Nhận diện những tàu Trung Quốc được phép vào Biển Đông

Thời sựThứ Hai, 10/03/2014 06:09:00 +07:00

Để phục vụ cho công tác tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia gặp nạn, Việt Nam đã cấp phép cho 2 tàu Trung Quốc và 1 tàu chiến Mỹ vào Biển Đông.

 Thông tin trên được Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, theo Bộ Ngoại giao, chiều 9/3 đã nhận được công hàm của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam về việc 2 tàu của nước này đang trên đường di chuyển xuống vùng biển được cho là máy bay Malaysia đang mất tích, nước này cũng xác nhận trên máy bay có 150 công dân Trung Quốc. (Trong ảnh: Tàu hộ vệ Miên Dương (528)

 Được biết, 2 tàu của Trung Quốc tiến về Biển Đông nước ta với danh nghĩa thực hiện sứ mệnh tìm kiếm công dân nước này. Bao gồm: Tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn (999) khởi hành từ thành phố Zhanjian Quảng Đông vào rạng sáng 9/3 với 120 thủy thủ đoàn, tàu mang theo 2 trực thăng, 10 thợ lặn, 52 lính thủy đánh bộ và các nhân viên y tế. Cùng tàu chiến Miên Dương (528) thuộc lớp tàu hộ vệ Type 053H3. (Trong ảnh: Tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn 999)

 Trong đó Tĩnh Cương Sơn là tàu đổ bộ Type 071 có lượng giãn nước lớn nhất trong biên chế Hải quân Trung Quốc, do nhà máy đóng tàu Phố Đông-Thượng Hải đóng và hạ thủy ngày 8/11/2010. Đây là chiếc thứ 2 thuộc Type 071, chiếc đầu tiên mang số hiệu 998 Côn Luân Sơn được hạ thủy tháng 12/2006.

 Đây là tàu thuộc dạng tàu vận tải đổ bộ binh lính và các phương tiện tác chiến như: Tàu đổ bộ đệm khí, tàu xung phong, xe chiến đấu các loại và binh lính lên bờ. Tàu đổ bộ Type 071 có thể hợp thành với tàu khu trục thành một biên đội tác chiến đổ bộ lập thể.

 Các thông số cơ bản: Chiều dài: 210m, rộng: 28m, mớn nước 7m, lượng giãn nước 20.000 tấn. Tàu được lắp đặt 4 động cơ Diezen với hệ thống động lực 2 trục đẩy.

 Vũ khí: Phía đầu tàu gắn 1 bệ pháo hạm 76mm kiểu mới, 2 bên thân là 2 bệ pháo phòng không tầm gần. Ngoài ra tàu còn lắp đặt thiết bị phóng nhiễu kim loại tầm gần để đánh lừa tên lửa địch.

 Tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn (999) có thể chuyên chở hơn 800 lính hải quân đánh bộ, sàn chuyên chở thiết giáp có thể mang theo 24-32 chiếc xe đột kích lưỡng thê tốc độ cao loại ZBD-05 hoặc xe thiết giáp lưỡng thê loại 63A.

Boong máy bay có thể đồng thời cất, hạ cánh 2 chiếc trực thăng hạng trung Z-8, nhà kho máy bay có thể chứa được 3-4 chiếc. Hầm chứa tàu đổ bộ có thể mang theo 4 tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn. 

Trong khi đó chiếc tàu thứ 2 được phép vào Biển Đông lần này là tàu chiến Miên Dương (528) thuộc lớp tàu hộ vệ Type 053H3 dài 112 m, được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại, thủy thủ đoàn gồm 168 người, có thể tàu mang theo 1 trực thăng tuần tra/chống ngầm tìm kiếm tầm thấp, tầm gần. 

 Ngoài 2 chiếc tàu của Hải quân Trung Quốc được phép vào Biển Đông, một chiếc tàu chiến Mỹ cũng được Việt Nam cấp phép tiến vào Biển Đông để thực hiện công tác tìm kiếm chiếc máy bay của hàng không Malaysia gặp nạn. Trong ảnh: Tàu Miên Dương (528). 

Bình luận
vtcnews.vn