Nhà đất sống trên 20 năm, đền bù có 3 triệu đồng?

Thời sựChủ Nhật, 26/06/2011 07:16:00 +07:00

(VTC News) - Để có được mặt bằng như vây giờ họ phải vay mượn đầu tư rất nhiều, vậy mà mức hỗ trợ giải tỏa chỉ từ 3-18,5 triệu đồng cả mảnh đất.

(VTC News) - Thời gian qua, PV VTC News liên tục nhận được đơn thư kêu cứu của một số hộ dân ở xã Giao Xuân (Giao Thủy - Nam Định) phản ánh việc chính quyền địa phương thu hồi đất nhưng chưa có chính sách hỗ trợ di dời thỏa đáng khiến gần hai năm nay họ không có nhà ở, phải sống tạm bợ trong những túp lều trên chính nền đất cũ của mình.

Bỗng dưng mất nhà?

Tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, những năm 1989 – 1998, thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động và các hộ khó khăn, UBND xã Giao Xuân đã giao đất cho hơn 30 hộ ra dọc tuyến đê biển để sản xuất. Trong đó, có 5 hộ khu vực hai bên đường dốc đê biển Vạn Xuân gồm gia đình các ông Trịnh Bá Ngư, Trịnh Văn Chúc, Trần Gia Đạm, Nguyễn Hồng Kỳ, Sử Văn Ngân.

Trước đây ở khu vực này, mặt bằng là những hố sâu, 5 hộ trên đã bỏ công sức vượt đất, tu tạo và dựng nhà ở ổn định hơn 20 năm nay. Sự việc trên được ông Trần Mạnh Cường, nguyên Chủ tịch UBND xã Giao Xuân xác nhận.

 Những ngôi nhà của người dân ở xã Giao Xuân, Nam Định bị đập bỏ khiến họ phải sống tạm bợ trong những túp lều (Ảnh: MP)

Ngày 31/5/2005, UBND huyện Giao Thủy ra Quyết định số 223/2005/KH-UB về việc triển khai kế hoạch thực hiện chiến dịch giải tỏa vi phạm đê điều, công trình thủy nông để chủ động phục vụ sản xuất và phòng chống lụt bão. Kế hoạch nêu rõ: Giải tỏa các vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, giải quyết dứt điểm, triệt để những vi phạm trên mặt đê, mái đê, cơ đê và các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi 5m kể từ chân đê trở ra.

Theo quan sát và đo đạc của PV VTC News, các căn hộ của gia đình ở dốc Vạn Xuân đều nằm cách xa hàng lang bảo vệ đê điều. Thậm chí riêng gia đình nhà ông Ngân cách xa hành lang đến 15m nhưng không hiểu vì sao vẫn thuộc diện giải tỏa. Và dọc hành lang này có hàng chục ngôi nhà khác cũng nằm san sát chân đê nhưng các hộ gia đình này lại không bị giải tỏa, không bị đập bỏ. Điều này đã gây rất nhiều thắc mắc cho các hộ dân và dư luận trong ngoài huyện.

Điều đáng nói ở đây là trên cùng một mảnh đất, UBND xã, UBND huyện lại chỉ đập nhà của các hộ ông Đạm, ông Ngư, ông Chúc, ông Kỳ, ông Ngân mà trừ lại ngôi nhà của hộ gia đình ông Văn Ngôn (căn nhà này nằm giữa 3 ngôi nhà của ông Kỳ, ông Đạm, ông Ngư và đối diện hộ gia đình ông Ngân.

Ngày 14/9/2006, 5 hộ dân này lại nhận được Quyết định số 2288/QĐ-UBND của UBND huyện Giao Thuỷ về việc thu hồi đất chiếm dụng, trả lại mặt bằng cho Nhà nước để thực hiện kế hoạch tập kết vật tư dự trữ phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão trước mắt và lâu dài.

Ngày 21/7/2009, UBND huyện Giao Thủy ra Quyết định số 2222/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ giải tỏa công trình xây dựng trái phép trên đất không hợp pháp tại dốc Vạn Xuân.

