Nhà văn Mỹ sang VN “chơi bóng rổ với Việt Cộng”

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 03/06/2010 09:56:00 +07:00

(VTC News) - Giáo sư, nhà văn Kevin Bowen kể, khi được giáo viên lớp 1 hỏi quốc tịch là gì, con trai ông nói rằng nó có 1 nửa là Ireland và 1 nửa là Việt Nam.

(VTC News) - “Từ khi có thể tự bước đi bước đầu tiên, con trai tôi đã chơi bóng rổ ở sân sau với Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Bảo Ninh, Hữu Thỉnh cùng một loạt những người khác. Khi được giáo viên lớp 1 hỏi quốc tịch là gì, con trai tôi nói rằng nó có 1 nửa là Ireland và 1 nửa là Việt Nam”- Giáo sư, nhà văn Kevin Bowen kể lại.

Ngày 2/6, tại V Resort. Hoà Bình, hội thảo Văn học Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh đã thu hút đông đảo các gương mặt tên tuổi trong làng văn học Việt Nam và Mỹ. Đó là các nhà văn, nhà thơ lớn của VN như Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Lựu, Đỗ Chu, Vũ Quần Phương, Trung Trung Đỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ… và các giáo sư, nhà văn đến từ trung tâm William Joiner - Mỹ.

 Giáo sư, nhà văn Kevin Bowen- Giám đốc Trung tâm William Joiner (phải) trong cuộc hội thảo. (Ảnh: TM).

Nội dung cuộc hội thảo xoay quanh vấn đề phân tích, đánh giá sứ mệnh của văn học Việt Nam và vai trò to lớn của các nhà văn Mỹ - thông qua Trung tâm William Joiner. Trong việc truyền bá văn học Việt Nam đến Mỹ trong gần ba mươi năm qua, không một tổ chức nào có thể thay thế vai trò của William Joiner Centre (WJC) thuộc Đại học Massachusetts (MA) tại Boston, một tổ chức thành lập vào tháng 10/1982.

WJC chọn văn học là lĩnh vực hoạt động độc đáo trong các hướng hoạt động đa dạng của mình, điều mà không một tổ chức cựu binh nào ở Mỹ có được. Nhiều người lính quân dịch từ Việt nam về quy tụ quanh WJC trở thành những nhà văn nhà thơ, có người từng đạt giải thưởng quốc gia. Nhờ văn học, cựu chiến binh Mỹ từ VN trở về có thể xoa dịu vết thương tinh thần, xóa bỏ mặc cảm tội lỗi mà họ gây ra trong quá khứ. Và họ - thông qua tổ chức WJC, đã kiên trì giới thiệu văn học Việt nam đến với độc giả Mỹ suốt 28 năm qua, thiết lập nhịp cầu đặc biệt cho tình hữu nghị của hai dân tộc. Nhờ đó, tăng cường sự hiểu biết của công chúng Mỹ với con người và đất nước Việt Nam, góp phần hóa giải hận thù giữa hai dân tộc.

Nhà văn Lê Lựu - một trong những cầu nối đầu tiên của VN với trung tâm William Joiner - có mặt rất sớm tại Hoà Bình tham dự hội thảo, mặc dù sức khỏe rất yếu. Lê Lựu là nhà văn cộng sản đầu tiên được trung tâm William Joiner mời đến Mỹ, trong thời điểm quan hệ giữa hai chính phủ còn rất căng thẳng. Ông đã mang đến Mỹ thông điệp về văn hoá, lòng nhân ái của dân tộc VN, giúp người Mỹ nhìn thấy một hình ảnh khác về Việt Nam, bên cạnh hình ảnh về chiến tranh liên miên.

Nhà văn Lê Lựu - người được coi là đại sứ hoà bình khi trở thành nhà văn cộng sản đầu tiên được trung tâm William Joiner mời đến Mỹ. (Ảnh: TM).

