Nhiều khuất tất trong dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Bạn đọcThứ Hai, 17/03/2014 06:30:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều vấn đề khuất tất được kiểm toán nhà nước phát hiện trong quá trình kiểm toán dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1).

(VTC News) – Nhiều vấn đề khuất tất được kiểm toán nhà nước phát hiện trong quá trình kiểm toán dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1).

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng công tác khảo sát, lập dự án còn một số vấn đề như đề cương khảo sát không có nội dung khảo sát thủy văn mà sử dụng các số liệu điều tra, tính toán thủy văn của một số dự án tương tự sát với khu vực tuyến đường đi qua là không tuân thủ đúng Quy trình khảo sát đường ô tô 22TCN 263-2000.

Công tác khảo sát địa chất công trình không được thực hiện khoan bổ sung khi gặp nền đất yếu theo quy định của Tiêu chuẩn 22TCN 263-2000. Mặt khác, tài liệu khảo sát địa chất từ đầu tuyến đến quốc lộ 21 (dài 23km) tận dụng dữ liệu đã khảo sát đoạn Cầu Giẽ - Đoan Vĩ (đoạn tuyến còn lại được khảo sát ở bước thiết kế kỹ thuật; tư vấn đã trình 3 văn bản trình duyệt Đề cương khảo sát bổ sung nhưng không được Bộ GTVT chấp thuận). Công tác lập thiết kế cơ sở chưa đề xuất được phương án hướng tối ưu theo quy định dẫn đến phải thay đổi hướng tuyến 2 lần.
Dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Ảnh: internet)

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, trách nhiệm trên thuộc về Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án 1, Ban quản lý dự án Thăng Long và nhà thầu tư vấn khảo sát lập dự án (TEDI).

Bên cạnh đó, do tồn tại trong công tác khảo sát bước lập dự án và việc lựa chọn phương án thiết kế ban đầu chưa tối ưu đã dẫn đến thời gian lập dự án khả thi (lập quý I/2009 đến tháng 5/2005 dự án mới được phê duyệt) đã dẫn tới việc phải điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư 2 lần với giá trị tăng từ 3.734 tỉ đồng lên 8.974 tỉ đồng. Thời gian thi công bị kéo dài.

Với tồn tại này, Kiểm toán Nhà nước nhận định trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 1 (PMU1), Ban Quản lý dự án Thăng Long và nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế (TEDI).

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định của Chính phủ. Cụ thể, thiết kế kỹ thuật được lập và phê duyệt có nhiều thay đổi về quy mô và hướng tuyến so với thiết kế cơ sở nhưng chủ đầu tư không lập và trình duyệt điều chỉnh dự án trước khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Một số gói thầu chủ đầu tư còn phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toàn và tổ chức đấu thầu xong trước phê duyệt điều chỉnh dự án. Trách nhiệm này thuộc về Bộ GTVT.

Trong công tác khảo sát, thiết kế, lập và phê duyệt dự toán đã áp dụng định mức hạng mục “Giếng cát đường kính D400mm” không đúng quy định. Trong hệ thống định mức hiện hành của nhà nước chưa có định mức thi công giếng cát nhưng chủ đầu tư đã không căn cứ vào yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công, điều kiện thi công và phương pháp xây dựng định mức dự toán theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng để xây dựng định mức cho công tác này.

Việc áp dụng định mức cọc cát cho giếng cát không phù hợp với thực tế thi công giếng cát của dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến giá dự toán và giá gói thầu. Qua tính toán theo hồ sơ quản lý chất lượng của hạng mục giếng cát tại các gói thầu thì hao phí máy thi công thực tế thấp hơn nhiều lần so với hao phí máy dự toán đang áp dụng, trung bình thấp hơn 10,5 lần. Do vậy, tổng giá trị dự toán của các gói thầu được kiểm toán bị tăng lên là 305,6 tỉ đồng.

Về khối lượng dự toán, Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện việc dự toán bóc tách sai khối lượng so với khối lượng trên hồ sơ thiết kế kỹ thuật làm tăng giá trị dự toán công trình trên 1,7 tỉ đồng (gói thầu số 2 cầu Phú Thứ cốt thép dầm chủ tính thừa 101 tấn, cốt thép mố tính thừa 6 tấn, lắp dựng tháo dỡ hệ đà giáo đổ bê tông tính thừa 318 tấn). Việc áp dụng sai hệ số quy đổi đất đắp K95 và K98 (cao hơn so với định mức quy định của nhà nước) làm tăng khối lượng đất đắp, dẫn tới làm tăng giá trị dự toán trên 1,6 tỉ đồng.

