Nhiều khúc mắc quanh vụ đấu tố giữa khách hàng và chủ đầu tư Park City

Kinh tếThứ Ba, 24/11/2015 11:32:00 +07:00

Đằng sau những tố cáo của khách hàng liên quan đến việc tự ý thay đổi thiết kế căn hộ là câu chuyện còn rất nhiều khúc mắc cần được làm rõ.

Đằng sau những tố cáo của khách hàng liên quan đến việc tự ý thay đổi thiết kế căn hộ là câu chuyện còn rất nhiều khúc mắc cần được làm rõ.

Tự ý thay đổi thiết kế căn hộ để ép khách hàng thanh toán thêm tiền, tài sản đang tranh chấp chưa được giải quyết đã đem bán cho bên thứ 3… là những nội dung mà chủ đầu tư Park City - Công ty Phát triển Đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC) - bị bà Trần Thị Dung (Thanh Trì, Hà Nội) tố cáo trên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây, tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên Năng lượng Mới, đằng sau câu chuyện này lại đang tồn tại không ít uẩn khúc đáng ngờ.


1 căn hộ 2 hợp đồng mua bán

Trong đơn thư gửi báo chí, bà Trần Thị Dung cho hay, ngày 24/11/2011, VIDC và bà đã ký hợp đồng mua bán căn nhà 06/05/TH4B(M) tại Khu đô thị Park City Hà Nội với giá trị là 10,4 tỉ đồng (chưa bao gồm VAT). Tại phụ lục 3 của hợp đồng mua bán có miêu tả chi tiết bản vẽ thiết kế của căn nhà. Tiến độ thanh toán được chia làm 4 đợt, đợt đầu là 30% và phải đóng ngay sau khi hợp đồng được ký kết. Căn cứ theo đó, bà Dung đã chuyển cho VIDC số tiền là 3,25 tỉ đồng theo thỏa thuận đã ký.

 
Cũng theo hợp đồng, bà Dung và VIDC thỏa thuận, thống nhất sẽ thi công và thiết kế căn hộ như bản vẽ trong hợp đồng. Tuy nhiên, ngày 10/1/2013, VIDC có Công văn với nội dung yêu cầu bà Dung trả thêm 315 triệu đồng về việc thay đổi thiết kế căn nhà. Lý do được VIDC đưa ra là do bản vẽ đínha kèm với Hợp đồng số 153 đã được thay đổi và giờ bà muốn căn nhà được xây dựng theo thiết kê ban đầu thì phải nộp thêm tiền.


Không đồng tình với lý do trên của VIDC vì cho rằng, bản hợp đồng mua bán căn hộ mà bà và VIDC đã ký được thực hiện đúng quy định, có đầy đủ dấu của VIDC, bà Dung đã khẳng định mình không phải chịu trách nhiệm về việc thay đổi thiết kế đó.

Tranh chấp giữa 2 bên nảy sinh và bà Dung đã không đóng tiền đợt 2, đợt 3 theo thông báo của VIDC và theo tiến độ thanh toán của hợp đồng. Đến ngày 9/2/2014, Công ty Luật Winco - Công ty được VIDC ủy quyền - đã gửi cho bà Dung thông báo chấm dứt hợp đồng với lý do bà chưa nộp tiền mua nhà đợt 2 theo hợp đồng, đồng thời bà Dung phải chịu các khoản tiền phạt hợp đồng theo các điều khoản được 2 bên ký kết. Số tiền bà Dung nhận lại sau khi trừ các khoản tiền phạt là 1,88 tỉ đồng.


Cho rằng mình bị ép, bà Dung đã tố cáo VIDC tự ý thay đổi thiết kế để thu thêm tiền, tranh chấp chưa được giải quyết đã mang tài sản bán cho bên thứ 3… và đòi VIDC bồi thường thiệt hại với số tiền 2,5 tỷ đồng.

Theo điều tra của phóng viên Năng lượng Mới, bản hợp đồng mà bà Trần Thị Dung đang có trong tay đã được đánh tráo, thay đổi và người thực hiện việc thay đổi này chính là ông Nguyễn Chân Phương - chồng bà Dung và cũng nguyên là Phó tổng giám đốc VIDC.