Nhớ lại những ngày đầu trên đất Mỹ, “đại sứ hoà bình” Lê Lựu chia sẻ: “Cho tới bây giờ, khi VN và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ, tôi vẫn nói thẳng là: Trước kia, người Mỹ không bao giờ quan tâm tìm hiểu đến Việt Nam, chứ đừng nói đến việc họ biết chúng ta có một nền văn học. Có chăng, họ chỉ biết tới Truyện Kiều của Nguyễn Du, bởi trong nhiều cuộc đàm phán ngoại giao, một số quan chức mỹ đã đọc Kiều. Họ không bao giờ nghĩ, ở cái đất nước vùng nhiệt đới nghèo đói và lạc hậu thì có một nền văn học. Chính vì thế, những người Mỹ đầu tiên đến VN phải ngỡ ngàng trước đất nước, con người cùng nền văn hoá lâu đời của chúng ta”.

Sau Lê Lựu, WJC đã đưa các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam đến Mỹ nhiều hơn. Và, khi có sự kết nối thường xuyên, WJC tiến hành dịch hàng loạt ấm phẩm Việt sang tiếng Anh như Thơ từ tài liệu chiến trường (nhiều tác giả), Người đàn bà gánh nước sông (Nguyễn Quang Thiều), Sông núi (thơ Việt Nam qua các cuộc chiến), Đường xa (Nguyễn Duy), Sáu nhà thơ Việt nam; Cây thời gian (Hữu Thỉnh), Từ góc sân nhà em (Trần đăng Khoa), Thơ Thiền Lý-Trần; Thời xa vắng (Lê Lựu)… cùng loạt bài giới thiệu về các tên tuổi văn học lớn: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Hồ Chí Minh…

Giáo sư, nhà văn Kevin Bowen - Giám đốc Trung tâm William Joiner - thổ lộ: “Tôi thật may mắn trong nhiều năm trước được đón tiếp các nhà văn VN ngay tại nhà mình. Nhờ vậy, tôi có thể chia sẻ những giây phút tĩnh lặng với họ bên hành lang sau nhà, cùng nấu ăn, nhìn hoa trong vườn nở. Có những năm Đỗ Chu đã vẽ chân dung mọi người. Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều và sau đó Tô Nhuận Vỹ thay nhau bế đứa con mới sinh Lily của tôi. Từ khi có thể tự bước đi bước đầu tiên, con trai tôi đã chơi bóng rổ ở sân sau với Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Bảo Ninh, Hữu Thỉnh cùng một loạt những người khác. Khi được giáo viên lớp 1 hỏi quốc tịch là gì, con trai tôi đã nói rằng nó có 1 nửa là Ireland và 1 nửa là Việt Nam".

Đặc biệt, trong thời gian 3 nhà văn Việt Nam là Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng, và Nguyễn Khải sang tá túc tại nhà Kevin ở Boston, chiều nào Kevin Bowen cũng chơi bóng rổ cùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Đây chính là nguồn cảm hứng cho việc ra đời bài thơ “Chơi bóng rổ với Việt Cộng” nổi tiếng của Kevin Bowen. Bài thơ này sau đó trở thành tên một tập thơ của ông. Theo Kevin Bowen, bài thơ không chỉ mang ý nghĩa về tình hữu nghị, mà hơn hết truyền đi thông điệp “dù con người có ở hai mặt đối địch thì hãy giải quyết sự cố bằng cách khác, không phải là chiến tranh”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - "nguồn cảm hứng" để Kevin Bowen sáng tác bài thơ nổi tiếng "Chơi bóng rổ với Việt Cộng". (Ảnh: TM).

Tại hội thảo, Kevin Bowen xúc động nhắc lại những kỷ niệm với các nhà văn VN như cùng thể hiện khúc đồng diễn Sông Hương ngay tại sân sau nhà mình ở Dorchester; rồi thì chuyện Chu Lượng, Nguyễn Tử Đức, Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Quang Thuật lập một nhà hát múa rối nước mini, biểu diễn cũng ở khoảng sân đó. Kevin tỏ ra phấn khởi khi nhớ lại cảnh Nguyễn Quang Thiều chỉ đạo một nhóm dân làng ở Ireland hát một bài dân ca Việt Nam. Và tất nhiên, ông cũng nhớ tất cả các bữa tiệc chia tay ở sân sau nhà, lúc các nhà văn Việt Nam nấu ăn và hát dưới những cây đào, cây táo.