Tổng hợp các sai lệch trong công tác dự toán so với tổng dự toán tính đúng của các gói thầu được duyệt, theo Kiểm toán Nhà nước, là gần 311 tỉ đồng. Để xảy ra những sai sót nêu trên, Kiểm toán Nhà nước khẳng định trách nhiệm trong việc này thuộc về Bộ Xây dựng khi chậm xây dựng và công bố định mức giếng cát, Bộ GTVT đã sai sót trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự toán, còn Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã quản lý vốn đầu tư không chặt chẽ và Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã vận dụng định mức trong việc lập dự toán không đúng quy định của nhà nước.

Về công tác quản lý chất lượng công trình, cụ thể là thi công giếng cát chưa tuân thủ đầy đủ các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án. Trách nhiệm thuộc về VEC, Ban QLDA Cầu Giẽ - Ninh Bình và nhà thầu tư vấn giám sát là công ty Quality Couriers Interational S.E.A (QCI – Cu Ba).

Việc kiểm định chất lượng công trình cũng đã phát hiện nhiều vấn đề như: một số mẫu bê tông nhựa (hạt mịn, hạt trung) và thành phần hạt của các lớp kết cấu không đạt yêu cầu. Một số mẫu được kiểm định có hàm lượng hạt lọt qua các cỡ sàng tiêu chuẩn, nhỏ hơn quy định. Kiểm tra chiều dày lớp kết cấu áo đường đã phát hiện lớp đá dăm đen tại 3 gói thầu (gói 1, 2 và 4) đã có tới 6 mẫu không đạt; tại gói thầu số 5 và gói thầu số 6 có nhiều mẫu chiều dày không đạt yêu cầu thiết kế. Trong đó tại gói thầu số 6 có tới 62/98 mẫu bê tông nhựa hạt mịn, 33/98 mẫu lớp bê tông nhựa hạt trung và 23/98 mẫu lớp đá dăm đen không phù hợp với dung sai cho phép.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị VEC điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính, quyết toán vốn đầu tư thực hiện tới hết ngày 30-6-2013; giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện đến tháng 6-2013 số tiền trên 346 tỉ đồng. VEC phải khẩn trương thu hồi số tiền tạm ứng chưa thu hồi hết theo quy định của hợp đồng là 30 tỉ đồng; mở rộng phạm vi kiểm định đối với những chỉ tiêu có sai sót: thành phần hạt của các lớp cấp phối đá dăm và các lớp bê tông nhựa, độ chặt, chiều dày của các lớp bê tông nhựa và độ bằng phẳng ngang của mặt đường tại tất cả các gói thầu của dự án.

Riêng đối với gói thầu số 5 và số 6 phải kiểm tra lại chiều dày các lớp bê tông nhựa theo đúng quy trình nghiệm thu trên cơ sở kế thừa kết quả kiểm định của Trung tâm Khoa học công nghệ GTVT để xử lý theo quy định. Đồng thời tiếp tục theo dõi lún để xử lý kịp thời nhằm đảm bảo giao thông êm thuận.

VEC phải tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để xảy ra những vấn đề mà kiểm toán đã chỉ ra. Đồng thời, đề nghị VEC phải kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của Ban Quản lý dự án Cầu Giẽ -Ninh Bình, các cá nhân được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, quản lý, nghiệm thu tại hiện trường và nhà thầu tư vấn giám sát là Công ty Quality Couriers Interational S.E.A.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo VEC thực hiện nghiêm các kết luận đã được nêu ra; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan của bộ trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự toán các gói thầu trong đó đã chấp thuận định mức thi công giếng cát D400 không đúng quy định, không phù hợp với tình hình thực tế của dự án.

Kiểm tra, chỉ đạo ngay các đơn vị, chủ đầu tư dự án tương tự có liên quan đến việc áp dụng định mức thi công giếng cát để ngăn chặn kịp thời nguy cơ gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư của nhà nước. Ngoài ra Bộ GTVT phải có biện pháp chỉ đạo kiểm điểm, xử lý phù hợp theo quy định đối với nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế TEDI do có sai sót trong việc áp dụng định mức thi công giếng cát D400 không đúng quy định, không phù hợp với tình hình thực tế của dự án.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kiến nghị và báo cáo về Kiểm toán Nhà nước trước ngày 30/6/2014.

Mọi thông tin phản ánh xin gửi về email: [email protected] hoặc liên hệ trực tiếp đến đường dây nóng 01255.911.911.

Nam Minh
Bình luận
vtcnews.vn