Chỉ mong có nhà ở ổn định

Mấy năm qua, UBND huyện Giao Thủy đã ra nhiều quyết định, thông báo yêu cầu giải tỏa. Trước sự thúc ép của chính quyền địa phương, các hộ dân buộc phải trả mặt bằng. Thế nhưng, đến nay, ngoài những gia đình có điều kiện xây dựng nhà mới, còn 3 hộ Trần Gia Đạm, Nguyễn Hồng Kỳ và Trịnh Thanh Chúc phải dựng lều ở tạm trên chính mảnh đất cũ của mình.

Hiện cả 3 hộ này đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Trong khi đó, con cái họ đang trong độ tuổi cắp sách đến trường. “Chúng tôi đã sống ở đây mấy chục năm, luôn chấp hành mọi quy định của pháp luật. Nếu Nhà nước có chủ trương thu hồi đất, chúng tôi sẵn sàng chấp hành, chỉ mong được hỗ trợ đền bù thỏa đáng và sắp xếp, bố trí ổn định nơi sinh sống để chúng tôi yên tâm sản xuất”, ông Kỳ chia sẻ.

Quyết định của UBND huyện Giao Thủy chỉ rõ việc tiến hành triển khai giải tỏa vi phạm hành lang đê điều trong phạm vi 5m kể từ chân đê trở ra tuy nhiên lãnh đạo huyện này bảo rằng không biết có quyết định này! 

Cũng theo các hộ dân ở đây, mặc dù họ đã nhận được hỗ trợ giải tỏa của UBND huyện nhưng với mức hỗ trợ như vậy là quá thấp, không đủ để đảm bảo cho việc tái định cư. Để có được mặt bằng như bây giờ, họ phải vay mượn đầu tư mua đất, tạo mặt bằng. Vậy mà mức hỗ trợ lại rất ít ỏi, hộ nhiều nhất chỉ được 18,5 triệu đồng, hộ ít hơn 3 triệu đồng.

Trao đổi PV VTC News về vấn đề này, Phó chủ tịch xã Giao Xuân cho biết, các hộ dân này lấn chiếm đất ở hành lang bảo vệ đê điều. Tuy nhiên ông Phó chủ tịch xã không xuất trình được các giấy tờ có liên quan chứng minh việc các hộ dân này lấn chiếm. Còn về chính sách hỗ trợ cho các hộ dân, vị đại diện này cho biết: "Cái này phụ thuộc vào huyện".

Trả lời câu hỏi của PV VTC News về việc tại sao dọc hành lang ở dốc Vạn Xuân có rất nhiều hộ gia đình xây nhà sinh sống song không bị cưỡng chế tháo dỡ mà chỉ có các hộ dân ở dốc Vạn Xuân bị, vị Phó chủ tịch xã này cho biết đây là nơi thí điểm thực hiện cưỡng chế!

Trong khi đó, ông Mai Tiến Dũng, Chánh văn phòng UBND huyện Giao Thủy khẳng định với PV VTC News rằng, những thông tin mà lãnh đạo xã cung cấp là chưa chuẩn xác vì 'khu vực dốc Vạn Xuân là nơi tập kết đá để bảo vệ dọc hành lang đê điều".

Cũng như lãnh đạo xã, ông Dũng cũng không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào chứng minh các hộ dân ở dốc Vạn Xuân lấn chiếm hành lang đê điều. Còn về việc hỗ trợ cho các hộ dân ở khu vực này sinh sống ổn định, ông Dũng nói rằng: "Cái gì làm cũng phải thực hiện theo đúng vì lợi ích nhà nước của dân, vì dân".

Trước thông tin cho rằng UBND huyện tiến hành cưỡng chế khu vực nhà ở cho các hộ dân ở khu vực dốc Vạn Xuân là để lấy đất cho doanh nghiệp thuê lại, ông Dũng khẳng định: Hoàn toàn không có việc này!

Quang Tùng – Phan Mạnh

Bình luận
vtcnews.vn