Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: Người trẻ phải dấn thân và nhập cuộc

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 25/09/2015 08:54:00 +07:00

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng, người trẻ trước hết phải dấn thân và nhập cuộc, điều ấy, có thể tóm gọn trong một chữ 'ĐI'.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng, người trẻ trước hết phải dấn thân và nhập cuộc, điều ấy, có thể tóm gọn trong một chữ 'ĐI'.

Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 2 (Ảnh: Trần Hoàng Hoàng)
Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 2 (Ảnh: Trần Hoàng Hoàng) 
1. Hai mươi hai năm trước (năm 1993), cũng vào những ngày cuối tháng 9 đang Thu, cũng ven bờ Hồ Tây này, Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ nhất đã diễn ra dưới sự tổ chức của Hội Văn học Hà Nội (tên gọi hồi đó).

Tôi khi ấy tuổi đã “băm hơn năm nhát” được vinh dự là một đại biểu. Tại hội nghị, tôi đã đăng ký một bài tham luận nhan đề Tản mạn quanh tiếng trẻ.

Bài tham luận của tôi nói rằng, trẻ là tính về tuổi tác, không phải tính về tài năng, độ chín trong nghề văn. Vũ Trọng Phụng sinh 1912 mất 1939, sống trên đời chỉ 27 năm, vậy mà sự nghiệp văn chương lớn đến thế nào.

Chỉ riêng trong năm 1936 ở tuổi 24 ông đã in ra ba tiểu thuyết Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê, làm kinh khiếp làng văn. Đương thời không ai gọi ông là nhà văn trẻ, chỉ gọi ông là nhà văn Vũ Trọng Phụng.


Chế Lan Viên 17 tuổi xin tiền mẹ và chị in tập thơ Điêu tàn gọi là “thơ Chàm thơ ma”. Đương thời không ai gọi ông là nhà thơ trẻ, chỉ gọi là nhà thơ Chế Lan Viên.

2. Hai mươi hai năm sau, bây giờ cũng đang là những ngày thu cuối tháng 9, vẫn ven Hồ Tây, Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ hai diễn ra do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức. Người đọc tham luận tại hội nghị lần trước giờ đây trước mặt các bạn đang ở cương vị Chủ tịch Hội, tuổi sắp chạm sáu mươi. Và các bạn ngồi đây tuổi là từ bốn mươi đến dưới hai mươi.

Gọi là những người viết trẻ, nhưng các bạn đều đã có trong tay một đến nhiều đầu sách, một số bạn đã trở thành những tác giả quen thuộc trên văn đàn, thậm chí là nổi tiếng. Nhưng tôi và các bạn, chúng ta vẫn đang là những người viết trẻ tuổi 15.

Victor Hugo có câu thơ hay: “Tôi ra đời thế kỷ mới lên hai” vì ông sinh 1802, bằng câu thơ đó nhà thi sĩ Pháp coi mình và thế kỷ là bạn chung đôi. Và ông đã đi hết thế kỷ của mình ở tuổi 83 để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ cho nước Pháp và thế giới.

Chúng ta thì đang ở tuổi 15 cùng thế kỷ hai mốt và cùng cả thiên niên kỷ thứ ba. Đa phần chúng ta ở đây là vắt qua hai thế kỷ. Nhưng các bạn sẽ sống dài hơn với thế kỷ này. Tuổi trẻ và thế kỷ mới sẽ đưa lại cho các bạn những khả năng mới, những khám phá mới trên hành trình sống và làm văn chương.

Trên tinh thần tuổi mười lăm như vậy, ở hội nghị này tôi muốn chia sẻ đôi điều tâm sự cùng các bạn trước hết ở tư cách một người cầm bút.

3. Người trẻ trước hết phải dấn thân và nhập cuộc. Tôi thích bốn câu thơ sau đây của Tố Hữu thuở ông động viên mình và hô hào tuổi trẻ: “Đi bạn ơi sống đủ đầy / Sống tràn sinh lực bốc men say / Sống tung sóng gió thanh cao mới / Sống mạnh dù trong một phút giây”. Sự dấn thân và nhập cuộc này có thể tóm gọn trong một chữ ĐI.

ĐI rộng đến những vùng đất mới, những nơi chưa từng đặt chân đến, những vùng sâu vùng xa, những biên cương hải đảo, chứ không quẩn quanh vùng chân Tháp Rùa. “Cứ đi cứ đi nghe lắm âm thanh mới lạ” (Phạm Tiến Duật). Đó là những âm thanh của cuộc sống mà người trẻ, nhất là người trẻ viết văn, sẵn mắt sáng tai thính lòng trong phải sớm cảm nhận được và cảm nhận sâu sắc.

ĐI sát vào thực tế đời sống của nhân dân, thấu hiểu và chia sẻ những trăn trở, lo nghĩ của người dân, nhất là của những người dân trẻ. Cuộc sống hàng ngày từ những vấn đề trọng đại của đất nước, thành phố, đến những chuyện nhỏ nhặt bình thường của mỗi cá nhân phải luôn được người trẻ quan tâm, chú ý, nhất lại là người trẻ viết văn.

ĐI xa tới tri thức, văn hóa của dân tộc và nhân loại. Người viết trẻ phải trang bị cho mình hành trang tinh thần này để sống trước hết làm một người có văn hóa và để trang văn của mình có hàm lượng văn hóa, có tư tưởng. Phải học và phải đọc, không phải chỉ để “không ai giết được mình” như Chế Lan Viên dặn con gái, mà còn để mình không tự giết mình và giết ai cả.

ĐI sâu trong tư duy để cái nghe thấy, cái đọc thấy biến thành cái nghe hiểu, cái đọc hiểu, từ đó mình có những suy nghĩ riêng của mình trước những hiện tượng, vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.

Sự dấn thân nhập cuộc có thể thấy rõ ở sự bùng nổ lòng yêu nước thời gian qua. Hòa trong khí thế chung của toàn dân, nhiều người viết văn trẻ Hà Nội đã có những sáng tác thiết thực về đề tài biển đảo được phổ biến và yêu thích, chứng tỏ trong họ luôn thường trực mối quan tâm đến thời cuộc và vận nước nhà.

Tiêu biểu có thể nhắc đến bài thơ Tổ Quốc gọi tên mình của nhà thơ Phan Thị Quế Mai, người đã được giải thưởng về thơ của Hội Nhà văn Hà Nội 2010. Bài thơ này đã được phổ nhạc thành ca khúc trầm hùng lay động lòng người.

Phạm Xuân Nguyên
(Nhà phê bình văn học, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội)

Bình luận
vtcnews.vn