Đại biểu Dương Trung Quốc: 'Cứ canh gác, bảo vệ sẽ làm cho quan chức xa dân hơn'

Thời sựThứ Năm, 08/06/2017 17:49:00 +07:00

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, cứ canh gác, bảo vệ thì sẽ làm cho chính quan chức xa dân hơn và sự an toàn chưa chắc đã có.

Video: 'Sự an toàn của quan chức là thước đo trong mối quan hệ với dân' (Phạm Thịnh)

Vừa qua, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Cảnh vệ, trong đó có nhiều ý kiến tranh luận quanh quy định đối tượng được cảnh vệ. Ngoài các đối tượng cảnh vệ được quy định như trong dự thảo, nhiều địa phương còn đề nghị đưa chủ tịch và bí thư các tỉnh cũng trở thành đối tượng cảnh vệ.

duong trung quoc

 Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bên hành lang Quốc hội sáng 8/6. (Ảnh: Phạm Thịnh)

Bên hành lang Quốc hội, trả lời VTC News, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) không đồng tình với quan điểm này. Khi sống gần dân, điều đó đòi hỏi quan chức phải sống đàng hoàng hơn, minh bạch hơn và được dân yêu quý, dân bảo vệ. Đó là truyền thống của chúng ta. 

"Tôi cho rằng có cảnh vệ là để tạo điều kiện thuận lợi cho các quan chức làm việc. Nhưng nếu chỉ dựa vào cảnh vệ không thì đánh mất đi nguyên lý rất quan trọng của chúng ta. Đó là chúng ta phải dựa vào dân, phải gần dân", đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ.

Nếu một người lãnh đạo chỉ dựa vào cảnh vệ thì có thể tạo sự an toàn hình thức nhưng mất đi hình ảnh, phẩm chất của người cán bộ.

Vị đại biểu Quốc hội này cho rằng chính sự an toàn của quan chức là thước đo trong mối quan hệ với dân.

Ông Quốc khẳng định: "Chắc chắn một quan chức nào tốt thì họ sống rất an vui trong lòng dân chứ tạo ra những cái đó tôi cho là không cần thiết chứ tôi chưa nói gì đến sự tốn kém về nhân lực, nguồn lực". 

Trong xã hội hiện nay, sự an toàn có thể bị đe doạ bởi nhiều lý do khác nhau nhưng không phải vì thế mà đề xuất cảnh vệ cho chủ tịch và bí thư tỉnh.

duong trung quoc 2

 

Bây giờ cứ canh gác, bảo vệ như thế thì sẽ làm cho chính quan chức xa dân hơn và sự an toàn chưa chắc đã có.

Đại biểu Dương Trung Quốc

"Trong khi đó, điều quan trọng hơn là phải làm sao cho các quan chức ấy rèn luyện mình thành một người cán bộ đúng nghĩa như cụ Hồ nói là “người cán bộ là đầy tớ của nhân dân". Bây giờ cứ canh gác, bảo vệ như thế thì sẽ làm cho chính quan chức xa dân hơn và sự an toàn chưa chắc đã có", ông Quốc nói.

Ngoài ra, hiện nay nhiều lãnh đạo đã không thực hiện quy định tiếp công dân và điều này đã được nêu ra trong báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. 

Ông Quốc cho rằng đó là một thực tế dù những vị quan chức đó có bao biện bằng nhiều lý do khác nhau.

"Điều đó là sự thật chứ. Né tránh dân là một hiện tượng. Rất ít quan chức tạo cơ hợi cho tiếp xúc với dân thường xuyên. Tất nhiên, họ lấy ra rất nhiều lý do khác nhau", vị đại biểu Đồng Nai nói.

Bên cạnh đó, vị đại biểu tỉnh Đồng Nai cũng không đồng tình khi các vị lãnh đạo cấp cao kết thúc nhiệm kỳ nhưng vẫn có cảnh vệ.

"Tôi nói ngay cả câu chuyện các vị lãnh đạo cao cấp, kể cả sau khi kết thúc nhiệm kỳ rồi cũng được cảnh vệ đến cùng. Tôi nói là làm như thế thì làm sao làm được điều cụ Hồ nói là khi mà hoàn thành tất cả mọi việc rồi thì trở về sống một cuộc sống dân dã, sống với người dân", ông Quốc nói.

le thanh van 2 3

 Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau)

Cũng chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng, làm lãnh đạo, đặc biệt những lãnh đạo ở địa phương phải là người gần dân nhất, như thế mới được dân yêu quý.

Ông Vân khẳng định, với nhân dân thì dù lãnh đạo tốt hay xấu, dân cũng không bao giờ manh động làm hại đến lãnh đạo.

Vị đại biểu tỉnh Cà Mau cho rằng này cũng đặt ra một vài tình huống có thể đe doạ, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của lãnh đạo địa phương.

Thứ nhất, các đối tượng tìm cách tiếp cận lãnh đạo địa phương để gây ra những hành vi mất an toàn phần lớn là do thù hằn cá nhân hoặc do bất mãn. Trong trường hợp ấy, lãnh đạo địa phương phải xem những quyết sách trong lãnh đạo, điều hành của mình đã hợp lòng dân chưa, có gây mâu thuẫn không, có tạo ra lợi ích nhóm hay không.  

Thứ hai, cũng có thể có tình huống khi một vị lãnh đạo quyết tâm thay đổi nền tảng lãnh đạo, quản lý, điều hành nhưng lại thay đổi theo nghĩa tiêu cực, việc thay đổi ấy không hợp lòng dân, gây thù chuốc oán... Khi ấy, người lãnh đạo thường lo sợ bị tấn công.

Cũng có khả năng người lãnh đạo mạnh dạn thay đổi những tiêu cực đang tồn tại, làm việc với tư duy đổi mới, không để cho lợi ích nhóm tồn tại..., khi ấy, phe tiêu cực cũng có thể tấn công, đe doạ họ.

Khả năng thứ ba ít xảy ra là các lực lượng phản động tìm cách tiếp cận để phá hoại, nhưng với lãnh đạo địa phương, ông Vân vẫn cho rằng không cần thiết có cảnh vệ, vì thế lực thù địch nếu tấn công sẽ tiếp cận nhằm vào các đối tượng lãnh đạo cấp cao như dự thảo Luật Cảnh vệ quy định.

“Vấn đề quan trọng nhất, nếu lãnh đạo được lòng dân thì dân sẽ che chở cho anh. Tôi từng là cán bộ luân chuyển tôi biết, khi mình hết lòng vì dân và chia sẻ với dân thì dân sẽ bảo vệ mình thôi. Dân là người cảnh vệ tốt nhất”, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Các đối tượng cảnh vệ

Dự thảo Luật Cảnh vệ quy định các đối tượng cảnh vệ gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư T.Ư Đảng; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam gồm: Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ, trên cơ sở có đi có lại; Khách mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Khu vực trọng yếu gồm: Khu vực làm việc của T.Ư Đảng; Khu vực làm việc của Chủ tịch nước; Khu vực làm việc của Quốc hội; Khu vực làm việc của Chính phủ; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Khu di tích Phủ Chủ tịch; Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội.

Sự kiện đặc biệt quan trọng gồm: Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng; Hội nghị của Ban chấp hành T.Ư Đảng; Kỳ họp của Quốc hội; Phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Quốc phòng và an ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; Hội nghị, lễ hội do T.Ư Đảng, Nhà nước tổ chức; Đại hội Đại biểu toàn quốc do các tổ chức chính trị - xã hội ở T.Ư tổ chức.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn