NH thắt chặt vay vốn, công ty tài chính “đắc lợi"

Kinh tếThứ Năm, 16/12/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Người vay chấp nhận trả lãi cao tìm đến các công ty tài chính để vay tiêu dùng cuối năm.

(VTC News) – Lãi suất ngân hàng biến động thất thường cùng với việc thắt chặt cho vay tín chấp cuối năm, khiến những người có nhu cầu vay chi tiêu nhưng không có tài sản thế chấp phải tìm đến “cửa” các công ty tài chính, chấp nhận mức lãi suất rất cao so với mặt bằng lãi suất ngân hàng.

Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến nhưng "vay không dễ"


Càng gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu vay tiêu dùng của cá nhân càng lên cao trong khi các ngân hàng thắt chặt cho vay và đẩy mạnh việc huy động vốn.

Cách đây chưa lâu, Techcombank đẩy mức lãi suất tiết kiệm lên tới 17%/năm, khiến một số ngân hàng khác cũng đẩy lãi suất huy động của mình lên tương ứng, trước khi Ngân hàng Nhà nước và 12 ngân hàng thương mại khu vực Hà Nội cam kết áp lãi suất tối đa trên bảng niêm yết là 14%/năm.

Những thông tin này cho thấy, thời điểm cuối năm các ngân hàng có dấu hiệu đua nhau huy động vốn. Điều này khiến những khách hàng nhỏ khi có nhu cầu vay vốn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những cá nhân không có tài sản thế chấp đảm bảo.

Đây là thời điểm rất khó để cá nhân có thể tín chấp từ ngân hàng.

“Cuối năm, tôi muốn vay ít tiền sửa sang nhà cửa nhưng ngôi nhà này bố mẹ chưa chuyển tên cho chúng  tôi nên chưa được giao sổ đỏ để thế chấp… Hỏi tiền các cụ để sửa nhà thì khó mà muốn vay cũng chưa biết có được không?”, chị Ngọc Lan (Mỹ Đình) chia sẻ.

Hiện, chị Lan đang gặp khó trong vấn đề cho vay tín chấp do hồ sơ của chị đủ yêu cầu, nhưng chưa đạt “điểm tuyệt đối về tín dụng”. Chị không có HKTT ở Hà Nội mà chỉ có KT3 (tạm trú dài hạn). Một nhân viên ngân hàng cho biết: Cho dù điểm tín dụng của chị Lan đẹp chăng nữa (do hai vợ chồng cùng làm trong doanh nghiệp nhà nước với tổng thu nhập xấp xỉ 15 triệu/tháng) nhưng cuối năm các ngân hàng thường khó giải ngân cho nhu cầu vay tín chấp cá nhân.

Tìm hiểu và liên hệ với những ngân hàng cho vay tín chấp như Tienphongbank, chị Lan nhận được câu trả lời: “Ngân hàng đã tạm dừng cho vay cá nhân khoảng 2 tuần nay, khi nào bên em nối lại hoạt động cho vay tín chấp cá nhân em sẽ liên hệ với chị”. MB bank cũng từ chối đề nghị của chị do cơ quan chị không trả lương qua ngân hàng này. Liên Việt Bank chỉ cho vay với cán bộ, nhân viên trong ngân hàng và một số doanh nghiệp kí hợp đồng hợp tác. Một số các ngân hàng khác cũng có câu trả lời tương tự là rất khó có thể giải ngân tại thời điểm năm tài khóa sắp hết.

Không chỉ trường hợp chị Lan, nhiều người chia sẻ, đây là thời điểm mà họ cần tiền nhất trong năm cho các nhu cầu chi tiêu cá nhân trong khi những thủ tục của dịch vụ cho vay tín chấp quá hấp dẫn, nhưng đa số họ đều than “vay không dễ”.

Cẩn thận với lãi suất cho vay tín chấp


Không nói rõ rằng nhu cầu cho vay của cá nhân tăng bao nhiêu %, nhưng anh Đ. Sơn  - nhân viên một công ty tài chính tại Hà Nội khẳng định: “Tháng 12 là thời điểm khách hàng của công ty đặt vất đề xin vay cao nhất trong các tháng do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, trong khi các ngân hàng thắt chặt việc cho vay”.

1,3% – 1,8%/tháng là mức lãi suất mà anh Sơn đưa ra cho khách hàng cần vay tiêu dùng tín chấp tham khảo trong tùy từng thời điểm. Lãi suất này được chốt dựa trên mức tiền khách hàng muốn vay và tùy từng thời điểm.

Với mức 1,8%/tháng thì mức lãi suất khách hàng phải trả một năm lên đến 21,6%. Tuy nhiên, điều đáng nói, hiện nay các nhân viên của các công ty tài chính chào mời khách vay rất nhiều với thủ tục được rao là đơn giản song theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi đặt bút kí vay vốn, khách hàng nên tìm hiểu kĩ các chi tiết trong các bản hợp đồng vay vốn vì có nhiều điều khoản và phụ lục mà khách hàng chủ quan bỏ qua. Thực chất, đây là những ràng buộc hết sức chặt chẽ và phần nhiều thiệt thòi cho khách hàng nếu không xem kĩ chi tiết. 

Ví dụ như điều khoản thỏa thuận về việc phạt nếu khách hàng tất toán số tiền vay trước thời hạn. Một khách hàng cho biết, trong hợp đồng chị kí với công ty tài chính có điều khoản nếu tất toán trước thời hạn, phạt 2% trên số gốc còn lại.

Có hai cách tính trả lãi mà các ngân hàng và công ty tài chính áp dụng, một là trả lãi theo dư nợ ban đầu (trả lãi phẳng), hai là trả lãi theo dư nợ thực tế. Trong đó trả lãi theo dư nợ thực tế có số % được đẩy lên cao rất nhiều so với hình thức trả lãi theo dư nợ ban đầu, tuy nhiên thường thì với hình thức trả lãi theo dư nợ thực tế, khách hàng sẽ phải trả lãi ít hơn.

Số tiền lãi khách hàng phải trả theo hai cách tính lãi suất, nếu khách hàng vay của ngân hàng 60 triệu đồng, trả lãi trong vòng 1 năm.

Ví dụ, với mức vay 60 triệu đồng, lãi suất 13.5%/năm tính theo dư nợ gốc thì khách hàng sẽ phải trả lãi tổng cộng 8.212.500 đồng/năm dưới hình thức trả cả gốc và lãi theo từng tháng cho tới hết nợ (tháng nào khách hàng cũng phải trả tiền lãi đều nhau, mặc dù một phần gốc đã được thanh toán theo từng tháng). Cũng với mức vay này, lãi suất 20%/năm tính theo dư nợ giảm dần thì khách hàng chỉ mất 6.696.844 đồng/năm mà thôi, vì lãi suất được tính theo khoản nợ thực tế của khách hàng (mà khoản nợ gốc được thanh toán theo từng tháng, do đó nợ gốc giảm dần, tiền lãi phải trả cũng giảm dần mặc dù lãi suất giữ nguyên).

Ngoài ra, khách hàng cũng cần quan tâm tới mức phí cho vay của từng ngân hàng trước khi hoàn thành hợp đồng vay tín chấp. Trong hai cách tính lãi suất, tính lãi suất theo dư nợ thực tế sẽ có lợi cho những khách hàng không tất toán hợp đồng trước thời hạn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện một số ngân hàng như SHB, VPbank, Vietcombank, ngân hàng Á Châu đang có dịch vụ cho vay tín chấp và giải ngân được trước Tết, tùy theo chính sách của từng chi nhánh ngân hàng.

Tại chi nhánh ngân hàng ACB số 30 Liễu Giai (Phường Cống Vị – Q.Ba Đình – Hà Nội), nhân viên tín dụng rất nhiệt tình tư vấn cho khách hàng về biểu lãi suất tham khảo cho vay tín chấp trong tháng 12: 13,8 %/tháng (vay dưới 40 triệu đồng), 13,92% (vay từ 40 – 70 triệu đồng), 12,6 % (vay trên 100 triệu đồng) theo dư nợ ban đầu.

Thông thường, một hồ sơ xin vay tín chấp sẽ được ngân hàng duyệt từ 2 ngày đến 1 tuần. Tuy nhiên nhân viên này cũng cho biết: "Hồ sơ tín chấp được làm rất chặt, do không có tài sản đảm bảo nên rủi ro từ phía khách hàng rất cao".

Nhân viên N. Đ. Minh của ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển (BIDV) cho biết, mức lãi cho vay  cá nhân của nhiều ngân hàng là 17%/năm (cho vay kinh doanh), 18 - 20% (cho vay tiêu dùng), những khoản vay này đều được ngân hàng tính lãi theo dư nợ thực tế.

Nếu áp dụng cách tính lãi theo dư nợ ban đầu của một số công ty tài chính áp dụng thì lãi suất sẽ rất cao do lãi suất giữ nguyên nhưng tiền trả nợ gốc không được tính vào hàng tháng để áp dụng trả lãi. Nói cách khác, nếu lãi suất tính theo dư nợ ban đầu là 21.6 %/năm thì sẽ tương đương với lãi suất theo dư nợ giảm dần xấp xỉ 39.6%/năm.


"Vay vốn tín cấp ngân hàng cuối năm cực kỳ khó, mình không có tài sản đảm bảo ngoài lương nên mới phải vay tín chấp ở các công ty tài chính", anh Phạm Quang Thái (Hai Bà Trưng) khách hàng đang tìm hiểu về thủ tục vay tiêu dùng tại các ngân hàng nói thêm: "Nhưng thông thường, các công ty tài chính không tư vấn kĩ về hai phương pháp tính lãi nên những người chưa có kinh nghiệm đi vay rất dễ bị nhầm lẫn".

Các công ty tài chính, vốn là các tổ chức tín dụng phi ngân hàng kinh doanh các dịch vụ chủ yếu là cho vay, đầu tư, cung ứng các dịch vụ liên quan đến tài chính quanh năm, nên thời điểm ngân hàng thắt chặt cho vay cũng là thời điểm mà họ "đắc lợi" do thu hút được các khách hàng có nhu cầu vay tín chấp về phía mình.

Vay tín chấp là hình thức vay tiền ngân hàng và các tổ chức tín dụng được bảo đảm bằng sự tín nhiệm mà khách hàng không cần phải có có tài sản thế chấp.

Điều kiện cho vay thông thường là khách hàng là nhân viên của các doanh nghiệp, đơn vị hành chính Nhà nước… nhân thân rõ ràng, có hộ khẩu hoặc KT3 (tạm trú dài hạn) tại địa điểm mà ngân hàng đang hoạt động, có hợp đồng lao động dài hạn, làm việc từ 12 tháng trở lên, mức lương trên 3 triệu đồng, trong độ tuổi lao động.

Hạn mức cho vay tương ứng với khoảng 6 tháng lương của khách hàng cho tới dưới 500 triệu đồng (tùy từng ngân hàng), thời hạn thanh toán từ 6 – 36 tháng.

Hiện nhiều ngân hàng và nhiều công ty tài chính đều đang cung cấp hình thức cho vay này.


Bài, ảnh: Phan Minh

Bình luận
vtcnews.vn