Nhật ký bỏ dở của tướng cướp khét tiếng Hiền đầu bạc

Pháp luậtThứ Hai, 03/05/2010 01:11:00 +07:00

Tội ác kinh hoàng của tướng cướp Hiền đầu bạc là câu chuyện đẫm máu và nước mắt, là minh chứng mong manh cho việc kiểm soát bản ngã trong mỗi con người...

Hành trình tội ác kinh hoàng của tướng cướp Hiền đầu bạc tức Nguyễn Mạnh Hiền là câu chuyện đẫm máu và nước mắt, nó cũng là minh chứng mong manh cho việc kiểm soát bản ngã trong mỗi con người...

Đổi xác bằng vàng ròng

Địa bàn nơi tướng cướp Hiền đầu bạc từng tác quái 
Thấm thoắt đã 20 năm kể từ ngày lực lượng công an tỉnh Thanh Hoá và Hà Sơn Bình (cũ) triệt phá thành công băng nhóm tội phạm do tướng cướp Hiền đầu bạc cầm đầu trên núi Kịt Toong Hoong (huyện Bá Thước - Thanh Hoá), người ta vẫn không khỏi tự đặt câu hỏi: Vì sao con đường tội ác của tên tội đồ này lại kinh hoàng và dã man đến thế? Vì sao một kẻ đứt gánh giữa đường, bẻ ngang từ một sinh viên đại học lại có thể nhanh chóng trở thành tướng cướp? Một thời, hai từ tuớng cướp đã gieo rắc nỗi kinh hoàng tột độ trong quần chúng nhân dân. Đồng thời hai từ tướng cướp cũng tự thân nó bao trùm một nỗi sợ sệt, ám ảnh mơ hồ, không rõ nét, song cũng đầy phập phồng lo âu, mỗi khi đề cập đến. Hiền đầu bạc đã có tất cả những điều đó. Tội ác, sự đẫm máu và tàn độc. Song cuộc đời đều có giá của nó.

Để bạn đọc tiện theo dõi, trước hết chúng tôi xin “phác thảo chân dung” nhân vật chính của loạt phóng sự này là Nguyễn Mạnh Hiền, sinh năm 1965, ở Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Hiền từng học đến năm thứ 3 trường Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội), nhưng do một câu nói của bà hàng nước nên Hiền đã đánh nhau với bạn và bị nhà trường đình chỉ học tập một năm. Tuy còn rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi nhưng tóc Hiền đã lốm đốm bạc, vì vậy, gã có biệt danh là Hiền bạc, hay Hiền đầu bạc.

Bị kỷ luật, Hiền về quê và nhanh chóng đi vào ngõ cụt, trở thành một tướng cướp khét tiếng, rồi vào tù ra tội. Đến nỗi sau khi xử bắn Hiền trên núi Hàm Rồng, đám đệ tử của y còn đánh tiếng rằng ai lấy được xác của y mang ra, cân lên nặng bao nhiêu sẽ đổi lại từng ấy trọng lượng là vàng...

Làm loạn một góc trời

Địa danh hoạt động phạm pháp của Hiền đầu bạc là khu sinh cảnh Pù Luông, theo tên gọi của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất xứ Thanh. Và nói đến Pù Luông, nhiều người hẳn biết là một khu rừng hoang sơ của hệ sinh thái núi đá vôi trải dài từ Mai Châu của tỉnh Hòa Bình nối với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn và Vườn quốc gia Cúc Phương, tạo thành liên khu sinh cảnh đá vôi Pù Luông - Cúc Phương hùng vĩ vào loại nhất nhì miền Bắc Việt Nam.

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, trong các hang động trên dãy núi Pù Luông trùng điệp, hàng ngàn người dân từ khắp nơi trong vùng đổ về đây với hy vọng đổi đời. Có khi, mỗi hang vừa lọt được một người, không khí để thở là từ những cái máy nén khí bơm xuống, chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng có thể biến hốc đào vàng thành huyệt chôn người.

Sau khi bị nhà trường kỷ luật,  Hiền đầu bạc về quê và có mặt tại các bãi đào đãi vàng nói trên. Tuy nhiên, Hiền không đến đây để đào đãi vàng như hàng ngàn người khác, mà lại bắt đầu “lấy số, lấy má” cho một hành trình tội ác về sau bằng việc chuyên đi cướp vàng, tiền, hàng của cả dân đào vàng lẫn người bán hàng trong khu vực Son Bá Mười. Không lâu sau, Hiền đầu bạc bị Công an bắt và bị TAND tỉnh Thanh Hoá tuyên phạt 8 năm tù giam về tội trộm, cướp tài sản công dân. “Cư dân” các bãi vàng thở phào vì một mối lo vừa nhen nhúm đã được cất bỏ.