Nhìn lại chặng đường gần 30 năm đưa văn học Việt Nam vào Mỹ, tất cả các nhà văn, nhà thơ Việt Nam và Trung tâm William Joiner đều thừa nhận, họ đã có những quãng thời gian khó khăn, chẳng hạn việc không hiểu ngôn ngữ của nhau, sự tấn công thù địch của các cựu binh Mỹ và một số người Việt quá khích tại Mỹ, nỗi tức giận, lòng hận thù ám ảnh của chiến tranh… Nguy hiểm hơn, còn phải chịu cả những lời đe dọa giết, đánh bom. Thậm chí ngay trên đất Mỹ, chương trình Rockefeller đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, những chiến dịch viết thư, bài báo chứa đầy lời lẽ dối trá nhằm bôi xấu cá nhân trong các báo tiếng Việt và một vụ kiện kéo dài 4 năm xung quanh việc đưa văn học Việt đến với công chúng Mỹ.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, kết quả những chuyến đi của các nhà văn Việt Nam tới Mỹ mang ý nghĩa “hồi phục” tư tưởng cho rất nhiều cựu chiến binh Mỹ. “Từ việc tiếp xúc với văn học Việt Nam, chúng tôi không còn hiểu nhầm về đất nước xinh đẹp này. Hơn thế, VN đã trở thành nơi để chúng tôi hành hương. Tôi không chắc là chúng tôi tìm kiếm cái gì, đó có thể là sự hiểu nhau, hoà bình, tình yêu, sự mở mắt” - Kevin Bowen nói.

Trước lời tâm sự của Kevin Bowen, nhà Văn Nguyên Ngọc thẳng thắn: “Mười lăm năm đã trôi qua kể từ ngày quân đội Mỹ rời khỏi VN. Ngày nay, đối với nhiều cựu chiến binh Mỹ, đã đến thời điểm của một cuộc dấn thân khác. Họ quay quay trở lại VN, chấp nhận một bước đi thận trọng đầu tiên vào thế giới im lặng, được khóa kín trên nền hoa cương bóng loáng của đài tưởng niệm. Quay trở lại, đó là để cố gắng phá vỡ bức tường im lặng”.

Kết thúc hội thảo văn học, nhà văn 2 nước đồng nhất quan điểm, sẵn sàng vượt qua mọi ngăn cách của chiến tranh, ngôn ngữ và đại dương để tiếp tục xích lại gần nhau, đưa văn học đến với đông đảo công chúng hai nước. Các nhà văn hai nước cũng nhìn nhận: "Công việc đối thoại, trao đổi, dịch thuật, mở rộng trái tim của chúng ta cho người khác, có thể là nguy hiểm hơn 20 năm trước - khi bắt đầu công việc này. Với ý nghĩ đó, chúng ta nên nhìn vào những thành quả làm được, không phải vì công việc đã đi đến điểm kết thúc, mà vì chúng ta thấy nó mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu".

Giáo sư, nhà văn Bruce Weigl:

"Ngay trong chuyến đi đầu tiên của tôi tới VN sau chiến tranh, vào mùa đông năm 1985, những người VN mà tôi gặp rất hòa nhã và tử tế. Họ tử tế đến mức lúc đầu tôi cảm thấy hơi căng thẳng và không hiểu tại sao họ có thể thích tôi, thậm chí chấp nhận tôi ở đất nước họ, sau khi đất nước tôi có chiến tranh với họ và tôi cũng đã tham gia.

Trong những lần trở lại VN sau đó, tôi quen nhiều hơn các nhà văn, nghệ sĩ, bao gồm cả một số người đã chiến đấu trong chiến tranh. Hóa ra, chúng tôi có nhiều điểm chung, không chỉ là nhà văn mà còn là người lính của cùng một cuộc chiến. Tôi học được từ những người bạn mới rằng, dù chúng tôi từng là kẻ thù, bây giờ chúng tôi có thể là bạn, bởi chiến tranh đã qua đi.

Với tôi, mối quan hệ gắn bó với những nhà văn, cựu binh VN là một trong những mối quan hệ quan trọng và bền vững nhất trong cuộc đời. Tôi không thể nói thay người khác, nhưng những trải nghiệm ở Hà Nội, đặc biệt trong 20 năm qua giúp tôi nhận ra rằng, mình có rất nhiều điểm chung với bạn bè người Việt và gia đình họ. Tôi luôn được đối xử một cách kính trọng trong những chuyến đi tới VN và tôi luôn cảm thấy mình được chào đón". 



Đức Dần - VT 

Bình luận
vtcnews.vn