Nhạc sỹ "Đưa cơm cho mẹ đi cày" và mối tình sét đánh

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 03/05/2015 11:35:00 +07:00

Nhạc sỹ "Đưa cơm cho mẹ đi cày" và mối tình sét đánh từ "ánh mắt nhìn nhau".

Nhạc sỹ "Đưa cơm cho mẹ đi cày" và mối tình sét đánh từ "ánh mắt nhìn nhau".

Sự gặp gỡ tình cờ với nhạc sĩ Hoàng Long

Là người yêu thích âm nhạc từ nhỏ nhưng khi lớn lên, bố mẹ lại rất thích nghề giáo nên khuyên nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích thi vào ngành sư phạm và ông đã thi đỗ. Và cơ duyên đưa ông đến với âm nhạc cũng thực tự nhiên.
nhạc sỹ hàn ngọc bích
Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích.
Năm 1962, khi vừa tốt nghiệp đại học, ông tình cờ gặp được nhạc sĩ Hoàng Long. Lúc ấy, nhạc sĩ Hoàng Long đã nổi tiếng với các ca khúc: Em đi thăm miền Nam và Nếu bạn muốn tìm tôi. Cuộc gặp gỡ định mệnh khiến Hàn Ngọc Bích tự nhủ: "Nếu bạn có thể làm được, tại sao mình không?".

Và nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích bắt đầu thử sức với sự nghiệp viết nhạc từ đó. Ông may mắn được sự giúp đỡ rất nhiều từ nhạc sĩ Hoàng Long trong đó cuốn sách học âm nhạc in rônêô - những giáo trình hòa âm cơ sở ông được bạn cho mượn như một bảo bối.

"Long giúp tôi rất nhiều, sách giáo khoa, chương trình. Những lúc khó khăn trong suy nghĩ, hay lúc buồn phiền đều tìm đến với nhau. Còn người thầy đầu tiên của tôi, đó chính là nhạc sĩ Mộng Lân. Tôi học được ở thầy những kinh nghiệm quý..." - nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích từng chia sẻ.

Ca khúc đầu tiên nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích viết chính là một sáng tác cho các em thiếu nhi. Bài hát có tựa đề "Cây bàng trước ngõ''với lời ca lạng mạn và đầy yêu thương: "Mùa đông áo đỏ/ Mùa hạ áo xanh/ Cây bàng khi mở hội, là chim đến vây quanh…".

Ca khúc này nhạc sĩ viết năm 1966, khi ấy ông dạy ở Trường cấp III Chương Mỹ, sau đó dự thi cuộc vận động viết ca khúc cho trẻ em của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Cũng trong cuộc thi này, ông còn gửi chùm ca khúc: Rửa mặt như mèo, Sáo sậu là cậu sáo đen, Ca cảnh Hoa bí vàng và đều đoạt giải.

Viết trong nước mắt

Trong kho tàng âm nhạc của mình, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích viết không nhiều nhưng các tác phẩm đều chất lượng và không khó để nhận thấy rằng các sáng tác chủ yếu dành cho thiếu nhi. Với nhạc sĩ, viết nhạc cho thiếu nhi là cách lựa chọn không dễ dàng.

Ông từng nói: "Ai bảo dễ thì rất dễ, vì ca khúc cho thiếu nhi thường ngắn, ít chữ. 16 nhịp là thành một bài hát. Thậm chí lời ca có thể bằng dăm ba câu ca dao là xong. Nhưng nó có chiều được lòng người, có văn hóa cho thiếu nhi, có gửi gắm được điều gì đó như là sự giáo dục đối với các em thiếu nhi hay không mới là điều quan trọng".

Ca khúc Em bay trong đêm pháo hoa với nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích chứa đựng nhiều kỷ niệm xúc động. Ông đã không kìm được nước mắt khi viết những lời ca "vì hạnh phúc, vì đêm chiến thắng sẽ khép lại mấy chục năm trời chờ đợi". Trải dài theo năm tháng, mỗi lần nghe ca khúc này ông đều không giấu được sự xúc động khôn nguôi.

"Tôi không bắt trẻ em khi hát bài này phải rưng rưng. Nhưng tôi nghĩ rằng những người đã đi qua chiến tranh, hiểu mất mát hy sinh như thế hệ chúng tôi thì vẫn còn rưng rưng. Bởi phía sau những tràng pháo hoa, phía sau những nụ cười mừng chiến thắng là nước mắt, là máu xương của cha anh mình, đồng đội mình để có những phút giây hạnh phúc hôm nay", ông từng nói.

Còn với bài Đưa cơm cho mẹ đi cày nhạc sĩ viết ở Thường Tín từ cuối năm 1970, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở vào thời kỳ ác liệt nhất. Chính năm ấy, tác giả mất đứa con gái đầu lòng. Bởi vậy khi nghe ca khúc cảm giác mất mát có phảng phất đâu đó trong bài hát.

Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích bảo năm 1973 rất muốn viết một ca khúc cho các em thiếu nhi nhưng gắn với Bác Hồ. Khi ấy, ông đã đến thăm Lăng Bác nhiều lần nhưng vẫn chưa viết được và phải đến một buổi chiều nắng tháng Tư, ở Vườn hoa Chí Linh, ông mới viết được ca khúc Tiếng chim trong vườn Bác. Đến năm 1992, ông lại hoàn thành thêm bài "Tre ngà bên Lăng Bác".

Cuộc sống hạnh phúc


Ngoài âm nhạc, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích là người may mắn trong đời sống khi ở bên ông là người vợ đẹp, phúc hậu và chăm lo vun vén gia đình. Ông bảo, giữa năm 1968, ông bị "tiếng sét ái tình" của bà xã bởi khuôn mặt sáng ngời ngợi. "Lúc đó "bà ấy” mới 19 tuổi, trẻ măng, được cử về Chương Mỹ (Hà Tây cũ) để làm giám thị trường thi. Hồi đó tôi dạy học ở Chương Mỹ, được cử làm giám thị 1'' - ông từng thổ lộ.

Và từ "ánh mắt nhìn nhau" thủa nào, người nhạc sĩ quyết định đi tìm cô giáo Nguyễn Thị Thanh và giữa họ nảy nở tình yêu. Đầu năm 1970, hai người tổ chức đám cưới và trải qua nhiều cung bậc, lúc buồn khổ lúc hạnh phúc, họ có được hai người con 1 trai 1 gái.
ngọc bích
Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích và vợ.

Người con trai của nhạc sĩ không đi theo nghề sáng tác âm nhạc mà làm kinh doanh. Nhưng điều này không làm cho tác giả ca khúc Đưa cơm cho mẹ đi cày buồn mà trái lại ông có cái nhìn khá cởi mở: "Đừng nghĩ cha làm sáng tác thì con cũng phải sáng tác. Cái này nó có duyên trời" - nhạc sĩ nói.

Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích bao năm vẫn giữ lối sống giản dị, hòa đồng, thẳng thắn, chân tình. Người yêu quý ông thật nhiều và kẻ kỳ thị hẳn là cũng có. Nhưng quan trọng là ông đã để lại một kho báu tác phẩm mà nổi trội là mảng đề tài viết cho thiếu nhi. Ông là một nhạc sĩ không thể thay thế, sẽ sống mãi trong tâm khảm của nhân dân.

Nguồn: Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn