“Nhà khoa học gàn” và giấc mơ Nobel

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 02/05/2012 06:13:00 +07:00

Suốt hơn 40 năm, ông đã nghiên cứu ra hơn 40 công trình, giải pháp sáng chế, nhiều sáng chế đã đi vào đời sống người dân. Nhưng giấc mơ của ông là giải Nobel.

Ông là thương binh 4/4, từng là nghệ sĩ phong cầm, rồi bỗng "dở chứng" nghiên cứu khoa học, vì thấy người dân… khổ quá.

Suốt hơn 40 năm, ông đã nghiên cứu ra hơn 40 công trình, giải pháp sáng chế, nhiều sáng chế đã đi vào đời sống người dân.

Từ diệt muỗi, chuột...

Ông là Lê Quý Minh, 77 tuổi ở Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội). Nhà ông Minh nằm sâu trong ngõ Tả Trung, mặc dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông vẫn còn minh mẫn lắm. "Trụ sở nghiên cứu khoa học" của ông rộng chừng 20m2.

Bước vào phòng tôi đã bị "choáng", bởi những chồng sách, báo, rồi trên tường ông treo đủ các loại hình vẽ, mô hình mà ông đã và đang nghiên cứu, rồi những "giấy chứng nhận bản quyền tác giả", do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT) chứng nhận về các giải pháp sáng chế của ông.

Ông Minh là người gốc Hà Nội. Năm 14 tuổi, ông cùng gia đình tản cư về quê ngoại ở Hà Nam Ninh. Tại đây, ông làm liên lạc ở Đại đội 50, Tiểu đoàn 73, thuộc Trung đoàn 34 Hà Nam Ninh. Ông bị thương trong một trận đánh ác liệt, hiện là thương binh hạng 4/4.

Ông Lê Quý Minh và sơ đồ thành phố “Thiên niên kỷ”. 

Mời chúng tôi vào phòng, ông Minh vơ vội mấy cái vỏ mì tôm còn chưa kịp vứt, rồi thanh minh: "Bà ấy mất rồi, tôi thì bận tối mắt, tối mũi với các công trình còn dang dở, chẳng còn thời gian để nấu nướng nên đành chén mì ăn liền cho tiện".

Ông Minh bảo, khoảng năm 1970 ông cảm thấy trong người có nhiều thay đổi, đôi mắt ông cứ như cái ống nhòm vậy. Cứ thấy cái gì bất hợp lý là ông lao vào nghiên cứu, tìm giải pháp.

"Những năm trước chuột nhiều lắm, chuột trong nhà, ngoài đồng phá phách đồ đạc, nhà cửa, mùa màng của người dân mà không có cách nào diệt chúng. Đánh thuốc chuột thì mèo, chó ăn phải cũng chết. Hồi đó họ chủ yếu bẫy chuột bằng bẫy tre, luồng, vừa vất vả lại không hiệu quả, sau nhiều đêm suy nghĩ, nhiều lần thí nghiệm, tôi đã sáng chế ra bẫy diệt chuột bán nguyệt có răng cưa rất hiệu quả. Bẫy nhỏ gọn, nên có thể đặt được ở mọi ngóc ngách, giá thành lại rẻ" - ông Minh cho hay.

Thành công với sáng chế bẫy diệt chuột, như một sự khích lệ và ông lao vào nghiên cứu như một nhà khoa học thực thụ vậy. Thấy ruồi, muỗi nhiều ông lại nghiên cứu vợt cơ năng vợt ruồi, muỗi.

Ông Minh kể: "Ngày xưa ông cha ta cũng đa dùng vợt tre để đập ruồi, nhưng muỗi thì dường như chưa có cách nào để diệt. Dựa trên chiếc vợt tre, tôi đã sáng chế ra chiếc vợt bằng lưới sắt, Inox vợt ruồi, muỗi rất hữu hiệu. Chiếc vợt có màng lưới sắt, hoặc Inox tương tự như vợt muỗi điện bây giờ, nhưng dày hơn, cán có thể bằng tre, sắt. Khi vợt ruồi, muỗi sẽ bị hút vào theo các lỗ của tấm lưới mà chết".

Năm 2002, ông đã được Cục Bản quyền tác giả chứng nhận "Độc quyền tác giả" tác phẩm "Công ty cổ phần Sản xuất nông nghiệp". Trong công trình này ông đã xây dựng lên một công ty sản xuất nông nghiệp, gồm vườn cây ăn quả, rau màu, ao cá ở giữa và vùng trồng lúa.

Mô hình này tương tự mô hình V.A.C, nhưng theo ông Minh thì nó hiện đại hơn, vì ở vườn cây, rau màu sẽ được tưới bằng hệ thống tưới nước tự nhiên, nên sẽ giảm chi phí. Hơn nữa nó được quy hoạch trên diện tích rộng, nên sẽ tạo ra một vùng hàng hóa lớn, mang lại giá trị kinh tế cao.

Cứ như vậy, hơn 40 năm qua ông Minh một mình sưu tầm tư liệu, sách, báo và tự bỏ tiền túi ra để mua giấy bút, vật liệu về nghiên cứu. Công trình nghiên cứu của ông đủ các thể loại, từ những cái nhỏ như bẫy diệt chuột, vợt ruồi muỗi cho đến các công trình mang tầm cỡ quốc gia như: Xây dựng bền vững đập Hòa Duân (Thừa Thiên - Huế) để không bị vỡ; hệ thống thoát nước thông minh cho Hà Nội…

Đến chinh phục sa mạc Sahara

Hiện ông Minh đã có nhiều công trình, sáng chế được Cục Bản quyền tác giả chứng nhận. Tuy nhiên, những công trình này vẫn chỉ nằm trên giấy và thí nghiệm, chứ chưa được chuyển giao, ứng dụng. Ngoại trừ 2 sáng chế bẫy diệt chuột và vợt côn trùng, vì những sáng chế này dễ ứng dụng, rẻ tiền.

