"Nhật Bản đừng lặp lại những sai lầm như ở Chernobyl"

Thế giớiThứ Tư, 27/04/2011 11:16:00 +07:00

(VTC News) - "Tôi hy vọng Nhật Bản sẽ không lặp lại những sai lầm như đã xảy ra sau vụ tai nạn ở Chernobyl" - Viện trưởng Viện An toàn hạt nhân LB Nga chia sẻ.

(VTC News) - Hôm qua 26/4 là ngày toàn thế giới kỉ niệm 25 năm thảm họa Chernobyl, thảm họa hạt nhân lớn nhất trong lịch sử loài người. Xảy ra trong bối cảnh những lo ngại về nguy cơ hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima I sau động đất và sóng thần không ngừng tăng cao, một cách tự nhiên, người ta không khỏi liên hệ và so sánh giữa 2 vụ việc.

Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn của ông Leonid Bolishov, Viện trưởng Viện An toàn hạt nhân LB Nga với đài NHK của Nhật về tình trạng của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl hiện nay, cũng như những bài học rút ra sau vụ nổ kinh hoàng 25 năm trước.

- Thưa ông, hiện nay nhà máy điện Chernobyl cũng như khu vực xung quanh nhà máy này như thế nào?

- Cách nhà máy điện nguyên tử Chernobyl 30km, có một thành phố có tên là Pripyat. Sau khi xảy ra vụ nổ này, người dân ở đây đã sơ tán đi nơi khác, thành phố này đã bị bỏ hoang từ đó tới nay.

 Viện trưởng Viện An toàn hạt nhân LB Nga Leonid Bolishov

Người ta vẫn phát hiện ra mức phóng xạ cao hơn quy định trong các loại nấm và hoa quả mọc ở những khu vực xung quanh nhà máy. Tuy nhiên, một số cư dân cũ đã trở về sống trong những ngôi nhà của họ nằm trong phạm vi bán kính 30km.

Sau khi tai nạn xảy ra, người ta đã xây dựng một lớp vỏ bọc giống như "quan tài" khổng lồ chôn lò phản ứng số 4 nhằm ngăn chặn chất phóng xạ phát tán ra ngoài. Tuy nhiên công trình này cũng chỉ mang tính chất tạm thời; hiện nay, nó đã bắt đầu có dấu hiệu bị nứt, thủng đôi chỗ; do đó, nguy cơ chất phóng xạ phát tán ra ngoài đang xuất hiện trở lại.

Người ta đã tính tới việc xây dựng một mái hình vòm ở một nơi khác rồi sau đó mang tới Chernobyl, dùng ròng rọc để kéo lên, trùm lên vỏ bọc hiện tại. Tuy nhiên kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được do có khó khăn về tài chính.

- Tai nạn tại nhà máy điện Chernobyl và nhà máy điện Fukushima I có những giống nhau và khác nhau như thế nào?

- Trước hết đây đều là sự cố về hạt nhân lớn. Tuy vậy, lượng chất phóng xạ trong hai vụ có khác nhau. So với tai nạn Chernobyl, thì lượng phóng xạ rò rỉ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I ít và phạm vi rò rỉ cũng không rộng lắm.

 "Thành phố chết" xung quanh Chernobyl

Kinh nghiệm từ vụ nổ nhà máy điện Chernobyl, chúng tôi được biết rằng những khu vực bị nhiễm phóng xạ không thể quy thành một khu vực vòng tròn, có bán kính rõ ràng, bởi có khu vực nằm trong phạm vi bán kính 10km từ nhà máy, nhưng lại không bị nhiễm xạ, trong khi có những khu vực xa hơn thì lại bị nhiễm xạ.

Tuần trước, chính phủ Nhật Bản đã quy định những khu vực nằm trong vòng bán kính 20km tính từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I là khu vực không được ra vào. Nhưng theo tôi cần phải kiểm tra tình hình thực tế rồi mới đưa ra quy định, chứ không nên quy chung vào một khu vực trong phạm vi bán kính 20km như vậy.

Về mặt này, tôi hy vọng rằng chính phủ Nhật Bản sẽ không lặp lại những sai lầm như đã xảy ra sau vụ tai nạn ở nhà máy điện Chernobyl.

Chủ quản nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, Công ty Điện lực Tokyo TEPCO đã kiểm tra bên trong lò phản ứng số 1 trước khi đưa nước vào làm nguội các thanh nhiên liệu ở đây. TEPCO có kế hoạch bơm nước vào buồng chứa của các lò phản ứng số 1 và số 3 cho tới giữa tháng 7 để làm ngập các thanh nhiên liệu và làm nguội chúng một cách ổn định.

Mực nước trong lò phản ứng số 1 hiện nay được cho là sâu khoảng 6 mét. Nhằm làm ngập các thanh nhiên liệu, TEPCO sẽ phải bơm thêm nước vào buồng chứa sao cho nước ngập khoảng 18 mét.

Hôm qua 26/4, công ty này đã đưa robot điều khiển từ xa vào trong lò số 1 để kiểm tra xem có rò rỉ hay hư hại gì hay không. Robot không phát hiện vấn đề gì lớn. TEPCO dự định bắt đầu từ ngày hôm nay 27/4, sẽ thử tiến hành tăng lượng nước bơm vào lò số 1 lên 14 tấn/giờ.

Cùng lúc, công ty này đã bắt đầu phun hoá chất làm đông cứng bụi phóng xạ, nhằm ngăn các chất phóng xạ phát tán rộng.

Sau hai vụ nổ khí Hydro tại 2 trong số 6 lò phản ứng hồi tháng 3 vừa qua, bụi phóng xạ đã phát tán ra xung quanh khu vực nhà máy này. TEPCO cho biết sau 3 tuần phun thử kết quả cho thấy việc làm này đã ngăn không cho bụi phóng xạ phát tán ra xa, và dự định sẽ cho phun 1 triệu mét khối loại hoá chất này trên khu vực rộng 500.000 mét vuông cho tới cuối tháng 6 năm nay.

Một xe phun hoá chất tự động sẽ được sử dụng để phun hoá chất từ xa, nhằm đảm bảo công nhân không bị nhiễm phóng xạ.

Sau khi phun hoá chất làm đông cứng bụi phóng xạ, người ta dự tính sẽ phủ lên trên các toà nhà chứa lò phản ứng này những màng che khổng lồ để ngăn không cho phóng xạ rò rỉ ra ngoài.


Đ.L.(theo NHK)

Bình luận
vtcnews.vn