Theo hợp đồng liên doanh ký ngày 28/1/2008 giữa Công ty TNHH Perdana ParkCity (S) PTE (chiếm 59% cổ phần), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Vinaconex Hoàng Thành - nay là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Hoàng Thành - (chiếm 40%) và ông Phạm Đức Trung Kiên - Việt kiều Mỹ (chiếm 1%), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Vinaconex Hoàng Thành được đề cử Phó tổng giám đốc và Kế toán trưởng. Còn Perdana ParkCity (S) PTE.LTD được đề cử Tổng giám đốc - là người đại diện theo pháp lý của VIDC và Giám đốc Tài chính.

Căn cứ theo điều khoản trên, ông Nguyễn Chân Phương là đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Vinaconex Hoàng Thành đã được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc VIDC từ ngày 1/8/2008, còn ông HabiBullah Khong Sow Kee là đại diện của Perdana ParkCity (S) PTE.LTD được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc từ ngày 1/1/2010.


Ngày 24/11/2011, VIDC và bà Trần Thị Dung ký kết hợp đồng mua bán nhà ở số 153/SPA-TH-VIDC cho căn nhà số 6 dãy 5 với mẫu thiết kế TH4B (M) (căn nhà 6/5/TH4B(M)).

Người đại diện theo pháp luật của VIDC ký kết hợp đồng số 153 với bà Dung là ông Khong Sow Kee - Tổng giám đốc VIDC tại thời điểm đó. Sau đó, ông Phương với vai trò là Phó tổng giám đốc VIDC đã chỉ đạo trực tiếp nhân viên phòng thiết kế và đơn vị tư vấn thiết kế của công ty điều chỉnh thay đổi thiết kế của căn nhà căn nhà 6/5/TH4B(M) trong các bản vẽ tại hợp đồng số 153.

Sau khi các bản vẽ điều chỉnh được hoàn tất, ông Phương đã trực tiếp chỉ đạo nhân viên bán hàng và phụ trách hợp đồng vào thời điểm đó in ra bản hợp đồng mới, giữ nguyên số hợp đồng là 153/SPA-TH-VIDC và ngày ký vẫn là ngày 24/11/2011.

Sau đó, ông Phương yêu cầu bộ phận bán hàng và tiếp thị giao lại toàn bộ hợp đồng số 153 nguyên gốc để tiêu hủy, bộ phận bán hành và tiếp thị không được lưu bất kỳ bản nào của hợp đồng số 153 nguyên gốc.


Nhận thấy dấu hiệu bất thường trong hành động của ông Phương, dù đã được chỉ đạo và chịu sức ép, nhân viên bán hàng phụ trách hợp đồng vẫn photo lưu giữ lại 1 bản của hợp đồng số 153 nguyên gốc ban đầu (bản hợp đồng đã bị ông Phương thu hồi và tiêu hủy).

Trước khi thực hiện các việc nêu trên, nhân viên bán hàng này có báo cáo vụ việc cho Tổng giám đốc, Giám đốc Tài chính và Trưởng bộ phận Bán hàng và Tiếp thị. Biết được hành vi đánh tráo bản vẽ của ông Phương, các cán bộ chịu trách nhiệm ký “nháy” phê duyệt nội dung liên quan của hợp đồng là Giám đốc Tài chính và Trưởng bộ phận Bán hàng đã không đồng ý ký “nháy” vào hợp đồng số 153 làm giả theo như yêu cầu của ông Phương.

Như vậy, căn nhà 6/5/TH4B(M) - đối tượng của hợp đồng mua bán số 153-hiện đang tồn tại 2 bản hợp đồng mua bán. Trong đó, bản hợp đồng mua bán số 153 của bà Dung đang giữ là bản hợp đồng đã được ông Phương đánh tráo.

Bản hợp đồng này chỉ có chữ ký “nháy” của ông Phương và ông Khong Sow Kee mà không có chữ ký “nháy” của Giám đốc Tài chính và Trưởng bộ phận Bán hàng và Tiếp thị VIDC như quy định của công ty. Và theo bà Vũ Thúy Diễm - Trưởng ban Đối ngoại và Phát triển doanh nghiệp VIDC thì bản vẽ đính kèm trong bản hợp đồng số 153 hiện tại không phải là bản vẽ thiết kế chuẩn của căn TH4B(M) vì tất cả các thiết kế nhà của công ty đều là thiết kế chuẩn do Hội đồng Quản trị duyệt và Bộ Xây dựng thẩm tra.