Thế nhưng, mới thụ án được khoảng 1 năm tại Trại cải tạo Thanh Phong, Thanh Hoá, Nguyễn Mạnh Hiền đã bàn bạc với 3 phạm nhân trong buồng giam là Lê Văn Thành (tức Thành toét), phạm tội trộm cắp tài sản công dân, án phạt 34 tháng tù giam; Cao Hải Chi, án xử 8 năm tù giam tội trộm cắp tài sản XHCN; Nguyễn Văn Kim, bắt tập trung cải tạo 3 năm, rủ nhau cùng trốn trại. Nửa đêm 26/12/1989, lợi dụng sự sơ hở của quản giáo, Hiền và đồng bọn thay nhau dùng lưỡi cưa cắt đứt 2 thanh chấn song sắt trên cửa sổ buồng giam số 1, bẻ cửa trốn khỏi trại cải tạo Thanh Phong.

Nguyễn Mạnh Hiền sau khi trốn thoát đã rủ Lê Văn Thành quay lại bãi đào đãi vàng ở vùng núi cao thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, nơi trước đây tên Hiền và đồng bọn đã tổ chức cướp tài sản công dân, để ẩn náu và tiếp tục khuấy đảo một vùng tạo nên những câu chuyện hư thực mà cho đến nay nhắc đến người ta vẫn không khỏi run rẩy khiếp hãi.

Đầu tháng 3/1990, Hiền cùng Thành toét xách súng K54 tổ chức đột nhập bất ngờ vào lán ở của Nguyễn Văn Dũng (Dũng chư), ở Lâm Xa, Bá Thước, Thanh Hoá khống chế, đe doạ Dũng rồi cướp của hội này 2 khẩu súng AK, hai băng tiếp đạn có 60 viên.

Ngay sau đó, 2 tên lại tiếp tục đột nhập vào lán Sơn Sâm, quê ở huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá, lấy đi 1 súng K54 có 8 viên đạn. Có súng, bọn chúng tiếp tục sử dụng vào hoạt động phạm tội khác. Ngày 8/3/1990, Hiền sai Thành toét, Trịnh Văn Sĩ (tức Sĩ Giao) cùng một số tên đệ tử khác đem súng K54, AK bắt đầu đi cướp của chính các bưởng vàng. Nắm tình hình này các cơ quan chức năng đã sớm có biện pháp nhưng nơi thâm sơn cùng cốc không dễ gì tiếp cận, phá án...

Khi công an bắt được em trai Hiền, y đã tuyên bố sẽ giết hết người trên núi nếu không thả em hắn ra, để đảm bảo an toàn, cơ quan công an đã phải thả em hắn để tính kế bắt gọn sau này.

Sát thủ máu lạnh

Kiểu “cai trị quân phiệt” của Nguyễn Mạnh Hiền cũng bắt đầu gây nên mâu thuẫn ngay trong chính nội bộ của chúng. Hiền đầu bạc khống chế, ép buộc các hội đào vàng khác phải phục tùng hội của Hiền. Bất cứ ai muốn đào đãi vàng đều phải mua hàng của y với giá rất đắt và phải bán vàng cho y với giá rất rẻ, ai trái lệnh thì bị trừng trị, nhưng khi ăn chia trong hội lại không sòng phẳng.

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi ngày 2/4/1990, Lê Văn Chiến (SN 1965, ở Cẩm Phong, Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá) và Trịnh Văn Sỹ (tức Sỹ Giao) giắt theo súng K54 bất ngờ đến lán ngủ của Hiền đầu bạc, Thành côi, Thành toét ở hang Mó nước Công Cộng, đứng trước cửa lán tuyên bố: "Hôm nay, tao sẽ bắn chết chúng mày!”. Dứt lời, Chiến dùng súng K54 bắn liền 1 phát vào ngực Thành côi làm tên này bị thương nặng. Khi tên Chiến định bắn tiếp phát thứ hai thì súng bị hóc đạn. Thấy vậy, Thành toét lao vào quật ngã tên Chiến xuống đất và cướp được súng. Cả hai vật lộn nhau và cùng ngã từ lán xuống hố nước cạnh đó. Thấy vậy, Hiền lấy súng ra bắn Sỹ Giao làm tên này sợ quá bỏ trốn đến nay lực lượng công an cũng chưa bắt được.

Sau đó, khi Chiến lăn xuống hố nước chưa kịp đứng dậy, tên Hiền liền dí súng AK vào đùi trái Chiến bóp cò. Đạn nổ 3 viên liên tiếp làm vỡ toang đùi tên Chiến. Chưa bõ tức, dù súng còn rất nhiều đạn, Hiền đầu bạc vẫn vứt súng, lấy gậy ô rô đập vào đầu Chiến đến chết. Xong xuôi, Hiền sai Hòa đớ cùng một số thanh niên ở Hà Sơn Bình lên đào vàng đưa Thành côi đi cấp cứu tại Bệnh viện Hà Sơn Bình. Khi Thành côi được băng bó vết thương xong, lập tức y cùng đồng bọn bỏ trốn khỏi bệnh viện và lén lút đến nhà ông Phạm Như Lai, cậu ruột của Hiền đầu bạc ở 69 Lò Sũ, Hà Nội để ẩn náu và chữa bệnh cho Thành côi...

