Nhà nghiên cứu cam kết “ngăn mưa, đuổi bão” biến mất?

Thời sựThứ Tư, 15/09/2010 03:29:00 +07:00

(VTC News) - Gần một tuần kể từ lúc trả lời trực tuyến, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh dường như “biến mất” khỏi những “ồn ào” của dư luận và báo chí.

(VTC News) - Gần một tuần kể từ lúc nhà nghiên cứu Lý học Đông phương Nguyễn Vũ Tuấn Anh trả lời trực tuyến với độc giả cả nước, ông dường như “biến mất” khỏi những “ồn ào” của dư luận và báo chí.

Liên tục điện thoại cho Nguyễn Vũ Tuấn Anh trong những ngày vừa qua nhưng phóng viên chỉ nhận được tín hiệu tắt máy phát ra từ máy điện thoại của ông.

Do vậy, nguyện vọng muốn ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh thực hiện một “test” nhỏ trước dịp Đại lễ như Dự đoán thời tiết trong ngày của một vùng bất kì của nhiều độc giả, phóng viên đành chuyển qua e-mail. Theo thư trả lời, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho biết, thí nghiệm làm mưa hay những dự báo về thời tiết, ông đã tiến hành và đăng tải rất nhiều trên trang lyhocdongphuong.org.vn, độc giả có thể vào mục diễn đàn của website để tìm hiểu.

“Chờ đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, độc giả sẽ kiểm nghiệm được năng lực của tôi cũng như tính chính xác của lời cam kết tôi đã phát biểu”, nhà nghiên cứu này kết thúc phản hồi.

Trước phản ứng của nhiều độc giả và nhiều nhà khoa học cho rằng những tuyên bố của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh về khả năng “ngăn mưa, bão” trong thời gian diễn ra Đại lễ là “lộng ngôn” và hoang tưởng, trên diễn đàn của website lý học Đông phương, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã nêu ý kiến của mình.

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương 

“Một lý thuyết khoa học xác định: Con bướm vỗ cánh ở rừng Amazon có khả năng tạo ra cơn bão ở Thái Bình Dương và được gọi là "Hiệu ứng cánh bướm". Tất nhiên, không phải con bướm nào vỗ cánh cũng tạo ra cơn bão. Nhưng nó phải vỗ cánh đúng vào lúc hiệu ứng cộng hưởng của nhiều tương tác phức tạp theo chiều hướng tạo ra cơn bão.

Vậy thì về lý thuyết, nếu như con bướm đó bị một lực tác động làm gãy cánh thì cơn bão hoặc mưa sẽ không xảy ra. Vấn đề là con bướm đó đang ở đâu? Hay nói rõ hơn là nguồn lực yếu ớt ban đầu tạo ra cơn bão bị hóa giải thì về lý thuyết cơn bão không xảy ra.

Thứ hai, nếu cách đây 100 năm, trước mặt vua Tự Đức mà cầm điện thoại di động và “tâu” với vua rằng đang nói chuyện bên Tây thì chắc chắn sẽ bị nhà vua coi là hoang đường hơn cả tuyên bố của tôi. Khoa học hiện đại đã có biện pháp ngăn mưa. Nhưng đấy có phải biện pháp duy nhất không? Như vậy, hoang đường hay không thì hãy đợi đã, chiêm nghiệm đã....".

Trên diễn đàn của website Lý học Đông phương, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh cũng đã khái quát nguyên lý sự tác động của ý thức với thực tại môi trường để bảo vệ quan điểm có thể sử dụng “siêu năng lực” của bản thân trong việc “ngăn mưa, bão”: “Sự tác động của ý thức với vật chất đã được thừa nhận từ ngàn xưa dù theo quan điểm triết học duy tâm hay duy vật. Việc dẫn chứng sự tác động của ý thức với hạt cơ bản trong thí nghiệm lượng tử, chỉ là thí dụ được công nhận trong giới khoa học cho dễ hiểu. Bản thân tôi theo quan niệm của Lý học Đông phương không cho rằng hạt cơ bản là cấu trúc cuối cùng có thuộc tính vật chất (bởi vậy tôi xác định "Không có hạt của Chúa").

Thí dụ khái niệm "Khí" trong Lý học là một thực tại vật chất mà tri thức khoa học hiện đại thừa nhận, như khoa Châm cứu trong điều trị Đông Y - và là khái niệm phổ biến thuộc mọi lĩnh vực trong phạm trù Lý học Đông phương. Qua đó dẫn đến một suy nghiệm hợp lý rằng còn nhiều trạng thái tồn tại của vật chất mà tri thức khoa học hiện đại chưa xác minh được.

Vật chất tự nó không nhận thức được nó. Vậy phải có một trạng thái vượt trội tương tác với mọi sự tồn tại và vận động của vật chất (kể cả những thuộc tính vật chất chưa được biết tới). Do vậy, con người biết được qui luật của tự nhiên thì sẽ đem sự hiểu biết ấy phục vụ cho quyền lợi con người. Luận điểm này hoàn toàn chính xác. Nhưng như thế nào là biết được qui luật của tự nhiên thì lại là cả một quá trình tiến hóa của nhận thức trong văn minh nhân loại.

Như vậy, vấn đề là sự ứng dụng phương pháp và giống như mọi phương pháp ứng dụng của khoa học hiện đại, không phải lúc nào cũng thành công và có hiệu quả ứng dụng. Thí dụ như ngày nay, về lý thuyết và cả thực tế con người đã lên mặt trăng nhưng không phải cứ muốn bay lên lúc nào thì bay và không phải không có lúc thất bại.

Như vậy, tôi cũng có thể không thành công trong việc bảo đảm không mưa 7 ngày trong đại lễ. Nhưng mọi việc còn ở phía trước và tôi không muốn thất bại”, Nguyễn Vũ Tuấn Anh viết.

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh cũng chia sẻ trên diễn đàn của trang Lý học Đông phương về lý do ông không làm thí nghiệm: “Có người bảo tôi làm thí nghiệm. Tất nhiên là thí nghiệm lâu rồi, nhiều năm rồi tôi mới dám tuyên bố như vậy. Nhưng đây là lý thuyết ứng dụng, trong ứng dụng tất nhiên sẽ có hiệu quả và sai số. Tôi vẫn có thể thất bại trong lần ứng dụng cụ thể này (cam kết không mưa trong 7 ngày diễn ra Đại lễ - PV). Nhưng tôi đã đặt cọc danh dự tôi vào đây, tôi sẽ phải cố gắng và tôi hy vọng mọi người sẽ ủng hộ tôi”.






Thu Hiền
 

Bình luận
vtcnews.vn