Ngày 13/12/2012, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Hoàng Thành và Công ty Perdana ParkCity SDN BHD ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Theo đó, cơ cấu cổ đông của VIDC sẽ là Công ty TNHH Perdana ParkCity (S) PTE (Singapo) nắm giữ 59% cổ phần; Công ty Perdana ParkCity SDN BHD (Malaisia) nắm giữ 40% và ông Phạm Đức Trung Kiên nắm giữ 1%. Cơ cấu cổ đông này đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại giấy chứng nhận đầu tư số 011033002202 ngày 17-1-2014.

Cùng với sự thay đổi cơ cấu cổ đông trên, ông Nguyễn Chân Phương cũng từ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc VIDC theo thông báo chấp thuận đơn xin nghỉ việc và chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 31/12/2012; ông Khong Sow Kee từ nhiệm theo Nghị quyết của Hội đồng Quản trị từ ngày 29/2/2012 và ông Lawrence Peh chính thức được bổ nhiệm trở thành Tổng giám đốc VIDC từ ngày 1/3/2012.

Sau khi kế nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, ông Lawrence Peh đã phát hiện ra các sai phạm trong việc ký kết hợp đồng số 153 với bà Trần Thị Dung. Cụ thể là đã có sự sai lệch trong thiết kế căn nhà số 06/05/TH4B(M) theo hợp đồng số 153 so với các thiết kế chuẩn đã được phê duyệt bởi Hội đồng Quản trị VIDC và thẩm tra bởi Bộ Xây dựng.


Ai chịu trách nhiệm?


Như vậy, căn nhà số 06/05/TH4B(M) hiện đang có 2 hợp đồng mua bán. Khi phát hiện sự bất thường này, VIDC đã tổ chức thanh tra nội bộ đối với Hợp đồng số 153 và kết luận: Việc ông Phương ký nháy vào văn bản đề xuất thay đổi thiết kế bên trong căn nhà của bà Dung và ông Khong Sow Kee ký duyệt là việc làm chưa có tiền lệ…

Căn cứ vào thẩm quyền của Tổng giám đốc đã được quy định tại Điều lệ công ty, Tổng giám đốc báo cáo sự việc này đến Hội đồng Quản trị và đề nghị Hội đồng Quản trị đưa ra phương án giải quyết đối với những sai phạm của cựu Tổng giám đốc Khong Sow Kee và cựu Phó tổng giám đốc Nguyễn Chân Phương theo quy định của pháp luật hiện hành.


Trao đổi với Năng lượng Mới, bà Vũ Thúy Diễm cho hay: Căn cứ được xác định là những thay đổi trong thiết kế của căn nhà của bà Dung đã dẫn đến thiết hại đáng kể cho VIDC với giá trị thiệt hại ước tính lên tới 27.120 USD, tương đương 569.520.000 đồng. Việc ông Phương và ông Khong Sow Kee đã tùy tiện quyết định và phê duyệt những thay đổi trong thiết kế căn hộ của bà Dung đã vi phạm các điều khoản trong điều lệ của công ty về hợp đồng, giao dịch của công ty với người có liên quan.

Theo đó, bà Trần Thị Dung là vợ của ông Phương, trong khi ông Phương là Phó tổng giám đốc và đồng thời là “người đại diện ủy quyền của công đông sở hữu trên 35% cổ phần phổ thông của công ty” nên giao dịch giữa công ty với bà Dung (người có liên quan) phải được phê duyệt bởi đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng Quản trị.


Ngoài ra, theo điều lệ VIDC về chức năng, nhiệm vụ của Phó tổng giám đốc thì Phó tổng giám đốc có trách nhiệm hỗ trợ Tổng giám đốc trong việc điều hành các hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Tuy nhiên, với chức trách của mình, ông Phương đã lợi dụng để yêu cầu ông Khong Sow Kee ký thay đổi thiết kế căn hộ cho mình không theo đúng quy trình nội bộ, gây thiệt hại đến tài sản công ty.

