Nhà mạng sẵn sàng bắt tay với OTT

Kinh tếThứ Ba, 31/12/2013 02:03:00 +07:00

(VTC News) - Coi nhắn tin, gọi điện miễn phí OTT là xu hướng công nghệ tất yếu, các nhà mạng đều khẳng định sẵn sàng bắt tay với dịch vụ này.

(VTC News) - Coi nhắn tin, gọi điện miễn phí OTT là xu hướng công nghệ tất yếu, các nhà mạng đều khẳng định sẵn sàng bắt tay với dịch vụ này.

Tích cực hợp tác

Đại diện của Viettel, VinaPhone và MobiFone đều cho rằng các dịch vụ OTT như Viber, Zalo ... hiện đang là vấn đề "đau đầu" với nhà mạng trong suốt năm 2013.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc MobiFone, cho rằng OTT hiện nay hoạt động không khác gì một nhà mạng khi có đầy đủ các tính năng như gọi điện, SMS, MMS và tin nhắn thoại. Tuy nhiên, việc cạnh tranh của OTT với nhà mạng lại có nhiều bất cập.

OTT
Nhà mạng: Hợp tác với OTT là cần thiết 
Trong khi nhà mạng phải tuân thủ luật cạnh tranh ở thị trường Việt Nam thì OTT lại được cung cấp dịch vụ rất tự do, không phải tuân thủ bất cứ rằng buộc pháp lý nào. Bên cạnh đó, OTT cũng không đóng góp được gì cho nhà nước.

Đại diện của MobiFone cho rằng, Bộ TT&TT cần sớm có chế tài cụ thể đối với dịch vụ OTT.


Tuy nhiên phía MobiFone cho biết, nhà mạng này cũng đang rất tích cực tìm cách bắt tay với OTT. Cụ thể, đã có những cuộc gặp gỡ giữa MobiFone và Viber, Zalo nhằm tìm kiếm phương thức hợp tác.

Ông Chiến nhấn mạnh, nhà mạng sẵn sàng là kênh phân phối giá trị gia tăng cho OTT nhằm mang lại lợi ích cho cả 2 bên.


Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó trưởng phòng Kinh doanh VinaPhone, cho rằng mặc dù trong năm 2013, OTT có ảnh hưởng đến doanh thu của nhà mạng này nhưng việc hợp tác cùng phát triển vẫn rất cần thiết. OTT sẽ giúp nhà mạng đổi mới, phát hiện hướng kinh doanh khác nhằm tăng doanh thu.

Còn về phía Viettel, bà Phạm Thanh Vân, Phó Tổng giám đốc, cũng cho rằng OTT đã tác động rõ rệt lên các mảng thoại và SMS của nhà mạng. Mặc dù vậy, nhà mạng này cho rằng không nên chống lại xu hướng công nghệ này, thay vào đó, bắt tay cùng phát triển sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho đôi bên cũng như đối với người dùng.

Nên có chế tài quản lý

Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, bên cạnh sự đồng thuận sẵn sàng hợp tác với OTT, các nhà mạng đều có cùng quan điểm là cần có chế tài quản lý đối với loại hình dịch vụ này. Khung pháp lý không chỉ mang lại sự cạnh tranh lành mạnh mà bên cạnh đó còn tạo nhiều thuận lợi cho người dùng.

Phát biểu về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, trong quá trình tìm hiểu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới về quản lý OTT, một số quốc gia phát triển đã thẳng tay cấm dịch vụ này nhưng ở nhiều nơi lại không quản lý, coi đây là một dịch vụ giá trị gia tăng bình thường.
ott
Việc quản lý đối với OTT là không thể buông lỏng 
Ông Hải khẳng định, OTT là dịch vụ mang lại nhiều tiện lợi cho người dùng Việt Nam, vì vậy không thể cấm. Nhưng để thị trường viễn thông nước ta phát triển một cách lành mạnh, có tính cạnh tranh thì việc quản lý đối với OTT là không thể buông lỏng.


Mặc dù tới thời điểm hiện tại chưa có chính sách quản lý OTT nhưng trong thời gian tới Cục Viễn thông sẽ đề xuất một số giải pháp và định hướng, có lấy ý kiến từ nhà mạng, doanh nghiệp OTT cũng như người dùng, sau đó sẽ trình lên Bộ TT&TT để ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng quan trọng nhất vẫn chính là sự hợp tác giữa nhà mạng và đơn vị cung cấp OTT. Chính sách dành cho OTT vẫn đang mở là để tạo điều kiện cho đôi bên đàm phán đưa ra mô hình hợp tác. Trên cơ sở đó, việc đưa ra chế tài quản lý sẽ giúp các bên đảm bảo doanh thu cũng như người dùng được hưởng dịch vụ chất lượng hơn.

Hà Thanh

Bình luận
vtcnews.vn