Năm 2008, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội mở triển lãm tại triển lãm Giảng Võ, ông may mắn nhận được một gian hàng. Tại triển lãm, ông đã mang 3 sáng chế gồm: Hệ thống thoát nước hình chữ nhật (áp dụng cho các thành phố lớn); hệ thống vòi tưới nước tự nhiên và tàu thuyền vớt bèo, rác tự động, nhưng cả 3 đều không được chuyển giao công nghệ.

Năm 2009, tình cờ ông đọc trên một tờ báo bài "bức tường khổng lồ chắn cát sa mạc". Theo đó, tại một Hội nghị quốc tế mang tên Ted Globar do Trường Đại học Oxford tổ chức, các nhà khoa học đã có sáng kiến xây dựng tại sa mạc Sahara một bức tường khổng lồ dài 6.000km để ngăn cản dòng cát dịch chuyển từ phía Nam của châu Phi… Sáng kiến có vẻ táo bạo, nhưng gấp bài báo lại, ông Minh vẫn không phục lắm bởi việc xây dựng rất tốn kém và khó khả thi.

Trăn trở sau nhiều đêm, cuối cùng ông sáng kiến ra "công trình khoa học" mang tên "Chương trình chinh phục hoang mạc Sahara - Atacama - Ninh Thuận, Bình Thuận - Việt Nam". Với công trình này, ông Minh khẳng định sẽ vô hiệu hóa được hiện tượng cát bay.

Ông Minh lý giải: "Cách làm của họ mang tính đối đầu với thiên nhiên. Giải pháp của tôi là thân thiện, vô hiệu hóa bão cát, sử dụng bão cát để gây mưa. Cụ thể phát minh, sáng chế của tôi là xây dựng "dốc - đập - kè" để đón và đẩy gió lên cao, "không khí nóng gặp không khí lạnh" sẽ gây mưa.

Có thể hình dung thế này, tại hoang mạc Sahara sẽ được xây một hệ thống "dốc - đập - kè", khi gió thổi gặp dốc, gió sẽ bị đẩy lên cao, tại đây hai luồng gió nóng, lạnh gặp nhau sẽ gây mưa. Việc ở Sahara thường xuyên có mưa, dẫn đến cát ẩm không bị gió thổi và con người hoàn toàn có thể sinh sống trên hoang mạc này".

Ông Minh bảo, ông đã nghiên cứu rất kỹ nguyên lý này và ông tin rằng nếu được Liên Hợp Quốc và Chính phủ các nước ủng hộ và thẩm định phát minh này, chắc chắn nó sẽ mang lại lợi ích cho nhân loại. "Nếu phát minh này được các tổ chức trên thế giới thẩm định, rất có thể tôi là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải Nobel và phần thưởng 1 triệu USD Mỹ" - ông Minh tự tin.

Thành phố "Thiên niên kỷ"

Tháng 8.2002, ông đã được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận "Đăng ký quyền tác giả", với tác phẩm "Thành phố thiên niên kỷ". "Thành phố" trong thiết kế của ông gồm những dãy nhà 11 tầng, tầng 1 là hệ thống đường ưu tiên cho ôtô điện, xe buýt, xích lô… Từ tầng 2 đến tầng 11 là nhà ở, hoặc trụ sở làm việc của các cơ quan, trường học, công ty, khách sạn… Việc bố trí đường hợp lý nên đi lại rất dễ dàng.

Ý tưởng này được ông Minh xây dựng nhằm áp dụng cho thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn Việt Nam. Theo bản vẽ, sẽ có một thành phố ven sông Hồng mọc lên trong tương lai. Ông Minh bảo, sở dĩ ông vẽ mô hình áp dụng dọc theo sông Hồng trước, vì "thành phố" của ông không cần đất, lại chống được lũ lụt, tắc đường, ô nhiễm. Vì vậy khi xây dựng thành phố này, người nghèo sẽ có cơ hội mua nhà, chấm dứt cảnh "nhà ổ chuột", làng chài lênh đênh trên sông nước…

Tôi cố để tưởng tượng theo hình vẽ và sự mô tả của ông. Tôi đang miên man nghĩ, bỗng ông Minh vỗ mạnh vào vai bảo: "Chú nay ở lại ăn mì tôm với tôi nhé!". Tôi chưa kịp trả lời, thì “nhà khoa học dở chứng” đã xé toạc 2 gói mì tôm cho vào bát. Ông loay hoay pha mì tôm, chốc chốc lại nhìn lên các hình vẽ, những công trình đang còn dang dở, với vẻ mặt buồn khó… gọi tên!?

Ông Phạm Sỹ Cường - Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ (Sở KHCN Hà Nội):“Thời gian gần đây, chúng tôi tiếp nhận một số đề tài tương tự trường hợp của ông Lê Quý Minh. Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần sáng tạo khoa học của họ. Nhưng cái khó của những “nông dân làm khoa học” là họ chỉ làm được, chứ không viết được, trong khi đó đề tài, công trình khoa học muốn được triển khai cần phải có hồ sơ đầy đủ, có các thông số kỹ thuật để chứng minh...

Sở có kế hoạch sẽ hỗ trợ "triển khai đề tài" với những công trình hay, có khả năng ứng dụng vào cuộc sống. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ của ông Minh, nếu kiểm tra đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ hỗ trợ, hoặc để nghị Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ để triển khai”.


Việt Tùng - NTNN

Bình luận
vtcnews.vn