Điều 120, Luật Doanh nghiệp 2005 cũng quy định: Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 35% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ; Thành viên Hội đồng Quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc… và người có liên quan của thành viên Hội đồng Quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải được đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng Quản trị chấp thuận.

Thậm chí, theo khoản 2, 3 của điều này, dự thảo hợp đồng hoặc thông báo giao dịch còn phải niêm yết tại trụ sở chính, chi nhánh của công ty; Hội đồng Quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết; thành viên có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết; hợp đồng hoặc giao dịch chỉ được chấp thuận khi có số cổ đông đại diện 65% tổng số phiếu biểu quyết còn lại đồng ý…


Đặc biệt, tại Khoản 4, Điều 120, Luật Doanh nghiệp, trong trường hợp các quy định trên chưa được chấp thuận thì hợp đồng, giao dịch sẽ bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của công ty, cổ đông, thành viên Hội đồng Quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.

Căn cứ theo quy định tại Điều 120, các thành viên Hội đồng Quản trị VIDC đã thống nhất giải quyết hành vi vi phạm của ông Phương và ông Khong Sow Kee theo đúng pháp luật hiện hành. Ông Phương và ông Khong Sow Kee phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật và bồi thường các thiệt hại đã gây ra công ty. Và căn cứ vào điều lệ công ty, Hội đồng Quản trị VIDC đã ủy quyền cho ông Mr.Peh Yeow Beng Lawrence - Tổng giám đốc công ty thay mặt Hội đồng Quản trị giải quyết những vấn đề liên quan đến những sai phạm của ông Khong Sow Kee và ông Phương.

Tổng giám đốc cũng có quyền ủy quyền cho một công ty luật thay mặt công ty làm việc với ông Khong hoặc ông Phương cũng như liên hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý các sai phạm do hai ông này gây ra cho công ty.


Về bà Trần Thị Dung và hợp đồng 153 được ký vào ngày 24/11/2011, bà Diễm cho biết: Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bà Dung đã không thực hiện nghĩa vụ theo các điều khoản của hợp đồng 153 đã ký nên hợp đồng số 153 đã được chấm dứt theo các văn bản hợp lệ từ hai bên và theo đúng những quy định tại hợp đồng số 153.

Việc chấp dứt hợp đồng số 153 đã được các bên thống nhất, ký tên xác nhận tại biên bản làm việc ngày 19-5-2014 với sự có mặt của các bên liên quan là bà Trần Thị Dung, đại diện Văn phòng Luật sư AIC - đơn vị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Trần Thị Dung trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp đồng số 153; đại diện Công ty VIDC và đại diện Công ty Luật Winco.

Theo đó, hai bên sẽ tiếp tục thương lượng, hòa giải để giải quyết hậu quả pháp lý của việc chấp dứt hợp đồng số 153 là khoản tiền bà Dung đã nộp tương ứng với 30% giá trị hợp đồng nêu trên.


Nói như vậy để thấy rằng, người chịu trách nhiệm về những sai phạm cũng như thiệt hại trong quá trình triển khai, thực hiện hợp đồng mua bán số 153/SPA-TH-VIDC chính là ông Nguyễn Chân Phương và ông Khong Sow Kee - những cựu lãnh đạo của VIDC.

Và những nội dung bà Dung đã tố cáo VIDC là hoàn toàn thiếu căn cứ, có dấu hiệu vu khống nhằm hạ thấp uy tín của VIDC. Và điều này phần nào được thể hiện khi trong các 6/3/2014 và 6/8/2015, bà Dung đã dẫn người đến chặn hết các lối ra vào của khu văn phòng chính của VIDC hòng ép buộc ông Lawrence thỏa hiệp với các yêu cầu phi lý của bà, buộc VIDC phải cầu cứu đến Công an phường La Khê nhờ can thiệp.


Được biết, cá nhân ông Lawrence và VIDC đã chuyển đơn tố cáo cùng toàn bộ hồ sơ có liên quan đến tranh chấp Hợp đồng 153 cùng việc đánh tráo, làm giả Hợp đồng của ông Phương cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ!


Nguồn:Năng lượng mới
Bình luận
vtcnews.vn