li ti của người bệnh bắn ra khi nói và người lành hít phải khi tiếp xúc, do vậy bệnh rất dễ lây thành dịch.

Phòng bệnh bằng vaccine được khuyến cáo khi trẻ đủ 9 tháng tuổi. Ttuy nhiên người ta thấy rằng việc tiêm một mũi vaccine duy nhất không đủ tạo ra miễn dịch bền vững và rộng rãi trong cộng đồng vì tỷ lệ trẻ tiêm phòng bệnh sót cũng như tỷ lệ đạt được miễn dịch của vaccine này cũng chỉ đạt xung quanh 90%.

Do đó, cần phải tiêm nhắc lại mũi thứ 2, việc tiêm liều thứ 2 có thể tạo miễn dịch tới 99%. Có thể dùng loại vaccin kết hợp sởi - quai bị - Rubella (MMR) để phòng được 3 bệnh một lúc.

Bình luận
vtcnews.vn