Trung tuần tháng 4/1990, khi Thành côi được chữa khỏi vết thương, anh em Hiền -Hoà cùng Thành ở lại Hà Nội ăn chơi. Và chỉ trong vòng 1 tuần, chúng tiêu hết 8 cây vàng mà Hiền đem theo rồi rủ nhau quay về hang Kịt, tiếp tục đào đãi vàng. Lúc này Hiền đã lên đến đỉnh của sự tàn khốc và được mệnh danh là chủ bưởng của các bưởng vàng, đầu gấu của các đầu gấu, đầu bò. Để bảo vệ cho việc khai thác vàng và chống trả lực lượng truy bắt, tên Hiền đã thu mua 4 khẩu súng AK, K54 và gần 600 viên đạn; 40 quả bộc phá và rất nhiều mìn các loại, lựu đạn... Có vũ khí, Nguyễn Mạnh Hiền đã đe dọa, khống chế những người làm vàng cho y, đồng thời cũng để củng cố tinh thần cho số tay chân thân cận...

Trả giá

Tình hình trật tự trị an xã hội ngày càng phức tạp trên khu vực hang Kịt, đặc biệt, hành vi phạm tội của Nguyễn Mạnh Hiền và đồng bọn đã rất nguy hiểm, nếu để tồn tại, phát triển sẽ là mầm mống của hoạt động phỉ, có thể chúng sẽ móc nối với các tổ chức phản động bên ngoài để chống phá chính quyền. Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá đã báo cáo với Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), thành lập một Ban chuyên án gồm lực lượng chi viện của Bộ, Công an các địa phương và lực lượng Quân đội, giao cho Phòng CSHS Công an tỉnh Thanh Hoá làm chủ công, để truy quét băng nhóm này.

Ngày 12/9/1990, một mũi tấn công thẳng vào trung tâm. Đến lúc này, các đối tượng đã nhớn nhác, náo loạn. Trước sự tấn công quyết liệt của lực lượng truy quét, thấy chỗ nào cũng có tiếng súng, đang ở trong hang Bương với người tình, Hiền đầu bạc hoảng loạn ra lệnh cho đồng bọn tháo chạy. Bản thân y cũng vội vàng, không kịp mặc cả quần áo, kéo thị Đức trốn lên núi.

Đến đêm 13/9, Hiền đầu bạc về làng Hang, xã Lũng Cao, vào nhà anh Vi Văn Là lấy quần áo để thay rồi sang nhà ông Vi Văn Sầm, đe dọa, bắt ông Sầm phải cho y trốn lên sàn nhà, khi đó đang treo kín mít ngô, lúa. Sáng 14/9, tổ công tác gồm 10 người đã truy lùng tên Hiền tới làng Hang. Nhận được ám hiệu của một bé gái, tổ truy kích đã nhanh chóng bao vây ngôi nhà nơi Hiền đầu bạc đang lẩn trốn và đã bắt được y, thu 1 khẩu súng K54 còn 1 viên đạn đã lên nòng. Đến sáng 14/9, tất cả tổ chức của Hiền đầu bạc gồm 23 tên lần lượt bị bắt giữ, kể cả những tên đã vượt được rừng, chạy trốn sang Hoà Bình và các huyện khác của tỉnh Thanh Hoá. Riêng tên Võ Văn Hoà được tên Hiền giao cho 1 khẩu súng AK với 30 viên đạn để canh gác đã trốn lên núi, giấu súng đạn rồi trốn về nhà ở Cẩm Sơn, Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Ngày 1/10/1990, gia đình đã đưa Hòa đến Công an tỉnh Thanh Hóa đầu thú, còn khẩu súng và 30 viên đạn, Cơ quan điều tra đã tổ chức truy tìm nhưng không thu hồi được...

Dòng nhật ký của tên tướng cướp

Trước ngày bị xử bắn, tên Hiền vẫn còn mưu mô tìm cách vượt ngục. Sau khi lấy trộm được chùm chìa khóa của quản giáo, Hiền mở cùm chân, mở 3 lần cửa khóa rồi trốn thoát khỏi trại tạm giam, lẩn lên núi Long định xuống QL1A tìm đường trốn tiếp.

Hắn mò ra thị trấn Cẩm Phong lấy trộm bộ quần áo thì bị phát hiện và bị bắt lại 1 ngày sau đó. Bản thân Hiền, trong cuốn nhật ký của y mà CQĐT thu được cũng từng đặt câu hỏi: "Tội phạm là gì?”. Trong thâm tâm hắn hẳn biết rõ câu “ân đền oán trả” của giới giang hồ nên chắc cũng nhiều lần kinh sợ nhưng lại vẫn cuốn theo vòng xoáy của tội ác. Ngày 1/11/1991, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên án tử hình đối với y, đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của một tướng cướp...





Theo Pháp luật&Cuộc sống

 

 

Bình luận
vtcnews.vn